song
Với nghề báo kiến thức không bao giờ là đủ
Ngày xuất bản: 07/07/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 43969

 Nhanh nhẹn, hoạt bát, hòa đồng là những điều có thể cảm nhận được từ phóng viên Hùng Cường. Nghề báo gắn với những chuyến đi và mỗi chuyến đi mang lại một sự trải nghiệm, một cái nhìn mới để vốn sống, tay nghề được dày thêm. 8 năm trong nghề đủ để Cường cảm nhận hết những nỗi vất vả, đặc biệt là nguy hiểm để thực hiện tác phẩm.

Từ nhỏ Hùng Cường mơ ước được làm công an để có thể làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, nhưng do không đủ điều kiện anh đành chia tay với ước mơ ban đầu, Hùng Cường chọn sư phạm. Ra trường với tấm bằng Đại học sư phạm Hà Nội 2, khoa ngữ văn, lúc đó biết Báo Yên Bái đang tuyển phóng viên, Cường lên mạng tìm đọc các tài liệu về báo chí, rồi đi xin báo về đọc xem cách viết tin, bài và chụp ảnh. Sau đó anh mạnh dạn viết tin gửi về Tòa soạn Báo Yên Bái. Thật bất ngờ, những tin Cường gửi đều được đăng và có báo biếu gửi về tận nhà. Nhận thấy nghề báo cũng luôn luôn đứng về lẽ phải, về công lý, Cường thi tuyển rồi đầu quân về Báo Yên Bái.

Phóng viên Hùng Cường trong một lần đi cơ sở viết bài

Mới “chập chững” bước vào nghề báo, không thể tránh khỏi những khó khăn về nghiệp vụ, cách xử lý thông tin và kiến thức pháp luật. Viết về lĩnh vực kinh tế, nên anh khó tiếp cận và nhận được sự chia sẻ thẳng thắn của các doanh nghiệp chỉ vì... vẻ ngoài còn quá trẻ của mình. Vì thế, sự giúp đỡ chân tình của những đàn anh đi trước vừa là nguồn động viên, truyền lửa đam mê, vừa khơi gợi nguồn sáng tạo vào nghề.

Nghề báo là một nghề cao quý nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt. Người làm báo phải "ngược xuôi" đây đó để lấy thông tin, tư liệu, cũng phải chịu những cảnh cực khổ, thậm chí nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp, lắm lúc phải gác lại những chuyện riêng tư.

Một đêm tháng 5/2014, Hùng Cường cùng phóng viên Văn Thông đã có một đêm trắng để theo dõi hành trình những chiếc xe quá tải “né” trạm cân trên quốc lộ 70, vừa tìm cách theo dõi đoàn xe tải và đội “cò” dẫn đường vừa tìm cách cắt đuôi những đối tượng đang theo dõi, bám đuổi mình. Đó là một trong những lần tác nghiệp đáng nhớ nhất của Cường. Năm 2012, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn, nhiều nơi ngập úng cục bộ, được phân công đi cùng đoàn công tác của thành phố Yên Bái. Phố Hào Gia lúc đó nước đã dâng cao so với mặt đất, nhiều ngôi nhà ở đây ngập gần hết tầng 1. Dù biết sẽ gặp nguy hiểm nhưng anh vẫn xin theo chiếc xuồng cứu hộ của quân đội. Đi được một đoạn, do nước chảy xiết, chiếc xuồng bị mắc kẹt vào khe của một biển quảng cáo, loay hoay một lúc mới thoát ra được. Trong lúc đang tìm nơi ở của hai bà cháu cần được cứu hộ, nước bắt đầu tràn vào phía sau máy, xuồng chìm dần, tất cả nhảy ra khỏi xuồng nhưng không may anh bị chiếc xuồng lật úp vào người. Vì mặc áo phao nên người cứ nổi lên trong lòng xuồng không thoát ra được, cuối cùng phải lặn sâu xuống để thoát ra ngoài, chiếc máy ảnh bị nước cuốn trôi.

Khi được hỏi đã bao giờ hình dung sẽ gặp phải nguy hiểm như thế nào trong lần tác nghiệp đó, Cường bảo lúc ấy trong đầu chỉ toàn là những câu hỏi và hình dung sự vụ, trong những thời điểm nóng bỏng như thế. “Nếu chưa đi đã nghĩ  đến nguy hiểm thì sẽ không thể nào đi được”, anh khẳng định.

Được phân công phụ trách xã vùng cao, lúc đầu, không tránh khỏi sự ngần ngại, bởi đường sá xa xôi, trắc trở, chưa quen với phong tục tập quán, rồi nghĩ đến cảnh rừng thiêng nước độc. Cảm giác ấy dần qua trong những chuyến công tác khi gặp những người dân vùng cao dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng họ luôn lạc quan, trân thành và rất mực quý khách; hình ảnh những đứa trẻ chân trần, áo quần mỏng manh, đứng co ro trong giá rét, những lớp học tuềnh toàng, chắp vá; những dòng chữ nhớ chồng, nhớ nhà của những cô giáo cắm bản viết trên vách. Có lẽ chính những điều giản dị đó đã trở thành động lực, giúp Cường có được niềm hứng thú và cả sự bền bỉ trong mỗi cuộc hành trình tác nghiệp ở vùng cao. Giờ đây, anh không thể nhớ nổi mình đã có bao nhiêu chuyến đi, vượt qua bao nhiêu đèo suối, đến được bao nhiêu bản làng. Giờ đây mỗi cuộc hành trình đem lại cho anh niềm vui, nỗi trăn trở và có khi là thử thách phải vượt qua bằng nội lực chính mình.

Nhà báo Thanh Phúc - Trưởng phòng phóng viên Kinh tế, Báo Yên Bái nhận xét “Hùng Cường là một phóng viên nhanh nhẹn, chịu khó học hỏi, có tư duy làm báo tốt. Bên cạnh đó rất nhiệt tình và cởi mở với anh em đồng nghiệp”.

Suốt 8 năm công tác tại Báo Yên Bái, Hùng Cường luôn được cơ quan, đồng nghiệp đánh giá cao về kỹ năng nghiệp vụ, ý thức, đạo đức nghề nghiệp. Trong lĩnh vực được phân công theo dõi, anh đã có rất nhiều tin bài phản ánh sâu sát thực tiễn cơ sở, nhiều tác phẩm được cơ quan khen thưởng, Giải báo chí hàng năm của tỉnh đã đạt 2 Giải B, 1 Giải C, đặc biệt năm 2017 anh đã đạt Giải A với tác phẩm “Ký sự làng ven”; Giải C giải báo chí tìm hiểu về mô hình các hợp tác xã kiểu mới do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức.

Phóng viên Hùng Cường luôn tâm niệm với người làm báo kiến thức không bao giờ là đủ, mỗi bước đi là một sự trải nghiệm, một sự trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân. Nghề báo không chỉ là một công việc cần kinh nghiệm, sự trải nghiệm, dấn thân mà đòi hỏi bản thân mỗi người luôn học hỏi, cập nhật thông tin để theo kịp với xu thế mới.

Thùy Linh

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải