song
Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngày xuất bản: 29/07/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 4871

 Giám sát và phản biện xã hội nhằm bảo vệ nền tảng của Đảng là một nhiệm vụ rất quan trọng của báo chí. Báo chí không chỉ thông tin, mà còn thể hiện chính kiến, quan điểm đối với các vấn đề của đời sống xã hội.

Do đó, tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.

Xung kích đi đầu trong giám sát, phản biện

Một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của báo chí là giám sát và phản biện xã hội. Chức năng này đã được báo chí cách mạng Việt Nam phát huy hiệu quả trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, các cơ quan báo chí lại càng vào cuộc với tinh thần xung kích, đi đầu.

Nhà báo Đỗ Phú Thọ - Nguyên Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân cho biết, trong thời gian qua, nhiều báo, tạp chí đã mở chuyên trang, chuyên mục về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch”; chuyên mục bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống…

 

Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ảnh: phóng viên tác nghiệp tại Hội báo toàn quốc 2023

Ngoài ra, nhiều cơ quan báo, tạp chí đã mở các chuyên mục như “Bình luận-phê phán” của Báo Nhân Dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân; “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái thù địch” của Tạp chí Cộng sản; “Chống diễn biến hòa bình” của Báo Quân đội nhân dân, VietnamPlus, Công an nhân dân; Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam... Báo Quân đội nhân dân tổ chức phát động cuộc thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”…

Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí đã lập một nhóm phóng viên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình thời sự để đấu tranh thông tin, phản bác quan điểm sai trái, thù địch… trong đó đặc biệt quan tâm đến những thông tin xấu trên mạng xã hội. Điển hình như Đài Truyền hình Việt Nam mở chuyên mục “Đối diện” chuyên về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phát sóng định kỳ 1 số/tháng.

Trên thực tế, các chuyên mục này của các báo đã đề cập nhiều nội dung đa dạng, phong phú, trong đó nổi bật là các bài phân tích, bình luận, phê phán các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị; phản bác những lời nói, hành động thiếu thiện chí, nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng... Từ đó góp phần bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng.

Xác định công tác giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ quan trọng, nhiều đơn vị báo đài địa phương cũng triển khai các nội dung tuyên truyền, góp phần làm cho mọi người nhận thức sâu sắc, đúng đắn về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, để thống nhất trong hành động, biến những chủ trương, chính sách thành những phong trào, hành động cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Vũ Anh - Giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên chia sẻ rằng, mới đây, Đài mở mới mục “Nhận diện” trong chương trình Thời sự, tần suất 1số/tháng, tăng cường tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, Đài đã tổ chức sản xuất nhiều chuyên đề, chuyên mục, chương trình, tác phẩm liên quan đến lĩnh vực này, như: các chuyên mục “ĐBQH và HĐND với cử tri”, “Trả lời kiến nghị cử tri”, “Chính sách và cuộc sống”, “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, “Đại đoàn kết”, “Thi đua yêu nước”, “Hành trình cải thiện PCI”; chương trình phát thanh trực tiếp “Giờ cao điểm giao thông”; cùng các chương trình tọa đàm, trao đổi, phỏng vấn... trên sóng phát thanh, truyền hình và cập nhật trên nền tảng số. Ngoài tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, các nội dung nêu trên còn được truyền tải thông qua các chương trình tiếng dân tộc thiểu số, gồm: tiếng Tày-Nùng; tiếng Dao và tiếng Mông, các bản tin tiếng Anh, tiếng Trung, một số chương trình được dịch thuật sang tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn quốc, tăng cường tuyên truyền đối ngoại, thông tin đến với bạn bè quốc tế…

Thay đổi chiến thuật, phương thức tác chiến để giám sát phản biện hiệu quả hơn

Nhìn thẳng vào thực tiễn thời gian qua, mặc dù báo chí đã rất nỗ lực tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuy nhiên, thực tế hoạt động báo chí Việt Nam thời gian qua cho thấy, không phải lúc nào, cơ quan báo chí hay nhà báo nào cũng làm đúng, làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Thẳng thắn rằng, ngay cả nhận thức của một số cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí về cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn còn chưa thường xuyên, đầy đủ và sâu sắc.  

Ngoài ra, hiện nay, lực lượng viết bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn mỏng, nhất là các cây bút trẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số bài viết về phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chưa xác định rõ đối tượng mình hướng đến để đấu tranh, loại bỏ những kẻ thù địch hay lôi kéo, thuyết phục đồng chí, đồng bào thiếu thông tin, lầm đường, lạc lối…

Thậm chí, hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của một số cán bộ, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ tới “sức chiến đấu” của lực lượng báo chí trên mặt trận này. Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng một số nhà báo lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để châm chọc, đả kích, đường lối, chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Ở phía báo chí địa phương, vẫn chưa mạnh dạn trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, bởi vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân khó khăn do tiếp cận thông tin, hoặc do trình độ hiểu biết, kỹ năng, điều kiện tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên còn hạn chế, không am hiểu sâu lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội, nên đã thiếu cái nhìn toàn diện, có khi nắm bắt thông tin và phản ánh hiện tượng mà chưa rõ bản chất vấn đề…

Đó là chưa kể, thực tế trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, chúng ta cũng đang phải đối phó với rất nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang thay đổi chiến thuật tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chống phá trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, nhằm làm tan rã, làm giảm sút lòng tin vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Trước tình hình trên, đại tá Đỗ Phú Thọ, nguyên Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân cho rằng: “Các cơ quan báo chí phải xốc lại đội ngũ, thay đổi chiến thuật, phương thức tác chiến để thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.

Đưa ra nhiều phương án rất cụ thể để giải bài toán này, nhà báo Đỗ Phú Thọ cho rằng, trước tiên, cần phải xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng ở các cơ quan báo chí  thực sự vững mạnh. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng.

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất, cần đa dạng hóa nội dung, hình thức, biện pháp, phương tiện hoạt động báo chí để phát huy được vai trò hiệu quả  của báo chí trong giám sát, phản biện xã hội và đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Gắn công tác giám sát, phản biện xã hội với việc đấu tranh phản bác những luận điểm sai trái, xuyên tạc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

Ngoài ra, cũng cần huy động sức mạnh tổng hợp của các nhà báo, kết hợp với các cộng tác viên, thông tin viên để phát huy được vai trò, chức năng của báo chí trong giám sát phản biện xã hội và đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thêm vào đó, cần kíp xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên trách đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng lãng phí, đấu tranh chống quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần tập trung xây dựng đội ngũ này có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, phương pháp và kỹ năng làm báo, có chiều sâu tư duy, có tầm nhìn rộng, có khả năng nắm bắt kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, có văn phong và bút pháp tốt để có những bài viết sâu sắc, có sức thuyết phục, làm sáng tỏ và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đồng thời, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới, thực hiện tốt các chương trình, chuyên mục giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác tin giả, thông tin sai sự thật, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần định hướng, dẫn dắt thông tin chính thống theo quan điểm, đường lối của Đảng…

Có thể nói, giám sát và phản biện xã hội nhằm bảo vệ nền tảng của Đảng là một nhiệm vụ rất quan trọng của báo chí. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, có thể thấy rằng, Báo chí đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới, báo chí vừa phải nâng cao “sức đề kháng” của mình, vừa tiếp tục có hướng đi đúng, chung tay, chung sức, nâng cao “sức chiến đấu” hơn nữa trong công tác này.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải