song
Say trong mỗi khuôn hình
Ngày xuất bản: 22/10/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 67742

 “Công việc của một phóng viên quay phim rất vất vả, có lúc cũng thấy oải. Đôi khi không là bắt buộc nhưng mình thấy nếu đặt máy ở góc đó thì sẽ có những khuôn hình đẹp, ấn tượng, vậy nên có khó khăn hơn một chút mình vẫn cố gắng. Và chính những khuôn hình đó lại làm vơi đi những mệt nhọc, rồi mình lại bắt tay vào công việc với một tinh thần mới”. Đó là tâm sự của Nguyễn Minh - Phóng viên quay phim của Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái.

Gắn bó với Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái đã 12 năm nay, những chuyến đi núi dài ngày với Nguyễn Minh là điều quá đỗi quen thuộc, mỗi khi vượt qua chặng đường dài hàng trăm km lên đến các huyện vùng cao là điều không dễ dàng, nhưng từ trung tâm huyện lên các xã vùng sâu, vùng xa là một việc càng khó khăn hơn. Có những chặng không thể đi bằng phương tiện gì khác ngoài đôi chân của chính mình. Có những đợt đi rừng, lội bộ cả ngày trời mới vào được với xã. Đi một thân một mình leo núi đã khó, riêng Minh phải bồng thêm một ba lô lỉnh kỉnh đồ nghề. Khó khăn là vậy, tưởng chừng sẽ dễ dàng làm cho chàng “thư sinh” của những ngày đầu tiên lên với miền núi thử thách với nghề sẽ dễ nản lòng, nhưng càng theo nghề, Minh càng say và yêu hơn.

Chuyến công tác một mình đầu tiên đến xã vùng cao Tà Xi Láng - xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, xa nhất của huyện Trạm Tấu (một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước) vào đầu năm 2004. Theo chân đoàn văn hoá đi làm tin, đúng vào thời điểm Tà Xi Láng đang là ‘”đại công trường” tập trung đến cả chục nghìn người - đều là người tình nguyện mở đường vào Tà Xi Láng. Chứng kiến cảnh “đại công trường” ngày đêm hừng hực khí thế, Minh nghĩ ngay đến ý tưởng làm ghi nhanh “Tiếng hát trên công trường Tà Xi Láng” để nói về không khí sinh hoạt của những thanh niên tình nguyện trên công trường. Tác phẩm đầu tay tự quay tự viết được đăng, tất nhiên là đã được biên tập chỉnh sửa rất nhiều, nhưng điều đó vẫn đem lại niềm vui khôn tả đối với Minh.

Mỗi khi được giao quay phóng sự nào đó, ngoài việc nghiên cứu kỹ kịch bản, tìm hiểu những vấn đề liên quan, trước khi quay Minh còn dành thời gian  xem trước địa bàn để tìm nơi đặt máy. Với Minh để theo và làm tốt được nghề quay phim thì người phóng viên ngoài việc hiểu căn bản về quay phim, có năng khiếu thì điều rất cần thiết là phải yêu nghề và có kỹ năng sống.

Thông thường, điều ái ngại nhất mỗi khi tác nghiệp ở miền núi là nơi ăn chốn nghỉ. Vì lẽ đã đi miền núi là phải đi dài ngày, giao thông cách trở, mọi cái đều thiếu thốn. Kinh nghiệm của bản thân là hiểu rõ phong tục tập quán của bà con các dân tộc để có được cách ứng xử phù hợp, tạo dựng lòng tin và sự cảm thông, chia sẻ. Điều đó cũng sẽ giúp Minh có được một chỗ nghỉ ngơi lấy lại sức sau một ngày rong ruổi tác nghiệp. Giờ đây, trong những chuyến công tác ở vùng cao, Minh luôn yên tâm, vì được nhiều gia đình xem như là con cháu trong nhà.

Quay phim là một nghề vất vả, đó là cái nghề Minh vẫn thường đùa nói “sướng chẳng bằng ai, mà khổ thì không ai bằng”, để quay được những hình ảnh đẹp, ấn tượng và có chút nghệ thuật nữa thì Minh phải leo đồi cao, xuống khe sâu, đứng lội suối hàng tiếng đống hồ, thậm chí có những vị trí nếu nghe kể thì ai cũng phải lắc đầu thì Minh vẫn lăn lê ở đó. Mệt mỏi là vậy nhưng khi xem lại những khuôn hình đó, đồng nghiệp hài lòng thì mọi mệt mỏi dường như tan biến, Minh thấy yêu nghề hơn.

Nhớ lần Minh cùng phóng viên Đình Nguyên làm phóng sự “Đâu phải ma rừng”. Trước khi quay hai người đã có chuyến đi khảo sát đến các điểm cần quay ở Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Hai ngày rong ruổi trên xe máy đã đủ mệt. Vậy mà khi quay thật còn vất vả hơn nhiều. Có đoạn đường dài 17km mà phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ đi xe máy. Đường ngược dốc, đêm mùa đông vùng cao trời mù mịt sương, ánh sáng đèn xe cứ bị hất ngược lên trời, đi chậm thì đèn tối mà đi nhanh thì nguy hiểm, bánh xe muốn lao ra khỏi đường, không những thế mấy anh em còn bị lạc. Rất may Minh có cầm theo một tấm ảnh của nhân vật cần gặp nên cuối cùng cũng đến nơi. Ngày hôm sau quay trở ra, Minh và phóng viên Đình Nguyên toát mồ hôi hột khi nhìn rõ đoạn đường tối hôm trước mình đi, đó là con đường dân sinh tự mở, chiều rộng chỉ đủ cho một xe máy, dưới là vực sâu hun hút.

Địa hình miền núi rất khó tìm được vị trí để đặt chân máy, đã có lúc Minh gặp sự cố chỉ vì muốn có góc máy đẹp. Đó là lần làm phóng sự “Sức sống một nghị quyết” cùng với nhà báo Tiến Tuấn và Trung Dũng. Để có được góc máy thể hiện sự tôn vinh một nhân vật trong phóng sự thì Minh phải men xuống triền núi, bên dưới là suối. Vì mải quay nên Minh cứ rê máy mà quên hết nguy hiểm xung quanh, rồi bị trượt chân. Lúc đó nếu không có sức khoẻ và không có sự hỗ trợ của phóng viên Trung Dũng thì cả máy và người đã lăn xuống suối. Minh chia sẻ “Đôi khi không là bắt buộc, nhưng mình thấy nếu đặt máy ở góc đó thì sẽ có những khuôn hình đẹp, ấn tượng, Minh chỉ nghĩ đơn giản là khi quay mình cứ cố một chút thì đến lúc dựng mọi người sẽ đỡ vất vả hơn”.

Đi làm ở vùng cao Minh thường không nghỉ giữa chừng, bởi nếu như vậy rất khó để bắt đầu tiếp công việc. Đồng nghiệp rất thích khi được kết hợp làm việc với Minh, không chỉ bởi tinh thần làm việc hăng say, đầy trách nhiệm mà nhiều khi Minh còn đưa ra những ý tưởng hay.

Nhiều tác phẩm Minh tham gia với cương vị là một quay phim chính đã dành giải thưởng cao, 2 giải B Giải báo chí Quốc gia năm 2008 và 2009 cùng với nhiều Huy chương Vàng trong các kỳ Liên hoan truyền hình Toàn quốc  là nguồn khích lệ lớn. Và sự động viên quý giá nhất chính là sự tin tưởng của lãnh đạo cơ quan cũng như lãnh đạo phòng khi tiếp tục giao cho Minh quay nhiều phóng sự “đinh” của Đài, nhiều chương trình quan trọng của tỉnh và các ngành.

Giờ đây Minh cũng đang tập dần để quen với việc viết nhưng quay phim vẫn là sự đam mê, là sở trường. 12 năm nhìn lại, Minh thấy mình thật may mắn khi có gia đình ủng hộ, đặc biệt là cô con gái nhỏ luôn tự hào về nghề của bố, Minh có những người anh - người đồng nghiệp chân thành. Và tôi thấy rõ niềm tự hào khi Minh nói về nghề quay phim của mình.

Thuỳ Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải