song
Nghề báo luôn cần phải vận động
Ngày xuất bản: 11/07/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 50041

“Không hiểu nghề báo có sức hấp dẫn, lôi cuốn thế nào mà sau 4 năm theo học ngành lâm nghiệp và chỉ với vài chuyến theo chân người chú đi cơ sở tôi lại muốn xin vào học việc tại Báo Yên Bái, để giờ đây tôi không xa được nghề báo và những chuyến đi”. Đó là những chia sẻ chân thành về nghề của phóng viên Văn Thông, Báo Yên Bái.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, Thông thường theo chú ruột là nhà báo Thanh Phúc ra cơ quan chơi, có nhiều chuyến đi vùng cao chú cho đi cùng, quen dần thông theo chân một vài anh, chị phóng viên khác với mục đích tìm hiểu về vùng tiêu thụ và chế biến gỗ của tỉnh để tích luỹ thêm kinh nghiệm cho ngành mình đã học. Được đi tới nhiều vùng đất, khám phá nhiều điều Thông thấy thích thú và háo hức chờ đợi được đi những chuyến tiếp theo. Thế rồi chàng kỹ sư lâm nghiệp ấy xin làm phóng viên học việc ở Báo Yên Bái, đầu quân về phòng Phóng viên Kinh tế.

Phóng viên Văn Thông

Vốn được học về ngành lâm nghiệp nên Thông được giao theo dõi mảng kinh tế nông, lâm nghiệp. Sau 3 năm học việc, được nhận vào làm phóng viên thử việc,  chính thức bước vào công việc mới, Thông phải tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản nhất của nghề báo, ngày nào Thông cũng ngồi nghiền một chồng báo lưu của cơ quan chỉ để tìm hiểu về cách viết các loại tin. Không được học báo chí nhưng may mắn là Thông có ông nội -  nhà báo Bội Đông và nhà báo Thanh Phúc chỉ bảo, những khó khăn bước đầu cũng vơi dần. Thêm vào đó những chuyến đi thực tế ở rừng từ khi còn là sinh viên cũng giúp ích cho Thông rất nhiều, rồi Thông theo học chuyên ngành báo chí, từ đó Thông vỡ vạc được rất nhiều.

Đã gần 10 năm tuổi nghề, những chuyến đi núi dài ngày đối với Thông là quá đỗi quen thuộc. Mỗi khi lái xe máy vượt qua chặng đường gần 200km lên đến trung tâm huyện Mù Cang Chải là điều không dễ dàng, nhất là vào mùa mưa. Nhưng từ trung tâm huyện lên đến các xã vùng cao là một việc càng khó hơn. Có những chặng không thể đi bằng phương tiện gì khác ngoài đôi chân của chính mình. Có chuyến đi ấn tượng nhưng cũng khiến Thông vừa đi vừa run, đó là chuyến cùng đồng nghiệp Hùng Cường lên xã Chế Tạo, 3 giờ chiều có mặt ở trung tâm huyện Mù Cang Chải, dù có nhiều lời khuyên nên nghỉ lại đến sáng hôm sau, nhưng hai bạn vẫn quyết định tiếp tục cuộc hành trình, đoạn đường vào xã Chế Tạo toàn dốc dựng đứng, bên vách núi bên vực sâu, chiếc xe wave toàn gài số 1, vậy mà nhiều đoạn vẫn phải thay nhau người đẩy người lái, đoạn đường 35 km mà mất gần 6 tiếng đồng hồ.

Chuyện đi vùng cao, nhịn đói trở thành chuyện hết sức bình thường đối với phóng viên miền núi, lúc đó có bất kỳ thứ gì có thể đưa vào bụng cũng đều trở thành món “sơn hào hải vị”, nhớ chuyến đi lên xã Lang Khay của huyện Văn Yên để viết bài về nạn phá rừng, Thông đã từng đi xuyên rừng sang đến tận đất Lào Cai. Không kể những chuyến đi đã ẩn chứa quá nhiều nguy cơ, mà ngay cả việc muốn đấu tranh với nạn lâm tặc cũng luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Những chuyến đi như thế Thông phải lân la tạo niềm tin với những người có trách nhiệm và giả danh như một đồng bọn của lâm tặc, đang đi buôn gỗ để tìm hiểu về cách thức vận chuyển, đặt cọc tiền.

Lần tác nghiệp để viết bài về hiện tượng các xe quá khổ, quá tải “né” trạm cân cùng với phóng viên Hùng Cường. Đó là đề tài nhạy cảm, liên quan đến không ít ngành chức năng. Phải thức trắng đêm để có thể theo dõi để tìm ra con đường và cách thức lách trạm cân của cánh tài xế xe tải và đội ngũ “cò” dẫn đường. Nguy hiểm luôn rình rập nhưng không để người dân mất niềm tin, Thông và đồng nghiệp đã dám làm, dám nói lên những bất cập trong việc đặt trạm cân của các ngành chức năng, tác phẩm đã có tác động xã hội rõ nét, từ đó đã giúp tỉnh có những điều chỉnh kịp thời và phóng sự đó được Giải B - Giải báo chí Yên Bái năm 2015.

Thông tâm sự: “Càng khó khăn trên chặng đường tác nghiệp thì khi đặt bút viết lại càng dễ có cảm xúc, người phóng viên luôn vận động song hành cùng cuộc sống. Đi khổ thì viết dễ - đó chính là đặc trưng của những người làm báo khu vực miền núi, công việc làm báo đã tôi luyện cho tôi trưởng thành hơn, những khó khăn, thử thách của nghề nghiệp giúp tôi ngày càng vững vàng hơn trong công việc cũng như cuộc sống”.

Biết mình còn nhiều yếu kém trong nghiệp vụ nên Thông luôn cố gắng hơn những người khác, chịu khó học hỏi từ đồng nghiệp và đọc thêm sách báo. Có những bài báo Thông đọc đi đọc lại rất nhiều lần để xem tác giả đã khai thác và xử lý thông tin thế nào, từ đó rút ra kinh nghiệm cho mình, có khi để tránh cả những lỗi mà họ mắc. Kinh tế là đề tài rộng lớn, Thông phải tìm hiểu thêm rất nhiều, từ những thuật ngữ chuyên môn cho đến tìm tài liệu về lĩnh vực quản lý tài chính…

Tìm hiểu về các chính sách kinh tế và trong quá trình đi thực tế Thông đã nhận ra nhiều bất cập, nhất là về hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp, tìm tòi, ấp ủ để viết phóng sự “Để kinh tế hợp tác xã phát triển” đã gây được ấn tượng và nhận về Giải A - Giải báo chí Yên Bái năm 2016, niềm vui xen lẫn bất ngờ và đó là động lực để Thông bước tiếp con đường của mình.

Nhà báo Nguyễn Thơm - Phó phòng Phóng viên Kinh tế nhận xét: “Chịu khó tìm tòi và lao động sáng tạo, Văn Thông đã có nhiều tác phẩm báo chí đoạt giải cao trong các cuộc thi của tỉnh và của cơ quan phát động những năm qua. Một bước tiến mới của Văn Thông là giành giải A Giải Báo chí tỉnh Yên Bái năm 2016. Tôi tin rằng Văn Thông sẽ tiếp tục có thêm những thành công bằng sự nghiêm túc và nỗ lực không ngừng với nghề”.

Từ những va chạm đầu tiên với nghề, chính những khó khăn thử thách ấy Thông lại trưởng thành, gắn bó với nghề hơn. Có mệt mỏi, đôi lúc cả sợ hãi nhưng đã chọn rồi thì luôn sẵn sàng dấn thân.

Thuỳ Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải