song
Vươn lên thoát nghèo nhờ nghề đan rọ tôm
Ngày xuất bản: 19/10/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 85261

 Thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình vừa qua đã được đón nhận Quyết định làng nghề đan rọ tôm của UBND tỉnh Yên Bái. Hòa chung trong niềm vui của thôn có đóng góp không nhỏ của một người mà cả thôn Đồng Tâm đều nhất mực kính trọng tôn là “ông tổ nghề đan rọ tôm”, người đã đưa nghề đan rọ tôm về với thôn, với xã.

Đến với nghề như một cơ duyên

Đến nay đã hơn 40 năm làm nghề đan rọ tôm nhưng ông Trần Văn Thành (80 tuổi, ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) vẫn say mê với công việc của mình. Nhìn những đường đan đều đặn, thoăn thoắt của ông không ai nghĩ ông giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm, ở ông là cả một tấm gương cho những thế hệ trẻ của thôn Đồng Tâm noi theo, học hỏi.

Nghề đan rọ tôm đến với ông Thành cũng rất tình cờ. Trong những năm trước đây (những năm 1975 - 1976), ông làm nghề chạy thuyền máy nên cũng thường xuyên đánh bắt tôm, cá ở Hồ, nhận thấy nhu cầu của bà con tại địa phương sử dụng đến rọ tôm nhiều nên ông xuống Vũ Ẻn (Phú Thọ) mua rọ mang lên chợ Phúc An bán kiếm lời.

: Ông Trần Văn Thành (áo vàng) và các hộ  nhận bằng khen gia đình phát huy làng nghề đan rọ tôm.

Trước đây, rọ tôm được làm bằng thân cây tế và do làm bằng tay, không có khuôn nên cái thì to, cái thì nhỏ, hình dáng méo mó, khi vận chuyển lại dễ bị hỏng, khi sử dụng độ bền không cao, đánh được ít tôm, khi ngâm lâu trong nước rong rêu đến sinh sống bịt kín thân rọ, tôm ở trong đó lâu sẽ bị chết. Nhận thấy những nhược điểm của chiếc rọ tôm ở Phú Thọ, ông Thành đã nghiên cứu, chế tạo ra chiếc khuôn rọ và dùng những cây giang, cây nứa có sẵn trong vùng làm nan.

Ngày qua tháng lại, chăm chút với từng sợi nan, sợi nứa trên tay khiến ông thêm phần gắn bó và say mê hơn với nghề. Bởi vậy, cho dù tới lúc  đau ốm bệnh tật tưởng như không qua khỏi nhưng ông vẫn không quên dặn dò các con, các cháu của mình dù có khó khăn thế nào cũng phải bám nghề, giữ nghề, đến giờ đã hơn 40 năm qua, cho dù tay chân bủn rủn nhưng ông vẫn hàng ngày cầm chiếc rọ trên tay đan lát trong niềm say mê.

Câu chuyện về ông có sức lay động mạnh mẽ tới đời sống của bà con nơi đây. Nghề đan rọ tôm nơi đây tiếp tục phát triển và nhanh chóng được nhân rộng khắp trong thôn ngoài xã.

Thoát nghèo nhờ nghề đan rọ tôm

Xã Phúc An trước đây nằm ven sông Chảy, một vùng đất trù phú trên bến dưới thuyền, sau khi khánh thành nhà máy thủy điện Thác Bà thì xã Phúc An di chuyển lên lưng chừng núi. Cuộc sống của người dân dù là công nhân lâm trường Thác Bà, người dân bản địa Dao, Cao Lan hay bà con khai hoang cuộc sống đều khó khăn như nhau.

Vì thiếu đất sản xuất, những cánh đồng màu mỡ thì đã chìm dưới lòng hồ Thác Bà, chỉ một ít ruộng hạn và trông chờ vào ít nương rẫy nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Hồ Thác Bà rộng hơn 19.000 ha nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua các ngư cụ ra hồ đánh bắt cá tôm. Vì thế cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.

