song
Nghề báo cho tôi cơ hội được đi, được khám phá
Ngày xuất bản: 07/09/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 30372

 Đến bây giờ bạn bè vẫn không hiểu tại sao những năm phổ thông Trung Kiên học khối A mà  chuyên về Toán giờ lại theo nghề báo. Quả thật ngay bản thân Kiên cũng khó lý giải tại sao ngày đó Kiên lại “liều” bỏ trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dù đã theo được 1 năm để đến với nhiếp ảnh - hành trình đầu tiên đưa Kiên đến với nghề báo.

     Tôi gặp Trung Kiên sau chuyến công tác dài ngày tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, hình ảnh chàng phóng viên trẻ, nước da ngăm đen trên chiếc xe máy quết đầy bùn đất có gì đó hơi bụi, khác hẳn với chút rụt rè, khiêm tốn khi Kiên chia sẻ về nghề báo của mình. Kể về cái “liều” đưa mình đến với nghề báo, đó là sự tình cờ. Khi đang theo học tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, ở trọ cùng một người bạn của anh trai cùng quê Nam Định, anh đã dạy Kiên chụp ảnh, khi anh làm hồ sơ thi vào Khoa Nghệ thuật Nhiếp ảnh của Trường Sân khấu Điện ảnh, anh rủ Kiên cùng thi. Kiên đồng ý với ý nghĩ thi chơi cho biết, không ngờ đỗ thật. Khi đó, ngay cả các toà soạn báo cũng chưa có khái niệm rõ ràng về phóng viên ảnh, những bức ảnh chưa có giá trị độc lập, nên Kiên rất hờ hững với kết quả thi của mình, thấy thái độ đó anh trai ra sức động viên. Kiên “liều mình” chuyển trường, lúc đó bố chỉ nói “Con đã đủ lớn để chọn con đường đi cho mình, bố tin tưởng sự lựa chọn của con”. Đó là khoá Nghệ thuật Nhiếp ảnh thứ 3 của trường, lớp có 27 sinh viên.

     Học nhiếp ảnh rất tốn kém ngoài giờ học bình thường sinh viên phải làm bài tập, phải học cách tráng phim, phóng ảnh. Một bài tập “tiêu tốn” tới vài cuộn phim, lúc đó một cuộn phim có giá hơn 20 nghìn đồng trong khi một bữa ăn bình dân của sinh viên chỉ với giá 3 nghìn đồng. Cũng may ngay từ những năm đầu Kiên đã kiếm được tiền từ nghề nhiếp ảnh như chụp ảnh dịch vụ, đám cưới, nhận tráng phim, phóng ảnh cho sinh viên khoá khác. Đó còn là cơ hội để Kiên rèn luyện tay nghề.

nghebao.jpg

Phóng viên Trung Kiên (ảnh Thùy Linh)

     Đến với nhiếp ảnh bởi sự tò mò, nhưng khi đã hiểu và đọc được ngôn ngữ riêng của hình ảnh thì cũng là lúc Kiên nhận thấy mình bị cuốn hút và thực sự đam mê.

     Năm 2004 ra trường Trung Kiên xin vào làm phóng viên thử việc ở Báo Hà Nội mới, rồi chuyển sang Báo Pháp luật xã hội, rồi làm Trưởng ban ảnh của Báo Đất việt. Cuối 2011 Kiên thi tuyển vào Thông tấn xã Việt Nam và chính thức về Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái từ tháng 1/2012.

     Với Kiên nghề báo lúc đó giống như một chân trời mới, thế giới mới. Nghề đã cho Kiên cơ hội được đi tới nhiều vùng đất, được khám phá nhiều điều thú vị, Kiên đã đặt chân đến gần hết 63 tỉnh, thành của đất nước và  tháng 4/2010 Kiên đã may mắn có mặt trong đoàn công tác tới Trường Sa, được đi thăm các đảo lớn và nhà giàn DK1. Cảm giác khi đặt chân đến vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, được hoà mình vào cuộc sống của những người lính đảo đến giờ Kiên vẫn bồn chồn, rạo rực mỗi lần nhớ đến.

     Mục tiêu của nền báo chí hiện đại là tổng hợp đa phương tiện và Thông tấn xã không nằm ngoài quy luật đó. Tổng xã đang hướng tới sự đa năng mà mỗi cơ quan thường trú có rất ít phóng viên nên buộc phóng viên phải năng động, nhạy bén. Về Yên Bái Kiên trở thành một phóng viên “đa năng” hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng... Kiên bảo điều này tưởng như khó hiểu bởi mỗi phóng viên chỉ hoạt động trên một lĩnh vực nhất định, nhưng với Kiên đó là điều hoàn toàn bình thường. Cũng may trước đây tuy chuyên về ảnh báo chí nhưng Kiên cũng được nghe các anh chị biên tập viên khi sửa bài đã chỉ cho Kiên biết vì sao đoạn này bị cắt, câu này phải sửa nên cũng tích luỹ được chút ít kinh nghiệm.

     Tác nghiệp ở vùng núi, điều kiện đi lại khó khăn với Kiên cũng không là trở ngại. Khi quyết định làm nghề báo và về Yên Bái là Kiên đã xác định rõ những khó khăn và tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản khi tác nghiệp, thậm chí cả kỹ năng nếu bị lạc trong rừng. Trung Kiên chia sẻ “Để vượt qua khó khăn, đòi hỏi phải có niềm đam mê, nếu thực sự đam mê bạn sẽ có cách để vượt qua khó khăn, bạn sẽ nghĩ việc đi hàng trăm cây số, leo dốc ngoằn ngoèo trơn trượt khi trời mưa, chờ đợi cả thời gian dài để lấy được một thông tin là điều bình thường”.

     Bên cạnh những kiến thức đã học, người làm báo cần có sự linh hoạt, sáng tạo, bởi nghề báo là một nghề không có khuôn mẫu, luôn có những tình huống bất ngờ xảy đến, luôn phải ứng phó với những điều không dự đoán trước được. Vì thế với mỗi nhân vật cụ thể, tình huống cụ thể, bên cạnh sự hiểu biết, nắm bắt vấn đề, người làm báo cần phải có những thái độ ứng xử đúng mực, chân thành. Có như vậy việc tiếp cận và nắm bắt thông tin mới dễ dàng.

     Sau 10 năm trong nghề Trung Kiên đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ niềm vui đến nỗi buồn. Vui vì có nơi trước kia mình đến giờ quay lại thấy có thêm cây cầu mới, trường học mới khang trang hơn. Và chuyến đi buồn nhất là đưa tin về vụ sạt lở đất ở xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải vào năm 2012. Vào khoảng 11h30 nhận được tin Kiên vội vã cầm máy ảnh, máy quay phim lên đường. Đến nơi cảnh tượng đầu tiên Kiên gặp đó là từng đoàn người khiêng người bị nạn trên những chiếc cáng xuống núi. 20 người dân tại xã La Pán Tẩn chết và mất tích, không khí tang thương bao trùm khắp xóm làng, bám sự kiện, bám đội cứu hộ để đưa tin, viết bài phản ánh trên cả 3 thể loại báo hình, báo viết và báo ảnh. Chuyến tác nghiệp đó đã để lại cho Kiên nhiều suy nghĩ về nghề, về trách nhiệm của người làm báo đối với đời sống xã hội. Và hơn hết đó là sự thấu hiểu, sẻ chia giữa con người với con người.

     Đến bây giờ Trung Kiên càng thấy đúng khi “liều mình” chọn nhiếp ảnh, theo nghề báo. Dù con đường phía trước còn dài, Kiên còn phải học hỏi thêm nhiều điều nhưng những gì mà Kiên đã làm được sẽ là động lực để Kiên tiếp tục cố gắng và phấn đấu. 

Thuỳ Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải