Hơn 20 năm gắn bó với Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Văn Chấn, rồi Đài Truyền thanh – Truyền hình thành phố Yên Bái (nay là Trung tâm Truyền thông và Văn hóa), phóng viên Minh Chín hiểu rõ những khó khăn của một phóng viên đài huyện. Nhưng với chị đó chính là môi trường rèn luyện để những người làm báo huyện như chị có thể trở thành một phóng viên đa năng khi vừa làm phóng viên, biên tập viên báo nói, báo hình, báo in và cả báo điện tử.
Phóng viên Minh Chín
Nhớ lại những ngày đầu “chân ướt chân ráo” vào nghề, cái gì cũng mới mẻ. Trong một mớ hỗn độn những thông tin, lúc thì tin quá dài phải cắt đi, lúc thì từ một dòng tin, một sự kiện phải khai thác, sắp xếp thế nào thành một bài viết vài trăm chữ. May mắn khi mới ra trường phóng viên Minh Chín có cơ hội cộng tác với một, hai tờ báo Đảng, nhưng vì áp lực “biên chế nhà nước” nên chị khăn gói về làm ở Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Văn Chấn, lúc đó chị như bị mất phương hướng, bởi trước chỉ quen với báo in nay phải làm quen với báo nói, báo hình và thực hiện thêm nhiều công việc mới như biên tập viên và kiêm cả phát thanh viên.
Ngày đó điều kiện giao thông còn khó khăn, nhiều con đường dẫn vào các thôn, bản chỉ là đường đất lầy lội với những sống trâu, vũng bùn lầy mà chỉ có loại xe Minsk của đồng bào mới có thể đi được. Vậy mà có lần chi cùng cô đồng nghiệp về vùng cam Nghĩa Tâm bằng chiếc xe máy Cup 82. Đến xã vào đầu giờ chiều, xe phải để ở UBND xã và các chị được cán bộ xã đưa đến thôn. Thu thập thông tin xòn trời đã về chiều, lên xe trở về khi đã nhá nhem tối, đúng lúc này xe máy bị hỏng đèn, ấn bật các kiểu mà không sáng, vậy là suốt quãng đường mấy chục cây số từ xã Nghĩa Tâm về đến Trung tâm huyện xe chạy nhờ ánh sáng của hai chiếc đèn xi nhan. Chị ngồi sau ôm chiếc hộp đựng máy quay khá cồng kềnh, vừa đi vừa run vì đường tối lại vắng, một phần sợ gặp xe đi ngược chiều không nhìn thấy mình, một phần sợ gặp cướp nhất là đoạn qua đèo Ách, xe cứ chạy lò dò đến gần 21h mới về đến cơ quan.
Là phóng viên vùng cao, bên cạnh những vất vả thì rủi ro nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp luôn hiện hữu. Do địa hình miền núi, giao thông đi lại khó khăn, chỉ cần sơ xẩy một chút là cả người và xe lao xuống vực. Nhớ lần đi đưa tin lễ hội ở xã Tú Lệ, lúc về đến khu vực xã Nậm Búng xe máy của chị bị mất phanh, anh đồng nghiệp cầm lái nhanh trí lao xe về phía ta luy để tránh vực sâu, may mắn cả hai chỉ bị thương nhẹ, vì sự cố đó mà xương ngón tay trái áp út của chị bị gồ lên đến giờ vẫn không thể đeo nhẫn. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng điều mà bản thân chị cũng như đồng nghiệp luôn tâm niệm là làm thế nào để thực hiện được những tác phẩm báo chí hay, định hướng dư luận xã hội tốt.
Làm báo ở vùng cao, chị thấy đời sống của đồng bào thật sự thiệt thòi. Cộng thêm sự vô tâm, bất chấp thủ đoạn để đạt được lợi ích của một số cá nhân, hay một nhóm người đã vô tình tác động đến đời sống của người dân nơi đây mà người làm nghề như chị phải lên tiếng. Nhớ năm 2006, khi nhận được thông tin dòng suối Tho chảy qua địa phận xã Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm của Văn Chấn vốn bình thường trong xanh là thế, từ khi có nhà máy giấy Thượng Bằng La hoạt động và xả thải ra, dòng suối trở lên đỏ quạch, cá chết nổi lềnh bềnh, người dân sau khi tắm, giặt da mẩn ngứa. Nhận được thông tin, dù gặp không ít trở ngại và phải đi lại nhiều lần chị cùng đồng nghiệp vẫn quyết tâm đã tìm hiểu, thu thập thông tin. Sau khi phóng sự được phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình Yên Bái, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã yêu cầu nhà máy phải có biện pháp xử lý chất thải, trả lại dòng suối Tho như vốn có của nó. Rồi những lần phải phục kích để tìm hiểu về hiện tượng người thành phố lên mua và đánh cả cây chè cổ thụ Suối Giàng về trồng trong khuôn viên cơ quan, hộ gia đình để làm cây cảnh và dùng lá uống hằng ngày. Cây chè Suối Giàng vốn là cây quý hiếm và là nguồn sinh sống của các gia đình người Mông nơi đây. Nhưng vì sự thiếu hiểu biết và cái lợi mắt, một số hộ đã bán cây chè cho tư thương. Nếu không ngăn chặn kịp thời, nguy cơ vùng chè cổ thụ Suối Giàng với có nguy cơ bị tàn phá. Chỉ sau khi những hình ảnh chân thực về những cây chè hàng trăm năm tuổi bị đào và cẩu lên xe trở về thành phố và dưới xuôi, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn kịp thời ngăn chặn.
Phóng viên Minh Chín nhận Giải C Giải Báo chí Yên Bái năm 2022
Đến năm 2007, phóng viên Minh Chín chuyển về công tác tại Đài Truyền thanh – Truyền hình thành phố Yên Bái (nay là Trung tâm Truyền thông và Văn hóa), với vai trò phóng viên, biên tập và phát thanh viên chương trình thời sự và âm nhạc. Về thành phố, việc tác nghiệp không vất vả như ở vùng cao, nhưng ở vùng cao có thể chủ động trong nhiều đề tài, và thích nhất là được tham gia các chương trình phát thanh trực tiếp; được Đài PT- TH tỉnh đặt những tin, bài phản ánh trực tiếp qua điện thoại… Còn ở thành phố có nhiều cơ quan báo chí trong tỉnh và Trung ương đứng chân nên bị mặt hạn chế trong việc cộng tác.
“Mỗi chuyến đi thực tế là một lần trải nghiệm, mỗi nhân vật là một câu chuyện với biết bao hình thái cảm xúc khác nhau. Đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều câu chuyện, tôi cảm thấy ngày càng yêu và quý trọng nghề viết. Làm báo ở Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện, thành phố còn có nhiều những khó khăn, nhưng đó chính là môi trường rèn luyện, để tôi và đồng nghiệp có thể trở thành một phóng viên đa năng khi vừa làm phóng viên, biên tập viên báo nói, báo hình, báo in và giờ là cả báo điện tử” – phóng viên Minh Chín chia sẻ.
Trên những chặng đường tác nghiệp, những cảm xúc và kỷ niệm của nghề luôn đầy ắp, tuy nhiên điều mà chị tâm đắc cũng như trở thành động lực để chị cố gắng đó là khi biết mình đã đóng góp một phần nhỏ bé phản ánh hiện tượng sai trái, hoặc khi nhân lên những điều tốt đẹp trong xã hội để mang lại sự bình yên cho người dân.
Thùy Linh
CÁC TIN KHÁC