song
Học được rất nhiều từ nghề báo
Ngày xuất bản: 07/09/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 36223

 Khởi nghiệp làm báo từ một kỹ thuật viên của Phòng Báo Yên Bái điện tử, 10 năm trong nghề phóng viên Thanh Ba đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Từ một kỹ thuật viên cảm nhận đời sống của xã hội qua các bài viết của đồng nghiệp, khi chuyển sang viết báo một chân trời mới đã mở ra với Thanh Ba.

Gặp Thanh Ba sau ngày cô về Hà Nội nhận Giải A Giải báo chí về đề tài Dân số - Kế hoạch hoá gia đình năm 2014. Hân hoan chia sẻ niềm vui của mình bởi đây là giải thưởng lớn nhất của nghề mà Thanh Ba được nhận. Đó là sự cố gắng của bản thân nhưng với Ba đó còn là thành quả của tập thể khi Thanh Ba luôn nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo phòng cùng sự sẻ chia của đồng nghiệp.

Đến với nghề báo như một tờ giấy trắng, trong đầu còn chưa biết báo chí là gì. Nhưng trong môi trường làm việc toàn người làm báo, lại nhận được nhiều lời động viên từ mọi người, Thanh Ba cũng tập tành viết lách. Ba nghĩ “sự làm quen” của mình dù sao cũng bớt bỡ ngỡ hơn là các bạn đến từ những môi trường khác. Rồi được theo học đại học báo chí, từ những điều đã biết, đã nghe, giờ lại được tìm hiểu, được phân tích Ba cứ vỡ vạc dần. Rồi những con chữ, những chuyến đi kéo Thanh Ba gắn bó với nghề, Thanh Ba cũng không biết mình yêu và mê nghề báo từ lúc nào. Chỉ biết rằng, dù không chọn nghề báo ngay từ đầu, nhưng giờ đây Thanh Ba thấy mình đã may mắn khi được làm nghề báo.

hoc.jpg

Phóng viên Thanh Ba

Viết về văn hoá, xã hội mà đặc biệt là văn hoá vùng cao đòi hỏi phải đi nhiều. Nhưng chính những chuyến đi đó đã cho Thanh Ba có thêm vốn sống, những hiểu biết về văn hoá, tập tục của đồng bào vùng sâu, vùng xa, những vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà trước đây Thanh Ba chỉ được nghe kể, chỉ biết qua sách báo thì nay được tìm hiểu, được trải nghiệm thực tế. Điều đó vô cùng thú vị.

Chuyến đi đầu tiên trong cuộc đời làm báo mà Thanh Ba không bao giờ quên, đó là chuyến đi cùng một đồng nghiệp đến thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu để làm phóng sự truyền hình internets “Cuộc triển lãm văn hoá của dân tộc Mông”. Chuyến đi đó dù phải uống những chén rượu như cháy gan cháy ruột hay chải qua cái rét đến tê cóng người thì Thanh Ba vẫn thấy nơi đó thật hấp dẫn và luôn thôi thúc Thanh Ba quay lại.

Lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất còn quá nhiều khó khăn, vất vả nhưng tình cảm của con người thì chân thành, đong đầy, những gói quà của người dân nơi đây đơn giản là những chiếc bánh dày nhưng đã trạm đến tận trái tim của cô phóng viên trẻ.

Những chuyến đi như thế cứ lôi cuốn và Thanh Ba cứ say sưa đi và nghề báo dần đủ lớn và Thanh Ba chuyển hẳn sang viết và đầu quân về Phòng Văn hoá - Xã  hội.

Phụ nữ là phái dễ xúc động nên những bài viết của nữ nhà báo thường có tính nhân văn và sâu lắng hơn. Nhưngđể có những tác phẩm sâu sắc và rung động lòng người thì nhà báo phải đi, phải tìm kiếm, phải lăn lộn và phải có xúc cảm thực sự, Thanh Ba tâm sự.

Đến với mỗi vùng đất, gặp mỗi mảnh đời với Thanh Ba không chỉ phản ánh thực tế mà còn xuất phát từ sự xót xa, thương cảm tận đáy lòng của một người phụ nữ. Cô chia sẻ “Trong mỗi một vấn đề, mỗi hoàn cảnh của nhân vật mình thường có sự liên tưởng đến gia đình và nhìn nhận, đánh giá trên lập trường, quan điểm của một người phụ nữ, một người mẹ”. Có thể vì lẽ đó mà nhiều bài viết của Ba rất gần gũi, chạm đến trái tim của độc giả.

 Sau 4 năm về Phòng Văn hoá - Xã hội, Thanh Ba đã có những bước trưởng thành trong nghề. Thanh Ba có nhiều cơ hội được đi và đã tìm được những đề tài hay. Có thể là những điều nhiều người đã biết, đã viết như vấn nạn tảo hôn, giới tính thứ ba nhưng Thanh Ba có cái nhìn rất riêng của một người phụ nữ, đậm tính nhân văn trong mỗi bài viết, giúp người đọc hiểu hơn, sẻ chia hơn với những số phận, hoàn cảnh đó.

Đi nhiều và viết khoẻ, năm 2014 đã để lại những dấu ấn đáng nhớ về nghề khi Thanh Ba đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi của Báo Yên Bái và Giải báo chí của tỉnh. Đặc biệt là Giải A Giải báo chí về đề tài Dân số - Kế hoạch hoá gia đình năm 2014 do Bộ Y tế và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Biết rằng điều đó còn rất khiêm tốn so với nhiều đồng nghiệp, nhưng đó là nguồn động viên lớn đối với Thanh Ba.  

Không chỉ năng động trong công việc mà Thanh Ba còn là một trong những phóng viên trẻ của Báo Yên Bái rất nhiệt tình tham gia các hoạt động vì an sinh xã hội. Từ trái tim nhân hậu,luôn rung động trước những mảnh đời bất hạnh, những số phận, hoàn cảnh gặp trên đường đời, trong tác nghiệp, khiến Thanh Ba day dứt và muốn làm điều gì đó để giúp người dân nơi đây. Và Thanh Ba đã trở thành một thành viên tích cực trong phong trào “Chân không bấm đất” - phong trào vận động ủng hộ dép nhựa cho trẻ em vùng cao cũng như nhiều phong trào khác của cơ quan.

Chưa bao giờ có ý định theo nghề báo nhưng tất cả ngã rẽ, sự thay đổi đều không “thoát” ra được cái nghiệp báo chí. Chúc cho Thanh Ba có một mùa xuân thật may mắn và gặt hái được nhiều thành công trong cái “nghiệp” của mình.

Thuỳ Linh

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải