Cách trung tâm thị trấn Mậu A khoảng 1 km, qua cầu Mậu A bắc qua Sông Hồng, đi theo tuyến đường An Thịnh - Mỏ Vàng 200 m là đến di tích Đền Đại An. Đền Đại An là một trong những ngôi đền cổ nằm dọc theo tuyến thượng lưu Sông Hồng, còn nguyên giá trị về văn hoá lịch sử và là điểm đến của du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh trên địa bàn huyện Văn Yên.
Đền Đại An nằm ngay cửa điểm soát vé IC 14. Cách trung tâm thị trấn Mậu A khoảng 1 km, qua cầu Mậu A bắc qua Sông Hồng đi khoảng 200 mét theo tuyến đường An Thịnh - Mỏ Vàng là đến di tích Đền Đại An. Đền Đại An là một trong những ngôi đền cổ nằm dọc theo tuyến thượng lưu Sông Hồng, còn nguyên giá trị về văn hoá lịch sử và là điểm đến của du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh trên địa bàn huyện Văn Yên, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 28/10/2013.
Khu quần thể kiến trúc tâm linh chùa và đền Đại An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái
Khởi thuỷ đền Đại An là ngôi đình cổ của người Tày Khao có tên là Đình Bục thuộc thôn Bục, xã Đại Bộc, tổng Yên Phú, huyện Trấn Yên (nay là xã An Thịnh, huyện Văn Yên). Đình Bục được dựng lên vào khoảng đầu thế kỷ 19 thờ tam vị Sơn Thần là Sơn Tinh, Cao Sơn và Quý Minh Đại Vương.
Theo tín ngưỡng thờ phụng của nhân dân vùng núi phía bắc, tam vị Sơn Thần là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ tức em của Hùng Vương. Với sự ngưỡng mộ và niềm khát vọng làm chủ thiên nhiên, khai phá các vùng đất và dựng nước, nhân dân nơi đây lập đình thờ phụng.
Đầu năm 1940 khi các cư dân miền xuôi di cư đến khai phá và sinh sống, xuất hiện sự giao thoa giữa cư dân bản địa và cư dân vùng khác, đình Bục đã rước chân nhang từ đền Đông Cuông về thờ tự. Để phù hợp với việc thờ tự, đình Bục dần dần chuyển sang thành đền, sau lấy tên là đền Đại An.
Như vậy Đền Đại An chính là thờ vọng Mẫu Thượng Ngàn. “Vọng” có nghĩa là “Nhìn, hướng lòng về, tin tưởng, trông chờ”. Do đường xá xa xôi cách trở, đi lại khó khăn, người dân nơi đây lập bàn thờ vọng Mẫu Thượng Ngàn thể hiện lòng biết ơn đến các vị Thánh có công khai phá lập bản, lập làng, có công với đất nước.
Cứ mỗi độ tháng Bảy, mùa Vu Lan báo hiếu, mùa báo ân đối với hai đấng sanh thành lại về. Người Phật tử lại có dịp thao thức về niềm hiếu hạnh mà nếp sống Đông Phương đã gắn liền với đạo Phật.
Đền Đại An trong những năm gần đây đã được tu sửa và xây dựng khang trang, nhưng vẫn giữ cho mình nét đặc trưng của một ngôi đền cổ với lối kiến trúc xưa cùng những hiện vật cổ được trưng bày nơi đây. Tại đây cũng đã diễn ra những ngày lễ báo hiếu, đại lễ Vu Lan, đại lễ phật đản cũng được tổ chức long trọng và gây được tiếng vang lớn. Ngoài những lễ hội được tổ chức, đền Đại An cũng là nơi thu hút nhiều du khách thập phương trong hành trình du lịch tâm linh về chiêm bái, cầu lộc, cầu tài. Đây cũng là hoạt động mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá sâu sắc, giúp các thế hệ xã An Thịnh nói riêng và huyện Văn Yên nói chung hôm nay và mai sau tự hào về quê hương đất nước và luôn biết hướng về cội nguồn dân tộc.
Đức Nguyễn