Sản phẩm rọ tôm của người dân thôn Đồng Tâm

Ông Thành chia sẻ: “Cuộc sống của chúng tôi khi đó khó khăn lắm, nhìn lên núi đất rừng mỗi năm thêm cằn cỗi, chỉ còn mỗi cách là nhìn ra hồ, nhưng với hai bàn tay trắng thì làm sao bắt được cá tôm? Trong khi đó tôm cá dưới hồ nhiều vô kể. Ban đầu, khi tôi làm rọ tôm chủ yếu cũng để phục vụ nhu cầu của gia đình, sau dần bà con trong thôn có nhu cầu mua thì mình bán, ai đến học thì mình bày cách cho họ. Người này truyền nghề cho người kia, thành ra cả thôn gần như gia đình nào từ đứa trẻ con 6 - 7 tuổi cũng biết đan rọ tôm…”

Được biết, nghề làm rọ tôm nơi đây có thể làm quanh năm, nhưng rầm rộ nhất là vào mùa nước. Mỗi khi nước từ các con sông dâng lên, các hồ, đập, ruộng lênh láng cá, tôm thì các sản phẩm rọ tôm lại "đắt như tôm tươi". Nghề đan rọ tôm không khó, người nào cũng có thể làm được. Đàn ông thì chẻ nan, phụ nữ thì đan, người khéo tay thì đan hom, người mới tập thì đan thân… Chẳng phải là công việc nặng nhọc, nên trẻ em bảy tám tuổi cũng có thể đan, thậm chí tranh thủ những lúc nông nhàn, lúc ăn cơm, xem tivi cũng có thể đan được.

Gia đình anh Sỹ, ở thôn Đồng Tâm, có 4 người thì tất cả đều biết đan rọ tôm. Anh cho biết, mỗi tuần gia đình đan được 200 - 300 rọ. Giá mỗi rọ khoảng 3000đ - 4.500đ/rọ, mùa mưa giá cao hơn nhưng cũng chỉ được 4.500 - 5.500đ/rọ. Gia đình bà Phan, ở thôn Đồng Tâm, có 6 người, mỗi tuần đan chừng 300 - 400 rọ, trừ chi phí nguyên liệu 1.000 đồng/rọ thì một ngày, mỗi người cũng có thu nhập khoảng 100.000 đồng. Theo thống kê của xã Phúc An thì trong năm 2016, thôn Đồng Tâm có 72/84 hộ làm nghề đan rọ với tổng thu nhập lên đến 5,32 tỷ đồng/ năm chiếm 57% tổng thu nhập của thôn. Một con số không ai có thể ngờ tới đối với những cái rọ tôm bé xíu, trông đơn giản vậy mà mang lại nguồn thu to lớn cho người dân nơi đây.

Những tâm huyết, gắn bó với nghề của bà con nơi đây đã được ghi nhận, tôn vinh và được UBND tỉnh Yên Bái công nhận Đồng Tâm trở thành làng nghề theo Quyết định số 1321 ngày 18/7/2017. Vừa qua, UBND huyện Yên Bình tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận giấy công nhận làng nghề đan rọ tôm cho thôn Đồng Tâm. Đó là niềm vinh dự, tự hào của bà con và cũng là bước khởi đầu quan trọng để xây dựng thương hiệu sản phẩm rọ tôm nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đặc sản của huyện Yên Bình nói chung.

Chia tay Đồng Tâm - làng “rọ tôm” - bên tai chúng tôi vẫn còn văng vẳng điệu Sình ca đầy ý nhị của người Cao Lan nơi đây: “Ngồi đan rọ em cất tiếng hát/ anh đi qua sao chẳng nỡ ghé vào/ nước mắt dài nhưng bàn tay em thoăn thoắt/ Vội vàng tìm anh theo những lóng đan..”. Cùng với lời ca là tiếng ra nan tí tách, nhịp lật lên, gài xuống của những “nghệ nhân” đan rọ tôm.

Đức Nguyễn

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải