Nhà văn, nhà báo Hiền Lương và những câu chuyện nghề
Trở thành nhà báo, nhà văn khá muộn so với các đồng nghiệp nhưng nhà văn, nhà báo Hiền Lương đã gặt hái được khá thành công và để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động văn nghệ cũng như báo chí tỉnh nhà. Trò chuyện cùng ông mới thấy dù gắn bó với nghề báo chưa lâu nhưng ông vẫn có một tình yêu đặc biệt với nghề báo.
Nhà báo, nhà văn Hiền Lương sinh năm 1954 tại Hoàng Hanh, Tiên Lữ, Hưng Yên, năm 1972 ông lên đường nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến tháng 10/1977 ra quân rồi theo học ngành sư phạm, tháng 9/1981 ông trở về dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. Sau 29 năm theo nghề giáo, ông chuyển sang công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái với vai trò Phó Chủ tịch Hội, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Yên Bái.
Nhà báo, nhà văn Hiền Lương trong một chuyến đi thực tế tại Hà Giang
Vì đến với nghề viết muộn nên nhà báo, nhà văn Hiền Lương vừa suy ngẫm tìm tòi cách viết, vừa học tập các đồng nghiệp bạn bè. Với ông, đến với nghề báo là cơ duyên nhưng để trở thành một nhà báo, nhà văn thì phải rèn luyện, cố gắng rất nhiều. Từ những ngày còn là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, ông đã xuất bản 2 tập truyện ngắn “Trẻ em là hoa của đất”, “Định canh, định cư” và 2 tập thơ “Phong Lan phố” và “Dải sông Ngân”, nhưng đến khi chính thức theo nghiệp viết ông mới tập tành và dành nhiều thời gian viết báo, viết ký. Ông chủ yếu viết 2 loại ký đó là ký báo chí và ký văn học, mảng đề tài mà ông yêu thích là viết về người lính và ngành giáo dục, đó là hai lĩnh vực mà ông đã từng gắn bó và cống hiến.
Một dấu ấn không thể quên trong nghiệp viết của nhà báo, nhà văn Hiền Lương đó là khi ông vừa nhận công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ Thuật Yên Bái, ông viết truyện ngắn “Chuyện tình của Thảo”, truyện được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái và Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau đó được chuyển thể thành phim truyền hình “Chuyện tình người lính”, đó là động lực cho một cây bút vừa mới trình diện như ông, từ đó ông bắt đầu đam mê viết truyện.
Nghề báo lôi cuốn ông bởi những chuyến đi thực tế, ở đó vui có buồn có nhưng ở khía cạnh nào ông đều tìm thấy góc nhìn hay, nhìn thấy từng lát cắt vô cùng phong phú, đa tầng của cuộc sống.
Như trong chuyến đi thực tế đến một bản vùng cao, nhìn những ngôi nhà nơi đây, gọi là nhà chứ nó xiêu vẹo, gió lùa tứ bề, nhìn lên nóc là thấy bầu trời, cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng họ mãi. Khi tìm hiểu thì ông biết đa phần những người đàn ông nơi đây nghiện ngập ma túy, không chịu làm ăn, trong nhà có đồ đạc gì đáng giá đều mang đi bán. Những câu chuyện về cuộc sống ở đây thực sự rất buồn, từ đó bài viết của ông không như dự định ban đầu mà đi sâu khai thác góc khuất về cuộc đời người dân cũng như tệ nạn xã hội ở vùng cao.
Rồi chuyến đi tìm hiểu thực tế ở xã Liễu Đô, xã được công nhận nông thôn mới đầu tiên của huyện Lục Yên. Khi đến Trụ sở Uỷ ban xã, Bí thư, Chủ tịch xã đều đi vắng, ông ra quán nước ven đường ngồi đợi. Thấy ông mang theo máy ảnh, chủ quán hỏi có phải nhà báo không? Khi biết ông muốn viết bài về xây dựng nông thôn mới ở Liễu Đô, chủ quán liền rút điện thoại gọi cho Bí thư Đảng ủy trao đổi, rồi nói với ông: Bí thư đang đi cơ sở bảo tôi tiếp nhà báo, chiều Bí thư về sẽ vào đây luôn. Chủ quán còn nói ở đây ai cũng có số máy của Chủ tịch, Bí thư, khi cần thì trao đổi luôn qua điện thoại nên mọi việc được thông tin và xử lý rất nhanh chóng. Bữa ấy là đầu tháng Giêng, vẫn còn không khí tết, chủ nhà làm cơm rượu đãi khách và mấy người hàng xóm, ông cũng được mời dự, trong mâm rượu đầu năm vui vẻ ông hỏi nhiều chuyện về xây dựng nông thôn mới, về huy động hiến đất làm đường, huy động sự đóng góp của nhân dân, về việc tổ chức các nhóm hộ vận động nhau, mọi người vui vẻ kể. Thế là đầy đủ thông tin để viết bài. Cuối buổi chiều Bí thư từ cơ sở về quần vẫn sắn móng lợn, được mời vào mâm rượu luôn. Ông chỉ trao đổi lại để xác minh thông tin người dân cung cấp và xin anh một báo cáo. Sau đó bài ký "Đầu xuân thăm Liễu Đô xã nông thôn mới đầu tiên của Lục Yên" đăng báo Yên Bái, Tạp chí Văn nghệ được bạn đọc đón nhận.
Chuyển sang làm báo khi không còn trẻ, ngoài đam mê đó còn là trách nhiệm đối với một tờ báo văn nghệ nên ông luôn dành thời gian để đi, viết và chụp ảnh. Ông kể về chuyến đi chụp ảnh ở Mù Cang Chải với Chiến Thắng – một đồng nghiệp trẻ, hai người thuê xe máy đến Sáng Nhù, đến nơi cậu ấy dừng ở chân núi để chụp bằng flycam, còn ông một mình đi xe lên đỉnh núi, đường dốc bé chỉ đủ một xe máy đi, bên thì vực bên thì vách núi, đến lưng chừng dốc, bất ngờ có một chiếc xe máy đi từ trên xuống, nếu để hai chiếc va vào nhau chắc chắn là rơi xuống vực, ông vội vàng nghiêng để xe mình đổ vào vách núi, lo lắng, ông định quay lại nhưng xe bị tràn xăng không thể khởi động được, ở vị trí “tiến thoái lưỡng nan”, ông phải ngồi hút hết một điếu thuốc để lấy lại bình tĩnh, rồi khởi động lại xe, may sao xe lại nổ được, chẳng hiểu sao lúc ấy ông lại có dũng khí tiếp tục hành trình vượt lên đỉnh núi.
Ông chia sẻ “Không bao giờ là trễ khi theo đuổi đam mê, đúng là ở độ tuổi của tôi khi chuyển sang lĩnh vực báo chí cũng không tránh khỏi những khó khăn, nhưng tôi cũng có nhiều thuận lợi. Chuyển sang làm báo, viết văn chính là được thổi bùng ngọn lửa đam mê viết của mình”.
Giờ đây dù đã nghỉ chế độ hưu trí nhưng nhà báo Hiền Lương không để mình lạc hậu với một sự kiện nào của đời sống cũng như hoạt động báo chí, văn nghệ. Ông vẫn đều đặn ra sách, vẫn cập nhật mảng miếng thời sự diễn ra hằng ngày, theo dõi sát sao các hoạt động nghề nghiệp, có cơ hội lại tham gia các chuyến đi thực tế, trại sáng tác... và hàng ngày ông vẫn dành thời gian để viết bài cộng tác với các báo và tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.
Thùy Linh
CÁC TIN KHÁC