song
Nghề báo không chỉ là chữ Yêu
Ngày xuất bản: 09/09/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 68573

Là con một, lại sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng Tô Anh Hải lại chọn Yên Bái là nơi khởi nghiệp. Ngày quyết định lên Yên Bái mẹ còn dặn “Nếu trên đó không sống được thì hãy quay về”, đến giờ thì Hải đã ăn sâu bén rễ với mảnh đất miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn này.

Hải mê văn chương từ nhỏ, lại thêm cái thú thích ngao du đây đó. Nhà Hải ở trong khu tập thể của Học viện Báo chí, xung quanh toàn các nhà báo lớn như nhà báo Trần Đăng Tuấn, nhà báo Trần Hoà Bình, nhà báo Văn Ba... thấy các bác, các chú lúc nào cũng tay máy, tay bút Hải thấy rất oai, trông cứ bụi bụi nhưng lại rất có “chất”, Hải mê lắm. Ngần ấy đủ coi là lý do đưa Hải đến với nghề báo.

 

http://hoinhabaoyenbai.org.vn/images/guongmathoivien/nhabaotoanhhai.JPG

Nhà báo Tô Anh Hải (Ảnh Thùy Linh)

Chưa lúc nào Hải có ý nghĩ sẽ làm nghề nào ngoài nghề báo, thế nên tốt nghiệp phổ thông Hải chỉ làm hồ sơ thi vào Học viện Báo chí, năm đầu Hải thi trượt. Vậy mà năm sau nhất quyết Hải cũng chỉ thi vào trường cũ. Những cố gắng của Hải đã được đền đáp khi trở thành sinh viên báo chí chuyên ngành báo in.

Nghề báo là một nghề đặc biệt, ngoài những kiến thức trên giảng đường rất cần những trải nghiệm ngoài thực tế, phải bắt kịp với xu thế phát triển chung của xã hội nên Hải rất tích cực tham gia cộng tác với nhiều cơ quan báo chí, ngày đó Hải là một phóng viên không chuyên của Tạp chí Người làm báo Việt Nam, điều đó không phải sinh viên báo chí nào cũng làm được. Ra trường Hải thi tuyển và vào làm việc ở VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, phụ trách làm những phóng sự ngắn cho Ban Chuyên đề. Ở một môi trường làm việc vô cùng năng động, lý tưởng để rèn giũa, trưởng thành. Được làm việc với những nhà báo lão làng về thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, Hải học được rất nhiều. Là môi trường tốt để làm nghề nhưng ở đó không có sự ổn định lâu dài, khi đó biết Báo Yên Bái đang tuyển phóng viên, Hải quyết định lên Yên Bái.

Báo Yên Bái gọi thử việc sau 3 ngày nộp hồ sơ, Hải lại được làm việc đúng với chuyên ngành mình đã học. Đang sống ở một nơi sôi động, giờ về Yên Bái có chút gì đó hụt hẫng, nhớ nhà rất nhiều, tuần nào Hải cũng về.

Là một phóng viên năng động, cũng có nhiều cơ hội để thay đổi, nhưng Hải đã gắn bó hơn với Báo Yên Bái vì ở đó Hải đã có những người bạn thân thiết, những đồng nghiệp chan hoà, cơ quan luôn tạo điều kiện để Hải làm việc. Đó thực sự là ngôi nhà để Hải có thể sống và cống hiến. 10 năm về Báo Yên Bái là 10 năm Hải phụ trách mảng văn hoá xã hội, cũng không biết vì sao nhưng đã vài lần Hải  xin được chuyển sang lĩnh vực khác để tìm cơ hội làm mới mình nhưng lần nào cũng là cái lắc đầu từ Ban lãnh đạo với một lý do thật đơn giản: Phòng Văn xã - Xây dựng Đảng rất nhiều việc, cần phải chạy đây đó thường xuyên. Nghĩ lại thấy hình như Hải là “chân chạy” của phòng.

Tự nhận là một người ham vui, thích được tham gia vào các hoạt động văn hoá văn nghệ, Hải có thể khoác vai một anh bạn người Mông nhảy quanh đống lửa rồi ca hát suốt đêm. Ngày còn là sinh viên Hải luôn là một bí thư chi đoàn của lớp. Năm nào Hải cũng tham gia hoạt động tình nguyện, Hải đã đặt chân đến những nơi khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang, Lai Châu... Đi tình nguyện với Hải như là một thói quen. Ở Yên Bái lại càng có điều kiện để Hải đi, vốn có mối quan hệ lâu năm với một cán bộ Tỉnh đoàn nên năm nào Hải cũng nộp đơn xin tham gia vào các đợt tình nguyện với vai trò là một đội viên. Được giao lưu học hỏi, được hoà mình vào cuộc sống của nhiều vùng quê Hải tìm được những đề tài hay, những câu chuyện thú vị mà chưa bao giờ có được trong những chuyến công tác bất chợt. Trong những đợt đi tình nguyện không khi nào Hải quên mang theo máy tính và máy ảnh, vậy là ngoài thời gian sinh hoạt chung lúc rảnh rỗi chàng phóng viên lại tranh thủ ghi ghi chép chép, viết bài gửi về toà soạn.

Dường như Hải thích lao vào những chỗ có chút khó khăn, Hải đã từng đi bộ xuyên những cánh rừng già, nếu chẳng may trượt chân thì cầm chắc là rơi xuống vực. Thế nhưng Hải lại không coi đó là những khó khăn mà đó là phần thưởng, là sự lý thú của nghề nghiệp. Chính những chuyến đi, những va vấp cuộc sống đã tạo cho Hải sự bản lĩnh hơn, dày dạn hơn.

Năm 2005, theo chân đồng chí Phó chủ tịch tỉnh Hoàng Thị Hạnh kiểm tra vùng trồng cây thuốc phiện ở Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Con đường nhỏ từ trung tâm huyện vào Bản Mù chỉ khoảng 10 km nhưng toàn đá hộc, chỉ có thể đi bộ. Từ trung tâm xã phải đi bộ gần 1 ngày để tới thôn Giàng La Pán, từ đây đoàn phải leo 2 tiếng đường rừng mới tới được điểm nghi có cây thuốc phiện, mỗi người trong đoàn được phát một chiếc gậy vừa dùng để chống khi đi đường, vừa là để phạt cây thuốc phiện. Các chiến sĩ công an, quân đội phải đi trước để mở đường, dọc đường đi nhiều người dân tộc Mông còn manh động đốt lán, bắn súng kíp phản đối. Hình ảnh đáng nhớ nhất là lúc nghỉ chân ăn cơm, chỉ có thể dùng tay, những vốc cơm nhão cùng với ít thịt lợn toàn mỡ chấm với măng ớt vậy mà ai cũng ăn ngon lành.

Một chuyến đi cũng rất đáng nhớ, Hải được cùng đoàn cán bộ của tỉnh đi giải quyết vấn đề di dân. Cũng phải đi bộ xuyên qua những cánh rừng già từ xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên sang xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải. Đang leo giữa rừng, mồ hôi chảy dòng, tưởng như kiệt sức, bỗng đồng chí Hoàng Thị Hạnh đề nghị: Hải hát một bài cho đỡ mệt, được cho một viên sâm đường lấy lại sức, tiện có chiếc gậy trong tay Hải hát luôn bài “Chiếc gậy Trường Sơn”.

Nghề báo với Hải không chỉ dừng lại ở chữ yêu mà là say mê, làm báo Hải học được rất nhiều, nhận ra rất nhiều điều quan trọng và cũng nhận về cho mình nhiều giải thưởng cao như Giải Nhì của Báo Tiến phong trong cuộc thi viết về đề tài thanh niên do Trung ương Đoàn phát động; Giải Ba cuộc thi viết về Học tập là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương phát động và nhiều giải thưởng của tỉnh và năm 2013 Hải vinh dự là 1 trong 13 thanh niên niên tiêu biểu của tỉnh trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng với nghề báo kiến thức không bao giờ là đủ, phải luôn luôn học, học ở chính đồng nghiệp của mình. Mỗi người, mỗi thế hệ đều có những sở trường khác nhau. Hải rất thích câu nói của nhà báo, nhà văn Hoàng Thế Sinh “Làm báo đừng ai vỗ ngực bảo mình giỏi, cũng không ai giỏi hơn ai, mỗi người mạnh một lĩnh vực khác nhau, nên điều quan trọng là làm báo phải luôn học tập”. Và Hải cũng thấy chưa hài lòng với những gì mình đã làm nên vẫn luôn cố gắng để làm tốt hơn cho cái nghề mà Hải đã say mê.

                                                                                                                                                                                                                         T.L

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải