song
Phóng viên Mỹ Vân: Nghề báo - cơ duyên và may mắn
Ngày xuất bản: 23/12/2020 12:00:00 SA
Lượt đọc: 13392

Tốt nghiệp ngành Ngữ văn, Trường Đại học Phú Xuân, thành phố Huế, Mỹ Vân cũng trải qua những ngày ôm hồ sơ đi xin việc. Tháng 7/2007 tình cờ nghe được thông báo phát trên Đài TT-TH huyện Văn Yên về việc tổ chức thi tuyển dụng công chức, viên chức với một chỉ tiêu duy nhất của bộ phận Phóng viên Đài huyện, trong đầu cô liên tưởng đến công việc sẽ gắn liền với chữ nghĩa, thơ, văn, sách, báo cũng gần với ngành mình đã học nên quyết định dự tuyển.

 Cơ duyên, may mắn khi được tuyển dụng chính thức và được phân công làm việc tại bộ phận Nội dung – Bộ phận Phóng viên thực hiện sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Văn Yên, nay là Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện, Mỹ Vân bắt đầu những bước đi chập chững với nghề.

Phóng viên Mỹ Vân

Những ngày đầu làm báo, mọi thứ đều hết sức bỡ ngỡ, chưa biết sử dụng máy ghi âm, máy quay phim, phần mềm cắt chỉnh tiếng động và dựng hình, đó là những công việc hàng ngày mà đồng nghiệp phải làm nhưng với Mỹ Vân nó thực sự khó khăn, vì thế cô đã gặp không ít rắc rối trong quá trình tác nghiệp như chuyện lần đầu tiên khi được giao nhiệm vụ quay phim một hội nghị của UBND huyện đã ấn nhầm nút kỹ sảo mà không biết cách điều chỉnh lại; hay sử dụng máy ghi âm nhưng lại không bấm ghi... Nhưng được sự dìu dắt của thế hệ đi trước, sự học hỏi của bản thân cô dần trưởng thành. Ban đầu, cô đi cơ sở cùng các phóng viên có thâm niên trong nghề, khi quen việc, quen địa hình cô đã có thể đi một mình. 

 Vào nghề, cô cũng quen dần với những chuyến đi đầy nhọc nhằn giữa thời tiết khắc nghiệt, những bữa cơm chẳng đúng giờ và nhiều những nguy hiểm khác rình rập. Nhớ lại trận lũ ống đột ngột đổ về thôn Bản Lùng của xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, nhận nhiệm vụ phân công, cô cùng đồng nghiệp lên kế hoạch, chuẩn bị tư trang, máy móc, cùng lãnh đạo huyện trực tiếp tới địa bàn. Vượt qua quãng đường gần 50 km với nhiều điểm sạt lở gây khó khăn, ách tắc. Cả bản giờ chỉ là một bãi đá ngổn ngang, hoang tàn, không khí hoang mang, sợ hãi bao trùm cả bản, những câu chuyện được kể ngắt quãng bởi những giọt nước mắt và những ánh mắt sợ sệt, ngơ ngác của những em bé người Mông, người Tày nơi đây khiến mọi người không khỏi thổn thức. Dưới cái không khí ngột ngạt, oi bức sau bão khiến người mệt lả, nhưng Mỹ Vân và đồng nghiệp không quản vất vả, nguy hiểm, tìm từng góc quay, không ngại phải leo, bò trên từng nóc nhà hay những tảng đá lớn để ghi được những khuôn hình đắt giá với mong muốn có thể lột tả hết những gian nan nơi đây, kêu gọi được sự hỗ trợ, ủng hộ từ cộng đồng. Những ngày sau đó cô cùng đồng nghiệp luôn có mặt ở đây vừa là tác nghiệp vừa động viên, giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống.

Nghề báo đã mang đến cho cô nhiều trải nghiệm khi phải băng rừng, lội suối đến với những bản làng nghèo xơ xác nằm cheo leo nơi vùng cao, được chứng kiến những mảnh đời nghèo khó, bất hạnh, những tấm gương với nghị lực phi thường luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hay trải nghiệm những ngày nắng “rám trái bòng” mà người nông dân vẫn miệt mài sản xuất trên những cánh đồng, những vạt đồi dốc đứng. Nếu không phải là phóng viên, chắc rằng cô sẽ chẳng được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người để thấy cuộc đời thật nhiều  điều tốt đẹp, mỗi ngày là những mảnh ghép về cuộc sống giúp cô trưởng thành. Sau mỗi chuyến đi như vậy, tư liệu viết bài đầy ăm ắp, vốn sống cũng được mở mang để cô không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống. Những bài viết, phóng sự của Mỹ Vân luôn gần gũi, thiên về đề tài xã hội, mang đậm tính nhân văn, nhân vật là những người dân chân chất, mộc mạc, dù sinh sống ở những thôn, bản còn nhiều khó khăn, nhưng luôn có nghị lực vươn lên.

Mỹ Vân chia sẻ: “Để trưởng thành trong nghề, bên cạnh sự đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, sự giúp đỡ, hỗ trợ của đồng nghiệp, thì việc tự học hỏi, tự đúc rút kinh nghiệm qua từng tác phẩm cũng rất quan trọng”

Là phóng viên Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện, phải đảm trách nhiều phần việc từ viết kịch bản, đi cơ sở tác nghiệp, thu thập xử lý số liệu, quay phim, dựng hình, biên tập, đọc phát thanh... Mặc dù có những phần việc chưa được đào tạo thực sự bài bản, chuyên nghiệp, chủ yếu là tự học hỏi lẫn nhau và tự nâng cao tay nghề qua thực tiễn, và với bao khó khăn, nhọc nhằn của một người làm báo huyện nhưng cô vẫn luôn nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Mỹ Vân tâm niệm dù cuộc sống, công việc không phải lúc nào cũng là màu hồng, cũng có lúc buồn phiền, khó khăn nhưng thay vì “trốn” vào một góc nhỏ nào đó để than thở, cô sẽ đi đến những vùng đất mới, đơn giản chỉ để trải lòng mình và thỏa sức với nghiệp viết lách. Và những lúc như vậy, cô lại nhớ đến lời động viên của những đồng nghiệp đi trước: “Hãy yêu nghề, phấn đấu với nghề đi rồi bạn sẽ được những thành công của nghề mang lại”.

Thùy Linh

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải