song
Văn Chấn chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Ngày xuất bản: 08/03/2019 12:00:00 SA
Lượt đọc: 68492

 Huyện Văn Chấn hiện có đàn lợn trên 100.000 con. Nhiều năm qua, chăn nuôi lợn đã trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho nông dân. Trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lây nhiễm vào địa bàn, cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong huyện đang chủ động triển khai các biện pháp cấp bách để phòng ngừa bệnh DTLCP lây lan.

Gia đình bà Nguyễn Thị Toản, thôn Khe Đồng, xã Đại Lịch đã có truyền thống chăn nuôi lợn từ lâu. Trước đây, mỗi lứa bà nuôi cả trăm con lợn thịt, nhưng thời gian gần đây, do tình hình dịch bệnh trên đàn lợn diễn biến phức tạp nên bà chủ động giảm số lượng đàn xuống còn 1/3 và thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ phun tiêu độc, khử trùng. 

Trước thông tin về bệnh DTLCP trên đàn lợn, bà Toản đã chủ động tìm hiểu thông tin về loại bệnh này; đồng thời, tăng cường các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. 

Bà Toản cho biết "Trước đây, tôi chưa biết gì về bệnh DTLCP, nhưng qua thông tin đài, báo, gia đình đã biết dịch bệnh này rất nguy hiểm nên cảm thấy lo lắng. Ngoài việc tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng, tôi chỉ biết tăng cường chế độ ăn giàu vitamin, chất khoáng và theo dõi đàn lợn thường xuyên để phát hiện xử lý kịp thời”.

Nằm ở cửa ngõ phía Đông của huyện Văn Chấn, xã Đại Lịch có phong trào chăn nuôi lợn khá phát triển. Với truyền thống chăn nuôi cùng ý thức cao trong phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, từ lâu Đại Lịch đã không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. 

Dù vậy, đứng trước nguy cơ dịch lở mồm long móng, DTLCP có thể bùng phát, xã Đại Lịch đã thành lập ban chỉ đạo xuống các thôn tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi và các hộ giết mổ gia súc không mua bán lợn bị bệnh, lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tăng cường theo dõi, kiểm soát đàn, phát hiện và báo cáo kịp thời lợn bị ốm, bệnh.

Là huyện thuần nông, Văn Chấn hiện có hàng vạn hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 100.000 con. Nhu cầu chăn nuôi và sử dụng thịt lợn khiến việc vận chuyển, tiêu thu lợn, thịt lợn diễn ra không chỉ trên địa bàn huyện mà cả các địa phương lân cận. 

Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất cao nếu không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. 

Trước nguy cơ DTLCP bùng phát, huyện Văn Chấn đã thành lập ban chỉ đạo, phân công các thành viên, các cán bộ phụ trách xã trực tiếp theo dõi, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp phòng bệnh. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các ngành chức năng của huyện rà soát, thống kê số lượng đàn lợn. 

Trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động các hộ dân tăng cường vệ sinh chuồng trại và đăng ký tiêm các loại vắc - xin phòng bệnh trên đàn lợn. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong kiểm soát giết mổ và kiểm soát vận chuyển động vật. 

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Với địa bàn rộng, giáp ranh với nhiều địa phương khác nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Tuy nhiên, huyện đã có kinh nghiệm từ việc dập dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn những năm trước. Vì vậy, huyện đã triển khai các biện pháp quyết liệt với phương châm phòng là chính. Cùng với việc tuyên truyền để nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ đàn gia súc thì việc kiểm soát giết mổ và vận chuyển động vật là yếu tố tiên quyết. Chúng tôi đang triển khai phun tiêu độc khử trùng và tiêm phòng các loại bệnh phổ biến cho đàn lợn, trước tiên ở những khu vực có nguy cơ cao. Nếu dịch bệnh xảy ra việc phát hiện khoanh vùng và tiêu hủy triệt để và kịp thời 100% lợn nhiễm bệnh sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng lây lan. Chúng tôi đã lên phương án cụ thể cho việc tiêu hủy để khống chế dịch bệnh nếu có xảy ra”.

Trần Van

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải