song
Ấm áp – Trí tuệ
Ngày xuất bản: 20/10/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 46070

Sau hơn mười năm công tác ở Cơ quan trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, với phần lớn thời gian giữ cương vị Trưởng Ban công tác Hội, trực tiếp theo dõi hoạt động của các cấp hội, trong đó có Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái, tôi nghỉ hưu theo chế độ, trở lại Tây Nguyên sinh sống, trong tôi vẫn vẹn nguyên những tình cảm tốt đẹp về Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái và các bạn đồng nghiệp ở đây. Có lần tôi trao đổi với nhà báo Nguyễn Văn Nghĩa, một người công tác lâu năm ở Hội Nhà báo Việt Nam về các Hội Nhà báo địa phương, anh trả lời ngay:

Đi công tác ở mỗi Hội Nhà báo địa phương, nơi nào cũng thích. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái. Bao giờ các bạn đồng nghiệp ở Yên Bái cũng muốn lưu lại lâu hơn, đi được nhiều hơn với sự cầu thị, hiếu khách, thắm tình đồng chí, đồng nghiệp.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Yên Bái trao quà các cháu nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 

Đã trở nên quen thuộc, gần gũi đối với ngôi nhà tọa lạc tại Tổ 11 phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, nơi được chọn làm trụ sở của Hội Nhà báo tỉnh. Nói không ngoa rằng, đây là trụ sở thuộc loại “độc nhất vô nhị” không nơi nào sánh kịp về quy mô, có cả các phòng làm việc cho cán bộ, nhân viên từ Thường trực Hội, Văn phòng đến Hội trường, phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, ô tô, máy móc, thiết bị đầy đủ. Các anh Lãnh đạo Hội từ thời anh Nguyễn Ngọc Chấn đến thời anh Bùi Anh Túy làm Chủ tịch và các anh: Nguyễn Xuân Cảnh, Phó chủ tịch Thường trực, anh Hà Minh Ất, Phó chủ tịch Hội, Giám đốc Đài PT-TH tỉnh, anh Đinh Phú Sơn, Chánh Văn phòng Hội, tất cả đều nhiệt tình, chu đáo. Từ Cơ quan Hội, chúng tôi còn được hướng dẫn thăm Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, trao đổi chuyện nghề, đồng thời được nghe giới thiệu, cung cấp các ấn phẩm báo chí, nhờ đó, hiểu sâu hơn diện mạo báo chí của tỉnh, được đến thăm các danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử. Giờ đây, mỗi chúng tôi, chí ít cũng một đôi lần đến thăm khu tượng đài nhà yêu nước Nguyễn Thái Học, đến huyện Mù Cang Chải khám phá đèo Khau Phạ, một trong số 4 đỉnh đèo của Tây Bắc, thưởng thức món “đặc sản” ruộng bậc thang quyến rũ du khách bởi sắc vàng của những dãy núi trồng toàn lúa ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phìn từ đèo Khau Phạ về đến thị trấn huyện. Có những địa danh, mỗi khi nhắc đến, con tim chúng tôi rung lên như: Thác Pú Nhu, Thác Mơ, Bản Lim Mông, Suối Giàng, Hồ Thác Bà, Ngòi Tu, Đèo Lũng Lô, Cánh đồng Mường Lò, Di tích Căng đồn Nghĩa Lộ, Bản Hốc, Chợ đá quý Lục Yên, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hầu, Hồ Chóp Dù, Chiến khu Vần, Di tích đền Đại Cại, Tà Sì Láng, Bản Mù… Vào ngày 9 tháng giêng âm lịch, chúng tôi cùng đông đảo bà con các dân tộc trong tỉnh, du khách thập phương và các bạn đồng nghiệp nô nức về dự hội Đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, nghe kể về công chúa Minh Đạt, con gái  vua Hùng, dạy dân khai khẩn đất hoang, trồng lúa, dệt vải; đến nao lòng khi chứng kiến cảnh rước kiệu, lễ dâng hương, nghe tiếng trống hội xuân rộn ràng, xem các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, chọi gà, ném còn, cờ tướng v.v…Chúng tôi còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon, trong đó, phải kể đến món xôi ngũ sắc, khi về ai cũng mang theo một vài gói để làm quà.

Ấm áp bao nhiêu, hoạt động Hội cũng rất trí tuệ bấy nhiêu. Hằng năm, tất cả các mặt hoạt động của Hội đều luôn đổi mới đúng trọng tâm, trọng điểm, đạt được kết quả khá toàn diện, vững chắc, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Sự chuyển biến này này được thể hiện ở nhiều mặt, bắt đầu từ công tác xây dựng tổ chức Hội, các hoạt động chiều sâu như đi thực tế sáng tác, quảng bá tuyên truyền theo chủ đề, duy trì thường niên Giải báo chí của địa phương và Trung ương, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các cuộc hội thảo nghiệp vụ, về học tập và làm theo theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giúp cán bộ, hội viên mở mang tầm nhìn, giao lưu, kết nối…Hội thực sự giữ vững vai trò trung tâm đoàn kết, tạo được sự đồng thuận trong tư tưởng và hành động của hội viên. Đây cũng là minh chứng của sự phát triển bền vững và hiệu quả thiết thực từ hoạt động Hội. Ban Chấp hành Hội, kế thừa và đổi mới qua các nhiệm kỳ, cùng với đội ngũ hội viên thạo nghề, nhiệt tình, thiết tha công tác Hội, là nguyên nhân chính tạo nên sự phát triển bền vững của Hội. Ban Chấp hành, Thường trực Hội luôn có phương pháp, cách làm phù hợp, thiết thực và đúng đắn, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của hội viên trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ đó, nâng cao được vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội. Tôi là người thường xuyên theo dõi, viết bài cộng tác với đặc san Người làm báo Yên Bái nên thấy rất rõ điều này. Trên đặc san, quán xuyến tất cả là chủ đề nghiệp vụ báo chí và nghiệp vụ công tác Hội, dễ đọc, dễ làm theo, bên cạnh các bài viết mang tính nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu về  nghiệp vụ trong tỉnh, trong nước, còn có trang thơ của các nhà báo và  các thông tin về báo chí nước ngoài nên đặc san của Hội luôn cần thiết và thu hút được bạn đọc.

Mượn ý Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá về Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái, tôi xin được khái quát bằng  4 từ: ấm áp-trí tuệ.

                                                                                                                                                                                              Lê Văn Thiềng

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải