song
Trưởng thành từ những chuyến đi
Ngày xuất bản: 24/10/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 51939

 Ở cái vùng đất lắm núi, nhiều đồi với địa hình hiểm trở như Yên Bái thì cái việc đi không phải dễ, có nhiều chuyến đi, nhuận bút cho bài viết chưa đủ bù chi phí. Nhưng không vì thế mà chàng phóng viên thường trú Thế Duyệt không đi, thậm chí đi nhiều hơn và xa hơn một chút. Bởi đơn giản nếu không liên tục “vận động” thì sẽ bị bỏ lại sau sự vận động liên tục của cuộc sống.

 Chọn học ngành Ảnh báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền để thỏa mãn ước mơ được đi, được khám phá nhưng cũng đồng nghĩa với việc Thế Duyệt chọn cho mình một nghề “nhọc nhằn” như bố mẹ vẫn nghĩ.

Thế Duyệt chụp ảnh cùng các em nhỏ trường MN xã Lao Chải, Mù Cang Chải.

Và khó khăn đầu tiên mà chàng sinh viên ngành ảnh này phải đối mặt đó là áp lực về kinh tế, bố mẹ làm nông nghiệp không có điều kiện để lo đầy đủ cho con. Vậy nên từ năm thứ 2 Duyệt đã xin làm bồi bàn cho một quán ăn ngay gần trường, hàng ngày phải dậy từ 5 giờ sáng đi lấy hàng rồi về đi học và tiếp tục công việc đến 10 giờ đêm, chắt bóp chi tiêu Duyệt đã sắm cho mình một chiếc xe Dream cũ. Để có tiền mua máy ảnh, sẵn có xe Duyệt chuyển sang nghề xe ôm, hàng chiều đứng ngay ở cổng trường đón khách. Lúc bấy giờ sinh viên mà có chiếc máy canon Powershot SX 100 IS là sang lắm.

Khi còn là sinh viên Thế Duyệt cũng rất chịu khó cộng tác với các báo, vừa là kiếm thêm thu nhập vừa rèn luyện nghề. Ra trường thi tuyển và đầu quân về Phòng Ảnh kinh tế, Ban biên tập ảnh, Thông tấn xã Việt Nam, được phân công theo dõi các hoạt động của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành đường sắt, biển đảo. 4 năm ở Hà Nội Duyệt đã có cơ hội được đi đến các vùng biển, đảo của Tổ quốc như Trường Sa Lớn, Thuyền Chài, Lý Sơn, Bạch Long Vĩ…

Vậy nhưng chuyến đi theo tàu hậu cần nghề cá thu mua trên Vịnh Bắc Bộ năm 2014 là Duyệt nhớ nhất. Chàng phóng viên trẻ đã quen với sóng gió, luôn đủ sức để ra biển vậy mà lần này cũng bị “ngã” vì sóng do tàu có công suất nhỏ. Trong khi nhiều đồng nghiệp đi cùng say sóng nằm bệt trên tàu thì Duyệt vẫn cố gượng dậy để chụp ảnh, có những lúc vừa chụp vừa nôn, khi khác thì cứ chụp được một bức ảnh lại lao vội vào boong tàu nằm. Cứ thế cho đến hết hành trình 6 ngày Duyệt cũng gom đủ phóng sự ảnh chất lượng. Những chuyến đi như thế đã giúp Duyệt rèn rũa nghiệp vụ, rèn luyện sức chịu đựng của bản thân và thấy mình trưởng thành hơn.

Trong một chuyến tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa.

Trước khi lên Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái Thế Duyệt chỉ chuyên về mảng ảnh báo chí và cũng chưa tác nghiệp ở vùng núi bao giờ, giờ phải tập viết và làm truyền hình, may mắn Duyệt đã nhận được sự giúp đỡ chân tình của đồng nghiệp trong Cơ quan thương trú. Là phóng viên trẻ và địa bàn Yên Bái khá mới mẻ nên để có thêm những chia sẻ về thông tin, Duyệt hay lân la làm quen với anh chị đồng nghiệp của các báo địa phương. Tuy nhiên, nếu như phóng viên ở Hà Nội thường được phân theo dõi “mảng”, thì phóng viên thường trú như Duyệt lại phải đa-zi-năng mảng nào cũng phải xông vào “nghênh chiến”. Đề tài thì rộng, địa bàn thì mênh mông. Phải biết chọn lọc những gì đưa lên mặt báo là một điều không dễ. Hơn nữa thông tin từ các tỉnh, tòa soạn chỉ chú trọng các vấn đề đặc biệt.

Đề tài của Duyệt quan tâm còn là những “mảng, miếng” về sức quyến rũ của thiên nhiên, con người đặc trưng vùng Tây Bắc, những cái độc đáo chỉ riêng có ở nơi Duyệt được phân công “đồn trú”.

Thế Duyệt chia sẻ: “Làm phóng viên thường trú thì mình phải rất khách quan, trân quý những điều địa phương, con người ở đây cống hiến, chứ không chỉ hăm hở săm soi tìm kiếm toàn cái xấu, có như vậy mình mới giữ được uy tín của phóng viên thường trú và hình ảnh của tòa báo”.

Ở cái vùng đất rộng, người thưa, mênh mông đồi, núi với địa hình hiểm trở như Yên Bái thì cái việc đi không phải dễ, có nhiều chuyến đi Duyệt cùng đồng nghiệp phải dắt xe máy vượt những con dốc đá trơn trượt, đã vài lần ngã xe hỏng máy ảnh, có lần còn phải thuê những thầy giáo ở đấy đưa đi, nhuận bút cho bài viết chưa đủ bù chi phí. Nhưng không vì thế mà Thế Duyệt không đi, thậm chí đi nhiều hơn và xa hơn một chút. Bởi đơn giản nếu không liên tục “vận động” thì sẽ bị bỏ lại sau sự vận động liên tục của cuộc sống.

3 năm gắn bó với Yên Bái, Thế Duyệt chỉ có thể một tháng đôi lần về thăm vợ con ở Thái Bình, Duyệt luôn cảm thấy có lỗi khi không cùng vợ sẻ chia việc chăm sóc hai con nhỏ, nhất là những lúc vợ đau, con ốm trong lòng như có lửa đốt.  

Dù còn đó những khó khăn nhưng Duyệt luôn cố gắng vượt qua để hoàn thành công việc của mình. 7 năm làm báo Duyệt cũng đã bỏ túi được nhiều giải thưởng như Giải Khuyến khích Giải báo chí Quốc gia năm 2011; Giải Khuyến khích Giải báo chí toàn quốc về Thông tin đối ngoại năm 2015; 3 năm thường trú tại Yên Bái năm nào Duyệt cũng có tác phẩm đạt Giải báo chí Yên Bái hàng năm… Đó cũng là một phần thành quả cho cái nghề “nhọc nhằn” mà Duyệt đã theo.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải