song
Phương Thùy – Biết ơn những chuyến đi, từng nhân vật
Ngày xuất bản: 13/10/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 14608

 Vốn là một cô gái nhỏ nhắn, bản tính mềm yếu, vậy nhưng khi theo nghề báo, với những chuyến tác nghiệp xuyên rừng, lội suối, trèo đèo, Phương Thùy lại có thêm bản lĩnh và cứng cỏi hơn. Đó chính là những trải nghiệm và vốn kiến thức, hiểu biết cuộc sống mà không trường lớp nào dạy được. Cô luôn biết ơn những chuyến đi, biết ơn từng nhân vật và những cảm xúc mọi người đã sẻ chia.

Những chuyến đi thực tế chính là trải nghiệm và vốn kiến thức quý đối với nghề báo

Mẹ của Phương Thùy là người yêu văn thơ, bà hay viết văn để thể hiện tình cảm với gia đình, bạn bè và quê hương mình sinh ra, nên ngay từ nhỏ Phương Thùy được đọc những trang viết của mẹ, và tình yêu với văn học cũng bắt đầu từ đó. Rồi cô bé lại thường xem các chương trình truyền hình và ước muốn một ngày nào đó có thể đưa hình ảnh đẹp về quê hương mình, về những người bình dị, về cái tốt và cái xấu trong xã hội để mọi người được biết, ước mơ làm báo trong Phương Thùy đã nhen nhóm ngay từ những năm học tiểu học.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Phát thanh Truyền hình, Phương Thùy được tuyển dụng vào Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Trạm Tấu (nay là Trung tâm Truyền thông và Văn hóa), một huyện vùng cao nghèo có trên 72% dân số là đồng bào Mông, giao thông đi lại khó khăn. Với một sinh viên chân ướt chân ráo từ thành phố lên, tiếng Mông không biết thì khi tác nghiệp ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, khi tiếp xúc với bà con  vừa nói vừa khua chân múa tay các kiểu mà không hiểu được ý nhau, thậm chí khát còn không biết nói thế nào để xin nước uống. Rất nhiều lần cô phải đi bộ vài tiếng đồng hồ để lên thôn, bản rồi lại phải về không, vì không biết tiếng để hỏi nhà trưởng thôn và bí thư chi bộ, không có cách liên lạc bởi khi đó điện thoại là thứ khá xa xỉ ở một huyện vùng cao. Sau đó để đáp ứng được công việc, Phương Thùy phải học tiếng Mông, đơn giản từ những câu giao tiếp bình thường, rút kinh nghiệm cho những lần đi cơ sở sau, cô đã biết nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô giáo trên thôn bản để dễ dàng tiếp xúc, phỏng vấn nhân vật.

Phương Thùy luôn dành một tình yêu đặc biệt cho nghề báo

Những năm đầu làm nghề, lúc đó đến các xã chủ yếu là đi bộ, Phương Thùy nhiều lần rơi nước mắt trong các chuyến tác nghiệp khi cùng các đội liên ngành đi truy quét lâm tặc trong những cánh rừng sâu hoặc đi triệt phá thuốc phiện. Nhớ chuyến đi truy quét lâm tặc, phải xuyên qua những cánh rừng già, rắn, vắt đua ra trước mặt, có những lúc lạnh người bởi lực lượng công an bắn chỉ thiên, lần đầu nghe tiếng súng nổ sát tai mà tim đập loạn xạ, vừa phải loay hoay tìm đường, phải dò dẫm từng bước vì sợ súng kíp của người dân hay những chiếc bẫy thú rừng. Mấy tiếng đồng hồ đi bộ xuyên rừng, ai cũng với bộ dạng tơi tả, gần như kiệt sức, còn bản thân cô đi bộ mấy tiếng đến trầy da tróc gối, chân không nhấc nổi. Lúc đi đã khổ, lúc về còn nguy hiểm hơn, phải ngồi bám dây để người đi trước kéo xuống. Cho đến tận bây giờ, Phương Thùy vẫn nhớ như in cảm giác khi về đến đỉnh núi gần thị trấn, nhìn thấy ánh điện, Phương Thùy khóc như mưa vì biết mình đã an toàn, lúc đó các chiến sĩ công an vừa an ủi vừa cười ngặt nghẽo. Với những lo sợ của lần đầu xuyên rừng tác nghiệp như vậy, vậy mà cô vẫn có thêm nhiều chuyến tự nguyện trở đi trở lại với rừng. Bởi sau mỗi chuyến tác nghiệp, Phương Thùy lại có thêm bản lĩnh, những trải nghiệm và vốn kiến thức, hiểu biết cuộc sống mà không trường lớp nào dạy được. Cô luôn biết ơn những chuyến đi, biết ơn từng nhân vật, biết ơn mỗi câu chuyện và những cảm xúc mọi người đã sẻ chia.

“Nghề báo cho tôi rất nhiều thứ, trong đó trân quý nhất chính là sự trải nghiệm thực tiễn cuộc sống, tôi được cười, khóc với từng mảnh đời, từng số phận, đưa được những mảng màu sáng, tối trong cuộc sống đến mọi người gần, xa, để từ đó các ngành chức năng nhìn thấy, mọi người nhìn thấy nỗ lực của Đảng bộ chính quyền địa phương trong công tác lãnh chỉ đạo, cũng như những trăn trở, suy tư những điều còn tồn tại để các ngành chức năng chỉ đạo kịp thời hơn, giải tỏa được những vướng bận trong lòng người dân để họ tin yêu hơn vào Đảng. Nghề báo cũng cho tôi nhiều cuộc gặp gỡ thú vị, tôi có thêm nhiều người bạn tốt, họ cho tôi kỹ năng sống để có nghị lực đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống và giúp tôi sống có ích hơn” - Phương Thùy chia sẻ.

Ở vùng cao Trạm Tấu thì khó khăn đặc thù là rất rõ, nơi tác nghiệp là vùng rừng xanh núi đỏ, trong khi phóng viên ở đây luôn phải tác nghiệp do ít phóng viên, trong khi địa bàn rộng, giao thông khó khăn trở ngại, bản thân là con gái trèo rừng lội suối nhiều lúc cũng nản. Nhưng từ sự quan tâm thiết thực của các đồng chí lãnh đạo huyện, rồi sự giúp đỡ, tài trợ những trang thiết bị tốt nhất của Đài PTTH tỉnh, Báo Yên Báo, anh em đồng nghiệp chân thành, sẻ chia, đùm bọc, người dân tin tưởng, gắn bó chính là nguồn động viên rất lớn để những nữ nhà báo như Phương Thùy gắn bó với nghề ở huyện vùng cao này.

Giờ đây, Phương Thùy là Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Trạm Tấu, phụ trách lĩnh vực phóng viên và tuyên truyền lưu động, nhiệm vụ nặng nề hơn vì vừa tham gia hoạt động quản lý, vừa phụ trách lĩnh vực tuyên truyền lại kiêm thêm nhiệm vụ tay trái là ca múa nhạc tuyên truyền lưu động ở cơ sở, nhưng nghề báo luôn giữ một vị trí đặc biệt trong cô và ngọn lửa đó chưa bao giờ tắt, ngoài cộng tác với Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái, Phương Thùy là cây bút quen thuộc của các trang Báo Yên Bái, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, ở cương vị nào Phương Thùy cũng luôn làm tốt công việc của mình bởi cô luôn tâm niệm dù làm ở lĩnh vực nào chỉ cần có tình yêu thì sẽ luôn có thời gian dành cho những gì cô yêu mến và trân trọng.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải