song
Thu nhập cao từ nuôi thỏ
Ngày xuất bản: 01/06/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 41943

 Từ hai bàn tay trắng, ông Bùi Quốc Trị, thôn Bảo Long, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên đã gây dựng được trang trại thỏ trên 3.000 con, với lợi nhuận hàng năm lên tới hơn 300 triệu đồng.

Năm 1983, rời quân ngũ trở về quê hương, ông Trị đau đáu trong mình câu hỏi phải trồng cây gì, nuôi con gì để làm giàu? Lúc bấy giờ, chăn nuôi chủ yếu vẫn chỉ có lợn, gà, nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ, lợi nhuận không cao. Thử rồi lại thất bại khi làm quanh năm mà thu nhập cũng không ổn định vì dịch bệnh và thiếu kiến thức về chăn nuôi. Nhiều lần thất bại, ông phát hiện ra rằng, thỏ là vật nuôi phù hợp với mình để phát triển bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao. Được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông, ông đã đi tham quan nhiều mô hình trang trại nuôi thỏ tại thành phố Yên Bái, xã Lương Thịnh (Trấn Yên), Trung tâm dê và thỏ Ba Vì... và dự các lớp tập huấn kỹ thuật nông, lâm nghiệp về chăn nuôi thỏ. Đến năm 2010, ông quyết định đầu tư 50 triệu đồng xây chuồng trại nuôi giống thỏ NewZealand với 40 con thỏ bố mẹ.

Tuy nhiên, lần nuôi thử nghiệm đầu tiên, do chưa có kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc nên thỏ chết đồng loạt mà không hiểu nguyên nhân tại sao khiến ông và gia đình rất chán nản, lo lắng. Tuy nhiên, vì đã đầu tư một số tiền lớn mà bỏ dở giữa chừng thì không được; thêm nữa, cũng do bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức nên ông quyết tâm tiếp tục đầu tư nuôi thỏ. Với quyết tâm của mình, ông đã tìm đến những người có kinh nghiệm, tìm hiểu thêm trên sách báo, mạng Internet để tìm cách khắc phục, duy trì và phát triển thỏ. Sau gần một năm nuôi thỏ, khắc phục và nhân giống, số thỏ được nhân lên 100 con mẹ và trong chuồng lúc nào cũng duy trì khoảng 700 thỏ thịt thường xuyên quay vòng để bán dần. Lúc này, lại có một khó khăn khác đến với gia đình ông Trị khi đầu ra của sản phẩm lại rất hạn chế. Trong khi ấy, xã có trên 10 hộ nuôi thỏ thì đều bỏ nghề do không bán được, chỉ còn gia đình ông, mặc dù, có 2 tấn thỏ đọng lại trong chuồng nhưng vẫn quyết tâm, kiên trì.

Ông Trị đang chăm sóc đàn thỏ của gia đình mình

Ông Trị cho biết: “Nuôi thỏ đơn giản, song khâu chăm sóc phải tỉ mỉ, đặc biệt là phải chú ý quan sát quá trình sinh trưởng của thỏ để tiêm vắc - xin phòng các bệnh nấm, ghẻ, bại huyết… Ngoài ra, khâu vệ sinh chuồng trại cũng rất quan trọng, chuồng trại cần phải được vệ sinh sạch sẽ, mùa đông phải được giữ ấm hoàn toàn. Bên cạnh đó, thỏ con sau sinh 30 ngày sẽ được tách mẹ, đó là thời điểm thỏ con dễ mắc bệnh đường ruột phải chú ý đảm bảo thức ăn thật sạch sẽ và liều lượng phải vừa đủ”. Đúng là, trời không phụ lòng người. Đầu năm 2012, thị trường thỏ thịt tiêu thụ rất thuận lợi. Với sự kiên trì của mình, ông dần dần có được những thành công nhất định trong việc nuôi thỏ. Từ những năm đầu tiên thua lỗ, đến những năm tiếp theo, ông hòa vốn, rồi có năm lãi được 60 triệu đồng, 100 triệu đồng.

Đến nay, sau 7 năm chăn nuôi, ông đã sở hữu gần 1.000m2 diện tích chuồng thỏ, số lượng duy trì trên dưới 3.000 con. Ông đang tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống chuồng thỏ gồm 15 dãy đôi bằng thép không gỉ. Mỗi dãy ngăn thành 60 chuồng, hướng tới mục tiêu duy trì 400 thỏ mẹ, 5.000 thỏ thịt. Trung bình mỗi con thỏ mẹ một năm trừ chi phí sẽ cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Ông Trị cho biết thêm, đối với vật nuôi là thỏ, người chăn nuôi hiện nay không phải lo đầu ra. Thỏ trong trang trại của ông đều được thương lái từ khắp nơi đến lấy và xuất bán đi các tỉnh trong cả nước.

Bằng nghị lực và quyết tâm, kiên trì, giờ đây cuộc sống của gia đình ông Bùi Quốc Trị đã dần thay đổi rõ rệt. Với giá bán 100.000 đồng/kg thỏ giống và 90.000 đồng/kg thỏ thịt, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên dưới 300 triệu đồng. Với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mô hình nuôi thỏ của gia đình ông Trị đang trở thành hướng đi mới cho bà con trong và ngoài xã học tập và làm theo.

Bài và ảnh: Xuân Thành

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải