song
Danh thắng từ đôi bàn tay người Mông
Ngày xuất bản: 11/02/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 3331

 Người Mông trên đỉnh Mù Cang Chải quý ruộng hơn sinh mạng và chính tình yêu ấy đã tạo nên danh thắng Mù Cang Chải, di tích quốc gia đặc biệt.

 

Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái năm nay bắt đầu từ cuối tháng Chín, khi ánh trăng dát bạc lấp lánh lên cánh đồng Mường Lò, trăng làm du khách say sưa trong những đêm hội xòe bất tận của người Thái ở Nghĩa Lộ. Lúa cũng đã chín vàng dưới các thung lũng, thay áo những thửa ruộng bậc thang nằm chênh vênh trên sườn núi của đồng bào người Mông vùng cao Mù Cang Chải.

 

Mùa nước đổ

Cả đất trời Tây Bắc vào hội. Lễ hội trà shan tuyết bên Văn Chấn, lễ hội văn hóa du lịch Mường Lò…, không khí vui tươi, náo nức vang vọng khắp núi rừng, vậy mà có một nơi lễ hội dường như chưa thể đến: Mù Cang Chải. Nghe bảo dự kiến ban đầu tỉnh Yên Bái định tổ chức Festival trình diễn khèn Mông kết hợp với đón bằng công nhận nhận di sản văn hoá phi vật thể trình diễn khèn Mông của bà con vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn nhưng rồi phải thay đổi vào phút chót.

Mưa lũ khiếp quá. Giọng Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, ông Nông Việt Yên vẫn còn thảng thốt sau cả tháng trời cùng bà con chống chọi, khắc phục hậu quả thiên tai. Trận lũ hung ác hồi đầu tháng Tám cuốn trôi mất nhiều nhà cửa, trâu bò, lợn gà của đồng bào vùng cao nhưng đau đớn nhất là hơn 40ha ruộng bậc thang ở Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang bị nước lũ cuốn, đất đá vùi lấp không biết đến bao giờ mới có thể phục hồi lại được. Thành thử dù đồng bào cơ bản đã quay trở lại sinh hoạt bình thường, du khách cũng đã tấp nập lên Mù Cang Chải để trải nghiệm đặc sản mùa vàng, nhưng cả tỉnh và huyện thống nhất lùi tất cả các hoạt động lễ hội đến cuối năm nay. 

Chỉ vì mất 40ha ruộng bậc thang thôi sao?

Ông Yên như chợt lặng đi trước câu hỏi của tôi. Giọng chùng hẳn xuống. Các anh không biết đó thôi, người Mông trên đây quý ruộng bậc thang còn hơn cả sinh mạng đấy. Bà con quý ruộng hơn nhà cửa, trâu bò, nương rẫy… nói chung là hơn bất cứ thứ gì giá trị khác. Bởi vì với đồng bào Mông, ruộng là chứng nhân lịch sử và một phần máu thịt, ruộng cũng chính là truyền thống văn hóa của một dân tộc đặc biệt yêu thích tự do và luôn kiêu hãnh. Cho nên có người đã ví ruộng bậc thang Mù Cang Chải chính là vân của núi, kỳ vỹ và nhiều đớn đau, có cả nỗi đau của núi, cả nỗi đau của con người.

Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải chậm rãi kể rằng, khoảng hơn 300 năm trước đồng bào Mông di cư từ biên giới phía Bắc đến vùng núi cao này và gọi tên nó là Mù Cang Chải, nghĩa là đất gỗ khô. Chỉ có rừng và rừng hoang vu lắm. Người Thái ở theo dông nước, người Mông ở theo dông đồi. Đời này qua đời khác đồng bào sinh sống, lao động, dùng bàn tay, khối óc của nhiều thế hệ để điêu khắc lên sườn núi dãy Hoàng Liên Sơn những thửa ruộng bậc thang như thể người ta vẽ tranh phong cảnh vậy. Thành thử nói ruộng vừa là sinh kế vừa là văn hóa, bản sắc là vì thế.

Người Mông cắt ngang sườn núi cuốc đất be bờ. Người Mông vạch rừng đi tìm nguồn nước dẫn về để cải tạo núi rừng thành ruộng trồng lúa ở nơi mà độ cao toàn hơn 1.000m so với mực nước biển. Tất cả chỉ với cây dao quắm, cuốc, xẻng và những chiếc bàn kéo được làm bằng gỗ thưng trên rừng, đồng bào gọi là thang thóc. Bà con san tạo núi rừng thành những nấc thang bằng phẳng, xếp lớp lớp chồng lên nhau, chênh vênh trên sườn núi, sườn đồi. Những nấc thang có điểm đầu và điểm cuối không hề vênh nhau. Bậc ruộng trên, bậc ruộng dưới cũng đều nhau tăm tắp, hệt như thể có ai căng dây, kẻ chỉ. Một di sản mà tạo hóa, thiên nhiên và con người cùng nhau vun đắp.

Tháng Tư, tháng Năm khi Mù Cang Chải vào mùa nước đổ, ánh trăng dát bạc trên những thửa ruộng bậc thang loang loáng nước, đứng từ các bản làng nhìn lên thật dễ liên tưởng đang được thấy ty tỷ tấm gương lấp lánh giữa lưng trời. Tháng Chín, tháng Mười vào vụ lúa chín, sắc lúa nhuộm núi đồi sặc sỡ, đó là khi Mù Cang Chải đẹp nhất, đẹp như những thiếu nữ đồng bào ta vẫn gặp trong lễ hội hay buổi chợ phiên, đẹp đến nỗi Đài CNBC của Mỹ từng xếp hạng Mù Cang Chải là ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam, một trong những điểm đến rực rỡ nhất thế giới.

Tháng 12/2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải là Di tích Quốc gia đặc biệt với diện tích vùng lõi hơn 852ha ở các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải.

Đúng hơn phải là 7.000ha. Anh Hoàng Văn Hân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT Mù Cang Chải đính chính. Tính tổng hiện nay Mù Cang Chải có hơn 1.200km2 đất tự nhiên nhưng cũng chỉ có khoảng 13.800ha đất sản xuất nông nghiệp, gánh vác sứ mệnh nuôi sống hơn 64.000 dân. Số liệu diện tích ruộng bậc thang của cả huyện hiện thống kê được hơn 7.000ha nhưng thực tế chỉ có khoảng 4.500ha có thể sản xuất, còn lại là bờ thửa.

 

Đồi mâm xôi

Mùa vàng năm nay, Mù Cang Chải dường như muốn rực rỡ hơn sau mưa lũ. Vẻ đẹp thiên nhiên, cảnh quan Mù Cang Chải khiến bất cứ ai lên đây, dù chỉ một lần cũng đều phải ngẩn ngơ, trầm trồ, bằng giá nào cũng phải kiếm cho mình một vài bức ảnh đẹp. Nhưng có lẽ không nhiều người nhìn thấy một vẻ đẹp khác của Mù Cang Chải, vẻ đẹp trăm năm mà người Mông khó nhọc trao truyền đời này qua đời khác để hun đúc nên vùng đất di sản hôm nay.

Tôi từng bán tín bán nghi khi nghe dưới Lao Chải người ta tính toán rằng nếu cộng tất cả hệ thống mương máng mà đồng bào tự tay làm để dẫn nước từ rừng về ruộng thì sẽ bằng đúng quãng đường từ Lao Chải về Thủ đô Hà Nội. Lại nghe có những kỳ nhân của đồng bào còn làm ruộng bậc thang trên những đỉnh núi như đồi Mâm Xôi, đồi Móng Ngựa. Không rõ họ lấy nước ở đâu ra. Cho đến khi gặp Hờ A Sỏ, một người Mông ở Chế Cu Nha, được anh ta chỉ cho đường dẫn nước ngoằn ngoèo qua bốn năm quả đồi, chỉ cho những bí thuật người Mông truyền nhau để lưu giữ nước trời mới hay hiểu biết của bản thân thật nông cạn.

Nhà của Sỏ nằm bên sườn núi của bản Dề Thàng, cách trụ sở UBND xã Chế Cu Nha không xa lắm. Trước mặt là dòng suối Nậm Kim, sau lưng là ruộng bậc thang xếp lớp, ngước nhìn lên chỉ thấy mây trời. Anh ta khoe mình là công dân di sản. Kể từ khi ruộng bậc thang trở thành di tích quốc gia, hẳn nhiên là Sỏ rất vui và tự hào nhưng cũng giống như nhiều công dân di sản khác, nhà anh vẫn còn rất nghèo. Công dân di sản không biết gia đình mình có bao nhiêu ruộng. Và hình như người Mông ở Mù Cang Chải cũng không ai biết cả. Họ chỉ biết mỗi năm làm ruộng tốn bao nhiêu bao giống, thu về được mấy bao thóc mà thôi.

Sỏ rất quý ruộng. Bao đời nay anh cũng giống như nhiều đồng bào người Mông khác thường dựng một căn nhà gỗ, nhỏ thôi, ở ngay trên ruộng cho lúa ở và để các nông cụ như cày, bừa, cuốc, xẻng, đồng thời lấy đó làm chỗ nghỉ ngơi. Căn nhà gỗ của gia đình Sỏ đã nhuốm màu thời gian, xám xịt, nhìn xa như đốm đen nhỏ bên sườn đồi, điểm xuyết trên màu vàng của lúa, màu xanh của rừng. Quá đẹp, thậm chí trông còn lãng mạn. Vậy mà không ít lần ngồi nghỉ trong căn nhà gỗ xám xịt kia, Sỏ đã có suy nghĩ bỏ ruộng. Đúng hơn là bỏ lúa. Anh muốn chuyển sang trồng ngô, trồng rau hay trồng bất cứ thứ gì khác, miễn thôi không trồng lúa nữa, khổ lắm rồi.

Gia đình Sỏ có 5 người gồm 2 vợ chồng, 2 đứa con và một mẹ già. Mỗi năm chừng ấy con người làm một vụ lúa, thu được tầm 20 bao thóc, tính ra cũng được khoảng tầm 7 tạ, nhưng Sỏ nói cả nhà phải làm thêm nhiều việc khác nữa mới tạm đủ ăn.

Chán ruộng, Sỏ tần ngần đi lên xã. Anh muốn gặp Chủ tịch Sùng Thành Công để xin chuyển từ lúa sang ngô, hay chí ít thì cũng trồng thêm hoa hay rau củ gì cũng được. Chỉ phân vân một điều, Sỏ biết, xin thế thôi nhưng ông Chủ tịch xã chắc chắn sẽ lại không cho, sẽ lại vận động tuyên truyền bà con quay về cố gắng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bằng việc tiếp tục làm ruộng. Tỉnh, huyện đã có chủ trương hỗ trợ bà con mở rộng diện tích, rồi đây sẽ kết hợp ruộng bậc thang với du lịch, với sản xuất nông nghiệp, chắc chắn bà con sẽ khá… Sỏ lại quay về. Một tay chống gậy tay kia lăm lăm rựa, anh dẫn đám trai tráng trong bản tiếp tục đi tìm đất khai hoang, nhưng suốt cả buổi sáng vẫn chưa tìm được. Chỉ còn lại toàn vùng đất dốc, không có nước, không làm ruộng bậc thang được nữa rồi. Sỏ ngồi phịch xuống, thở dài, bất lực.

Nghĩ thương bà con lắm. Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha, cũng một người Mông nhà ở tít trong xã Chế Tạo không giấu được muộn phiền. Tuyên truyền, vận động thế thôi chứ nhiều khi nghĩ cũng khó bởi nguyện vọng của bà con là chính đáng. Sùng Thành Công là cán bộ trẻ được tăng cường từ trên Huyện ủy xuống. Thách thức đặt ra với Chủ tịch xã mới ngoài ba mươi tuổi này là phải mở rộng diện tích ruộng bậc thang. Phải làm sao để những công dân di sản yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Chế Cu Nha có 671 hộ dân, 3.700 nhân khẩu nhưng chỉ vỏn vẹn 195ha ruộng bậc thang, đa phần trong số đó canh tác được một vụ nên dễ hiểu vì sao xã vẫn còn trên 61% hộ nghèo. Nghị quyết của huyện vừa hỗ trợ, vừa vận động bà con khai hoang, mở mang thêm ruộng với định mức 10 - 15 triệu đồng/ha, tuy nhiên năm nào nỗ lực lắm Chế Cu Nha cũng chỉ thêm được tầm 2 - 3ha, vì không có nước. Muốn có thêm ruộng ngoài việc đi tìm được những sườn đồi có độ dốc vừa phải thì quan trọng nhất là phải có nước, nếu không khỏi bàn.

Mùa khô Mù Cang Chải, nước luôn là thứ quý giá nhất, mỗi năm dường như vấn đề sống còn này lại càng thêm khốc liệt. Đợt vừa rồi mưa muộn, phải đến tháng Bảy dân mới có nước để gieo cấy. Cũng chính vì phụ thuộc nước trời, chỗ làm trước chỗ làm sau nên mùa vàng năm nay ở Chế Cu Nha lúa chín không đồng đều, năng suất cũng không đảm bảo. Diện tích có sẵn còn gian nan như thế, diện tích muốn mở rộng lại càng khó khăn. Chỗ nào làm được bà con cũng đã làm rồi. Dưới bản Dề Thàng, Trống Tông, trên Thào Chua Chảy, Háng Chua Xai… bà con ở 5 bản của Chế Cu Nha dù rất tích cực dò dẫm tìm đất, tìm nước để mở ruộng nhưng xem chừng vất vả quá. “Nếu có đất, có nước, cứ hai người thành thục mỗi ngày cố lắm cũng chỉ san tạo được khoảng tầm 20m2, vất lắm anh ạ”, Chủ tịch xã trẻ tuổi của Chế Cu Nha lại than phiền.

Sát ngay Chế Cu Nhà là La Pán Tẩn, nơi có đồi Mâm Xôi, biểu tượng du lịch ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tình hình cũng không mấy khả quan. Ruộng nhiều hơn, 280ha nhưng dân cũng nhiều hơn, xấp xỉ gần 1.000 hộ và vẫn trên 50% trong số các công dân di sản vẫn còn thuộc diện hộ nghèo. Rồi Lao Chải, Khao Mang, Mồ Dề… ruộng bậc thang luôn là đề tài nóng bỏng nhất trong các cuộc họp dân bản. Từ những bậc cao niên nhiều kinh nghiệm đi rừng đến đám thanh niên sức vóc, tất cả nguồn nhân lực đều được tổng động viên để tìm đất, tìm nước, để kiếm thêm dù chỉ vài ba mét ruộng thôi cũng được. Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều đời của người Mông truyền lại, chỗ nào đồng bào nói không làm ruộng được thì tuyệt đối đừng có vác cuốc xẻng lên đó làm gì, chỉ tổ mất công.

Sao không vận động bà con làm thêm vụ đông xuân?

Anh Hân vội vàng xua tay, như thể muốn bác ngay cái sáng kiến cũ rích mà tôi vừa buột miệng. Chục năm trước Mù Cang Chải từng vận động bà con người Mông bỏ cả ăn tết cổ truyền của đồng bào để dồn lực sản xuất thêm vụ Đông xuân, nhưng thất bại. Không phải vì bà con không thuận mà cái chính phần lớn diện tích ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải chủ yếu dựa vào nước trời, một vụ lắm khi còn mất ăn nữa là hai. Ruộng cày xong không có nước lại loay hoay chuyển sang cải dầu và một số cây trồng ngắn ngày khác. Cải thiện được đôi chút thì vướng chính sách, đụng đâu cũng thấy di sản, rất khó làm.

Nhiều người nghĩ đất đai Mù Cang Chải tưởng như rộng lớn, mênh mông là thế nhưng có làm ruộng bậc thang được không lại là chuyện khác. Tăng vụ không xong, mở thêm lại càng khó, nhiều lần bà con muốn chuyển đổi cây trồng, rải vụ… nhất là những năm hạn hán, thiếu nước đồng bào muốn bỏ lúa lắm rồi nhưng quan điểm nhất quán của tỉnh, của huyện là bằng mọi giá phải trồng lúa để giữ gìn bản sắc, phát triển du lịch…

Bức bách và gay go lắm, cứ đi vận động suông mãi cũng không thể thuyết phục được bà con nên Huyện ủy đành tạm chữa cháy bằng cách ban hành chính sách hỗ trợ thêm bà con bằng lúa, bằng ngô để bà con cam kết tiếp tục giữ lấy di sản. Tuy nhiên về lâu về dài xem ra không ổn. Mù Cang Chải nghèo thế nào ai cũng biết cả rồi, lấy đâu ra tiền để hỗ trợ bà con mãi được. Mất một mét vuông ruộng là đồng bào bớt đi một bát cơm và ngược lại. Cho nên từ quy hoạch, tổ chức sản xuất, lựa chọn cây trồng ra làm sao luôn luôn là quyết sách sinh tử chứ không phải chuyện đùa.

Mang toàn bộ những vấn đề Mù Cang Chải nói chuyện với Bí thư Huyện ủy, ông Yên đang ngồi trầm ngâm đột nhiên bật dậy, ánh mắt như chứa lửa. Đúng rồi. Phải có một con đường cho ruộng di sản, con đường đó phải vì cái bụng đồng bào trước đã. Nói danh thắng, di sản là của Nhà nước, Chính phủ thì rõ rồi, nhưng ruộng là tài sản của bà con, bao nhiêu đời nay đã vậy và bây giờ cũng phải xác định rõ như vậy.

Phải làm sao để đồng bào ổn định cuộc sống, được hưởng lợi từ danh thắng, di sản là trách nhiệm của chúng ta. Mù Cang Chải phải là Mù Cang Chải, không thể là Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt hay nhiều danh thắng, di sản khác. Triết lý phát triển của chúng tôi là xây dựng Mù Cang Chải bản sắc, an toàn và thân thiện. Quy hoạch hiện đã thuê chuyên gia Pháp tư vấn xong và đề án xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch vào năm 2025 cũng đã được phê duyệt, tới đây nữa sẽ là khu du lịch quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới…

Lẽ tất nhiên Mù Cang Chải hôm nay vẫn còn đang nằm trong số những huyện nghèo nhất cả nước nhưng có lẽ chỉ vài năm nữa thôi sẽ là một Mù Cang Chải rất khác. Bởi Mù Cang Chải hôm nay dường như đang mát lành hơn bởi những làn gió trẻ. Làn gió của những thanh niên bản địa đang nỗ lực đánh thức giá trị bản sắc của ruộng bậc thang của quê hương mình. Đó là vợ chồng Giàng A Dê - Vàng Thị Lý, những người Mông ở La Pán Tẩn làm đường ống dẫn nước từ trên núi về xây dựng homestay Hello Mù Cang Chải. Đó là Lý A Dờ, chàng trai mới chỉ 25 tuổi hiện đang làm Giám đốc Hợp tác xã du lịch đồi Mâm Xôi La Pán Tẩn, là Giàng A Chinh, Hợp tác xã du lịch võng lúa Móng Ngựa… Và nhiều bạn trẻ người Mông khác nữa.

Hợp tác xã du lịch đồi Mâm Xôi của Lý A Dờ nằm ngay dưới chân đồi Mâm Xôi, mới chỉ thành lập giữa năm ngoái nhưng bây giờ đã có gần 600 thành viên, tất cả đều là người Mông có ruộng ở các bản Trống Tông, Háng Sung, Pú Nhu, Trống Páo San… Dờ thuê của dân 5ha ruộng ngay trên đồi Mâm Xôi, mỗi năm trả cho họ 4.000 đồng/m2 cùng với tiền dịch vụ khoảng 20 triệu đồng/hộ có ruộng. Hợp tác xã tổ chức các tour du lịch khám phá ruộng bậc thang, rừng trúc, thác nước, khám phá danh thắng Mù Cang Chải, tổ chức cho du khách trải nghiệm nghề nấu rượu thóc, nghề vẽ sáp ong, nghề đúc, nghề dệt của đồng bào… Hợp tác xã vận động đàn ông khỏe mạnh ở các bản tham gia vào đội xe ôm chuyên nghiệp, dẫn khách tham quan, vận động phụ nữ vào các tổ hợp tác dệt thổ cẩm, bán các sản vật địa phương cho du khách. Tất cả tương lai tươi sáng đang chờ phía trước.

 

                                                                                              Hoàng Anh – Thanh Tiến

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải