song
Tôn trọng sự thật, bảo đảm tính chính xác, trung thực
Ngày xuất bản: 02/12/2020 12:00:00 SA
Lượt đọc: 14889

Với mong muốn cung cấp thêm cho độc giả, đặc biệt là các nhà báo, những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề báo trên thế giới, xem đó như sự hướng dẫn hoặc khuyến khích nhà báo tìm tòi để có hành động đúng đắn, công bằng, trung thực và nhân đạo.

Hầu hết (98/100) các bản quy tắc đạo đức nghề báo của các tổ chức và quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cho rằng đây là một trong các nguyên tắc quan trọng nhất của báo chí.

Nhà báo phải bảo đảm rằng các bài báo do mình cung cấp luôn chính xác, trung thực và công tâm. Vì vậy, trước khi công bố, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nhà báo phải kiểm tra tính chính xác của thông tin. Không được phép công bố bất kỳ vấn đề nào mà bản thân biết hoặc có lý do khẳng định là không chính xác. Không được phép giữ kín hay xuyên tạc sự thật vì mục đích quảng cáo, thương mại, gia tộc, sức ép về kinh tế, chính trị và lợi ích cá nhân. Bóp méo, che giấu, làm sai lệch, buộc tội vô căn cứ và bịa đặt thông tin hay phỉ báng, đe doạ, lợi dụng lòng tốt của người khác để có thông tin là những hành vi chống lại xã hội và tự hạ thấp nhân phẩm của nhà báo (IFJ).

Tin tức phải dựa trên những bằng chứng có thể kiểm chứng và ghi nguồn (IFJ, VTV). Nhà báo phải sử dụng những thông tin có nguồn gốc cũng như sử dụng nhiều nguồn tin (Côxôvô). Nhà báo phải cố gắng hết sức để xác minh và kiểm tra độ tin cậy của tất cả thông tin đến từ mọi nguồn (Bungari). Đặc biệt cẩn trọng và nhạy cảm đối với thông tin còn nghi vấn hoặc tác giả của các sự kiện quan trọng không phải là nhà báo. Nhà báo phải xác định danh tính của nguồn tin, nếu không được, phải nỗ lực thu thập thông tin từ nguồn khác có danh tính rõ ràng; nếu vẫn không được, nhà báo phải nêu rõ lý do (Anbani, Ănggôla, Bungari…). “Nếu là nguồn tin riêng của phóng viên, phải thể hiện rõ điều đó với công luận và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin”. (VTV).

Nhà báo không được thực hiện các công việc dựng, chỉnh sửa hình ảnh  và viết chú thích theo cách có thể đánh lừa hoặc lừa dối công chúng. Cần chú thích rõ ràng nếu đó là hình ảnh ghép hoặc đã được chỉnh sửa (Thuỵ Điển…). Khi trích dẫn thông tin từ bài viết hoặc bài phát biểu khác, nhà báo phải trình bày rõ bắt đầu và kết thúc của trích dẫn. Các bản quy tắc đạo đức của Aixơlen, Látvia, Pháp,Campuchia, Ba Lan, Séc, Cônggô, Extônia, Ănggôla, Na Uy…đặc biệt nhấn mạnh, nhà báo phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với mọi thông tin (dạng viết hay dạng nói) được công bố với danh tính, bút danh hay do sự chấp thuận của mình. Quy tắc đạo đức nghề báo của Bănglađét cho rằng: “Bổn phận đạo đức của một biên tập viên là đảm nhiệm và chịu trách nhiệm toàn bộ cho mọi tác phẩm trên tờ báo của anh ta”.

 Đa số (87/100) các bản quy tắc đạo đức nghề báo của các nước trên thế giới cho rằng, nhà báo, cơ quan báo chí phải nhận thức được trách nhiệm đối với công chúng, nhân vật được đề cập trong tác phẩm và cố gắng tránh sai sót cũng như đưa ra thông tin không chính xác. Nếu phát hiện ra một bài báo đã đăng chứa những thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc bị méo mó, thì ngay lập tức nhà báo, cơ quan báo chí phải đính chính một cách công khai, đúng quy định dù nhận được yêu cầu sửa lỗi hay không. Trong trường hợp đưa tin sai lệch, gây tổn hại đến danh tiếng của một cá nhân hay tổ chức nào đó, cơ quan báo chí cần ngay lập tức đăng lời xin lỗi ở nơi nổi bật.

Thanh Huyền (ST)


 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải