song
Viết là cách rãi bày tình cảm
Ngày xuất bản: 19/10/2015 12:00:00 SA
Lượt đọc: 65047

 Từ một giáo viên tiểu học Kim Yến rẽ sang làm báo, viết văn, công việc đó có phần hợp với chị hơn, bởi ngay từ những ngày còn là cô sinh viên sư phạm độc giả Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã biết đến chị qua nhiều truyện ngắn và thơ, đặc biệt là truyện dành cho thiếu nhi. Đến giờ, với vai trò là một biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Kim Yến vẫn miệt mài đi gặp gỡ những nhân chứng để lấy tư liệu, rồi cặm cụi cùng những con chữ với bao dự định sáng tác, bao đề tài đang ấp ủ.

Kim Yến có một người dì hay viết văn, làm thơ và chính bà là người đã gieo vào chị tình yêu với những con chữ. Khi còn là một cô sinh viên hay lúc bận rộn với công việc của một giáo viên tiểu học, Kim Yến vẫn dành thời gian để viết và chị đã có rất nhiều truyện ngắn, tản văn được mọi người nhớ đến. Năm 2008 chị chuyển về Hội Văn học Nghệ thuật Yên Bái sau 7 năm theo nghề giáo.

Khi làm báo Kim Yến có điều kiện thâm nhập thực tế, vốn sống từ trải nghiệm là nguồn tư liệu, chất liệu dồi dào để những tác phẩm của chị ra đời. Tuy nhiên, viết truyện, tản văn và làm thơ đòi hỏi phải có tư duy trừu tượng, tổng hợp, ngôn ngữ giàu hình tượng, văn vẻ, hư cấu cộng với niềm đam mê, trí tưởng tượng và cảm xúc bay bổng.

 

Là một biên tập viên nên viết chỉ là sáng tác cá nhân, chị phải tranh thủ tối đa những lúc rảnh rỗi, thậm chí cả ngày nghỉ để đi cơ sở, mỗi chuyến đi cho chị những trải nghiệm thực tế và đó cũng là để bồi dần những tri thức, những trải nghiệm đó không chỉ dùng cho bài viết thực tại mà còn cần cho những sáng tác tiếp theo. Kim Yến là người viết ký nhiều, điều có thể dễ nhận ra đó là những tên người, tên đất của quê hương Yên Bái đã đi vào chị bằng những bài bút ký, những tản văn với cái nhìn đằm thắm, giọng văn nhẹ nhàng mà sâu lắng, thấm đẫm tình người.

Viết cho Tạp chí Văn nghệ không giống với bất kỳ một tờ báo nào, bởi báo chí viết sự kiện trên bề mặt còn văn nghệ lại viết về những trăn trở, suy nghĩ của con người làm nên sự kiện. Nếu như có đôi mắt tinh tường, trái tim nhạy cảm, cái đầu tỉnh táo, vốn sống đủ dày do quá trình đi, quan sát và tích lũy, suy ngẫm thì sẽ tìm ra những điểm sáng phẩm chất, trí tuệ trong những con người mà ta đã tiếp xúc. Kim Yến luôn tự hỏi nhân vật của mình là tại sao họ lại làm được điều ấy trong hoàn cảnh như vậy.

Viết cho văn nghệ cũng phải có sự đam mê, có rung cảm. Để có cảm xúc người viết cần nhạy bén, có thể “đọc” cảm xúc qua những điều giản đơn trong cuộc sống, từ mưa nắng, từ tuổi thơ, từ ký ức cũng như những trải nghiệm thực tại. Những truyện ngắn hay tản văn của chị đều là góp nhặt từ cuộc sống, quan sát, hoặc là những gì chị hoặc những người xung quanh chị đã trải qua. Cứ thế, các tác phẩm của chị giản dị, rất thật, thấm đẫm tình cảm, đó là tình yêu con người, sẻ chia với mỗi thân phận bằng cả trái tim ấm nóng của mình.

Kim Yến kể rằng, vào buổi chiều muộn một ngày rằm, chị đi mua hoa, gặp một cô bé khoảng hơn 10 tuổi đang trở chậu cúc đầy, mặc cả giá từ 3 nghìn xuống 2 nghìn một bông nhưng cô bé nhất định không bán dù trời đã tối, nghe người bán hàng bên cạnh nói chỗ hoa đó là do mẹ cô bé đạp xe vào tận Yên Bình mua với giá 5 nghìn một bông, chị không đành lòng mặc cả nữa mà bằng lòng mua với giá 5 nghìn. Trong lúc bó hoa cho chị cô bé còn đưa đôi mắt buồn nhìn ra xa và hỏi “không biết mẹ cháu bán được nhiều chưa nhỉ?”, chị nhìn theo ánh mắt ấy và bắt gặp hình ảnh người phụ nữ đang dong xe đạp bán hoa, từ cảm xúc đó chị đã viết tản văn “Ám ảnh chợ chiều”. Có lần đưa con đi học, lúc trời mưa tầm tã, chị bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ ngồi co ro trong vuông bạt ven đường, hàng quán chưa kịp bày ra mà chỉ ngồi chờ hết mưa rồi về, đi một đoạn nữa lại gặp bà bán xôi than phiền trời mưa ế ẩm, chị viết ngay tản văn “Mưa ơi mau tạnh”, được xâu chuỗi từ rất nhiều cơn mưa chị đã gặp, đó là sự trăn trở của những người nghèo bươn chải trong xã hội, và những cơn mưa rất vô tình đó làm cho cuộc sống người ta khổ hơn.

Kim Yến viết là để rãi bày tình cảm với mọi người. Những tác phẩm của chị như tấm gương soi chiếu tâm hồn, nội tâm của chính chị với cuộc đời, gìn giữ cái đẹp, để con người sống với nhau nhân ái hơn. Những tác phẩm đó là sự chắt lọc từ quá khứ đến hiện tại, người viết không chỉ nói đến hiện tượng đang diễn ra mà cái nhìn đó sâu và rộng hơn. Kim Yến vẫn nói, những người làm báo như chị giống như một chiếc ti vi lúc nào cũng phải giương râu để bắt tất cả những gì đang diễn ra ngoài cuộc sống. Vậy nên hình ảnh về một người đàn ông gầy yếu trở người mẹ già còn không quên vòng tay ra sau đỡ lưng mẹ, rồi câu chuyện về một người quen có nuôi loài chó gì đó mà khi chửa phải mổ đẻ và chăm sóc như con người… cũng khiến chị suy nghĩ, day dứt và buồn.

Từ khi bắt đầu cầm bút chị đã viết cho thiếu nhi và cứ thích viết mãi. Chưa bao giờ chị thấy mảng đề tài này cũ, không thấy mình bị cùn mòn. Những câu chuyện giản dị mà xúc động đầy tính giáo dục của chị viết cho trẻ nhỏ cũng ra đời từ cuộc sống đời thường.

Một lần chị mua một chú mèo con với mục đích đuổi lũ chuột đang “làm mưa làm gió” trong nhà. Khi mèo ta vừa vào nhà đã nhanh nhẹn tóm ngay một con chuột nhắt, nhìn cậu con trai tròn mắt ngạc nhiên và hào hứng ước “sau này lớn lên con sẽ làm mèo, không làm siêu nhân nữa” và truyện ngắn “Chiến công của mướp” ra đời. Nhiều truyện ngắn của chị được thiếu nhi yêu thích và cũng đem đến cho chị giải thưởng như tập truyện ngắn “Một cuộc giải cứu” được Giải B giải Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái năm 2012. Bên cạnh đó chị còn nhận được nhiều giải thưởng báo chí của tỉnh và các ngành.

Kim Yến tâm sự, viết về thiếu nhi nó trong trẻo, hiền lành và vui vẻ nên chị thích viết. Điều đó cũng giống như con người chị lúc nào cũng mỉm cười dù cuộc sống còn có những khó khăn.

Thuỳ Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải