Đền Đông Cuông là một trong hai đền lớn ở thượng lưu sông Hồng, đã tồn tại từ lâu đời, tọa lạc tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ngày 3/02/2009, Đền Đông Cuông đã đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngôn từ dân gian trước đây định danh "Đền Đông", "Đền Mẫu Đông". Khánh tự và sớ văn ghi rõ "Đông Quang linh từ", còn bây giờ là "Đền Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn"
Trong Kiến Văn Tiểu Lục quyển X mục "Linh tích" thời hậu Lê, cụ Lê Quý Đôn viết: "Văn Châu, một người thuyền hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba (nay thuộc địa phận Lâm Thao- Phú Thọ) là học trò Hiệu như Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái) bến sông này có miếu thờ Đông Quang Công Chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền Công Chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn Vi (sau đổi là huyện Lâm Thao). Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người từ trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ, gọi tên mình và bảo rằng: "Khi thuyền nhà ngươi trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại vương, Chúa bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để đại vương biết". Nói xong liền biến mất. Đường thuỷ mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba, bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm mà đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm) Văn Châu theo lời thầy dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi".
Thần Tích của dòng mo họ Hà coi việc giữ đền và tế tự chép: Đông Quang Công Chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc, Hà Bổng (Trại chủ Quy Hoá) bị hy sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai. Khi Ông tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đồng Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu.
Trong nhân dân hai xã Đông Cuông và Ngòi A lưu truyền một huyền thoại: ở xóm Đá Ôm, thôn Đồng Dẹt, xã Đông Cuông có một giếng nước sâu trong vắt. Giếng ở chân gò, nơi chúa họ Cầm ở (tù trưởng bộ tộc Tày). Một hôm, con gái tù trưởng là Cầm Thị Lả (Cầm Thị Lê) ra giếng gội đầu. Lỡ tay đánh rơi lược xuống giếng, nàng vội nhào theo vớt lược. Lược chẳng thấy chỉ thấy đáy giếng lộ ra một con đường rộng, sâu hút. Nàng theo đường ấy, đi mãi đến Thuỷ Cung rồi gặp Long Vương lấy làm chồng và sinh hạ được một con trai. Nhớ nhà, nàng bế con trở lại dương thế và hứa với Long Vương hàng năm sẽ xuống thăm chồng một lần và chỉ đi một mình không đem con đi cùng. Giếng Đồng Dẹt trở thành giếng thần. Tháng Giêng ngày mão, xã chọn thanh niên chưa vợ đi tát sạch giếng để lọc lấy nước trong thanh khiết cúng lễ.
Năm Giáp Dần (1914) nghĩa quân Kinh - Dao - Tày huyện Trấn Yên khởi nghĩa chống Pháp thất bại bị chính quyền thống trị Pháp hành hình trong đó có năm người Tày họ Hà, Hoàng, Lương, Nguyễn quê ở Đông Cuông, các vị được tôn thờ tại đền.
Theo tục truyền, xã Đông Cuông cổ xưa là Mương Khà đã có từ lâu đời do các dòng họ Hà, Hoàng - Tày Khao sáng lập; đồng thời họ Hà dựng đình để làm nơi cúng thần Sông, Núi, Thổ địa, Thành Hoàng Làng.
Hai họ Hà và Cầm từng thay nhau đảm lãnh công vụ chính quyền và cúng lễ của toàn mường.
Đình Mường Khà cũng là nơi làm việc của thổ tù, chức dịch, phiên quan gánh nhận chức năng "Đình Trạm" chuyên tống đạt công văn thư chỉ hai chiều giữa cấp trên và cấp cơ sở. Thời Trần, Tổng binh Quy Hoá Hà Bổng và thuộc viên của ông từ Thanh Sơn lên biên ải vẫn thường dừng chân ở Quán Tuần và Đình trạm Mường Khà.
Hệ thống đình Mường Khà gồm: đình cả (sau này là đền Đông Cuông) và các đình thôn, đình xóm thượng - hạ. Đình cả do dòng họ Hà quán xuyến, đình nhỏ do dòng họ Hoàng, họ Lương đăng nhang.
Dòng họ Hà cho biết tổ phụ của họ là Hà Văn Thiên đã từng lãnh đạo địa phương đánh giặc Nguyên thời Trần sau bị tử trận và được dân làng lập miếu thờ bên Ghềnh Ngai (xã Tân Hợp huyện Văn Yên ). Miếu làm theo kiểu nhà sàn chân thấp, to hơn miếu hiện nay. Vợ ông là Lê Thị Kiểm và con trai ông khi tịch diệt cũng được dân thờ bên Ghềnh Ngai và ít lâu sau, ban thờ mẹ con được di sang đình cả bên Đông Cuông.
Kế từ khi triều đình phong sắc, đình được mở rộng, tông trang, dần dà cải đổi thành miếu mà Cụ Lê Quý Đôn thời Hậu Lê đã ký lục. Triều Nguyễn, miếu được nâng thành đền và thánh từ trong Đại Nam Nhất Thống chí định danh là "Đền Thần Vệ Quốc" gọi theo sắc phong. Đền lúc này vẫn bằng gỗ làm theo kiểu nhà sàn chân thấp. Sau sự biến Giáp Dần (1914), dân tổng Đông Cuông góp tiền đón thợ Hà Đông, Nam Định lên đúc tượng đồng Vua Mẫu và Vua Con.
Năm 1924, một nhà buôn lâm sản ở mấy cửa ngòi quanh Đông Cuông bỏ tiền và vận động thiện nam tín nữ góp của đón thợ Hương Canh (Vĩnh Yên) lên gạch đền Mẫu và tu sửa đền Ông Ngềnh Ngai. Dịp này, con nhang đệ tử cung tiến khá nhiều đồ thờ phong phú: chuông, đỉnh, lư, hoành phi, đại tự, câu đối, bát bửu, y môn, rèm cung, tán họng, hạc nến, mâm bồng... mang đậm yếu tố văn hoá - tín ngưỡng đồng bằng. Tinh tuý và màu sắc Việt Tày hoà trộn sâu sắc từ thời điểm này.
Năm 1979, nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Đền dỡ đi để xoá mục tiêu. Đồ thờ cất giữ cẩn thận. Năm 1980, Hội người cao tuổi ở khu Bến Đền tái dựng đền bằng vật liệu tranh tre nứa lá.
Thể theo nguyện vọng nhân dân, ngày 4/01/1995, UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định cho phép nhân dân xã Đông Cuông huyện Văn Yên "xây dựng lại ngôi đền Đông Cuông... đúng trên nền ngôi đền cũ… để phục vụ việc tôn kinh thờ cúng. Đền được Nhà nước và nhân dân dành cho một khu đất khá rộng: 17.600 m2, tạo thành khuôn viên lý tưởng: Tiền diện là sông Hồng và nản đá Ghềnh Ngai luôn gợn sóng, sau lưng là đồng ruộng xen đồi bát úp, phía phải là Khe Ao Sen, bên trái là con đường đất từ đường sắt Yên Bái - Lào Cai chạy vào đền.
Đền hướng mặt ra sông, chếch Tây Nam, nhìn thẳng sang miếu Ghềnh Ngai. Miếu hiện được tách khỏi đền, giao cho xã Tân Hợp quản lý.
Theo bản "tóm tắt lịch sử đền mẫu Đông Cuông" ngày 01/6/1998 của nhà Đền Đông Cuông thì "nội thất bên trong... được sắp đặt các bàn thờ như sau: Trong cung cấm có một tượng Mẫu, một tượng Quan Hoàng và hai tượng hầu cận. Gian giữa bệ thờ Công Đồng Tứ Phủ có 5 tượng quan. Nhìn theo hướng nhà đền bên phải là toà sơn trang thờ 12 cô sơn trang. Bên trái xây toà thờ Trần Triều và hai cô hầu cận". Tượng Quan Hoàng chính là tượng "Vua Báo" mà đồng bào Tày thường gọi nôm na.
Thời phong kiến, chư thần Đông Cuông được bốn đời vua sắc phong về công lao "bảo vệ đất nước, che chở nhân dân" và xã Đông Cuông được đặc cách chuẩn y cho theo trước phụng thờ chư thần và chăm non miếu đền: Năm Tự Đức thứ 33 ngày 11 tháng 4 âm lịch; năm đồng Khánh thứ 2 tháng 7 ngày 1; năm Duy Tân thứ 3 tháng 8 ngày 11; năm Khải Định thứ 9 tháng 7 ngày 25.
Ngoài tuần rằm mồng một, tứ thời bát tiết, đền Đông Cuông có hai lễ chính: ngày Mão tháng giêng mổ trâu trắng, ngày Mão tháng chín mổ trâu đen. Tại lễ lớn, thỉnh tôn thần 12 ngọn núi, 12 ngọn sông, 18 "nước chư hầu" và Vua tổ Hùng Vương và Tế nam theo chế thức cung đình. Khai mạc lễ từ sớm trước tiết rước kiệu: 6 đến 8 giờ sáng. Lễ phẩm chính là trâu trắng mổ nguyên tươi.
Lễ rước kiệu được triển khai sau tế đến giờ Ngọ: rước kiệu Thành Hoàng Làng ở miếu hạ Khe Chàm, Cầu Có và miếu giáp thượng đồi Pù Ả xóm Lẫm. Rước kiệu Mẫu (mẹ) từ đền qua sông Hồng sang miếu Ghềnh Ngai (xã Tân Hợp huyện Văn Yên) thăm Đức Ông. Hai kiệu gồm kiệu Mẫu và kiệu Báo (con) bao sái thanh khiết, trang trí đẹp. Lúc Kiệu đi, đông đảo tín nữ Kinh - Tày bao quanh kiệu khấn chúc hai mẹ con Mẫu "Thăm đức Ông" mừng vui trọn vẹn. Trống dong cờ mở, bát âm tấu nhạc. Bốn thiếu nhi Tày thắt lưng đỏ cầm cờ múa đi trước. Thiếu nhi ngoài cuộc được già làng động viên reo hò khích lệ "Vua Me"- "Vua Báo" (Vua mẹ, Vua con). Một thuyền đinh lớn hoặc một bè lớn túc trực dưới sông đón kiệu. Đến mép nước Kiệu Vua con ở lại trên bờ, chỉ kiệu Vua mẹ xuống thuyền sang Ghềnh Ngai. Toán người gồm thổ đạo, mo đền, trung hội, tín nữ, người cầm lọng kiệu.... Tới nản đá Ghềnh, để kiệu Mẫu ở dưới thuyền, thổ đạo mo, và các thành viên lên tảng đá thắp hương khấn tiếng Tày xen tiếng Kinh; " Nhân ngày... bàn dân đề tử chúng con rước Mẫu sang với Đức Ông..Vậy mong ngài....” sau đó xin âm dương bằng hai đồng tiền kẽm để nài Đức Ông chấp nhận rồi xuống thuyền trở về. Lễ diễn nửa giờ, tới bờ, kiệu Mẫu khiêng khỏi thuyền cùng kiệu Con rước vào đền. Bốn trẻ vẫn đi trước múa cờ mừng nhưng đám trẻ ngoài không hò reo nữa. Đồng bào Tày Đông Cuông và các vùng lân cận quan niệm đây là "lễ cưới lại" của Mẫu với Đức Ông mà hậu duệ phải đứng ra tổ chức. Múa dân tộc cử hành lúc kiệu rước từ đền ra bờ sông (để sang Ghềnh Ngai). Múa được đàn tính và nhạc chùm đệm, phần nhiều do bà con Tày đảm nhiệm. Ngoài ra còn có ném còn, "tức Xiến" (đánh yến), đánh vật; hát chèo, diễn tích Lưu Bình Dương Lễ; chào mừng chúc đàn anh chức dịch và toàn dân thu hoạch lúa tốt, gia súc đầy chuồng, bình an khoẻ mạnh./.
Theo Cổng thông tin điện tử Yên Bái