song
Văn hóa ẩm thực các dân tộc: Một tài nguyên để khai thác phát triển du lịch
Ngày xuất bản: 22/08/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 41331

 Mấy năm gần đây, Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải ngày càng đông vui nhộn nhịp. Du khách khắp nơi trong cả nước ùn ùn kéo lên Mù Cang Chải du lịch cả tháng trời. Sự vào cuộc của truyền thông đã giúp khá đông du khách biết đến miền danh thắng nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang óng ả, tầng tầng, lớp lớp như sóng vàng vươn lên trời cao. Nhiều du khách sau lễ hội rất háo hức chờ đón mùa hội năm sau và cho biết: Họ đến với Mù Cang Chải không chỉ để đi chụp ảnh ruộng bậc thang mà còn được qua miền Tây Bắc để hòa vào không khí của Hội khèn, chợ phiên. Đặc biệt là để thưởng thức món thịt trâu khô vùi than nhắm với rượu ngô, món nếp thơm Tú lệ ăn với thịt lợn đen, món ếch núi xáo măng chua mà nơi phố thị chẳng thể có được. Không chỉ là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh như: Danh thắng cấp Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà với hơn ngàn hòn đảo xanh, vùng chè tuyết Shan Suối Giàng cổ thụ độc đáo, vùng non xanh nước biếc Vân Hội mà Yên Bái còn có những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Trong đó những món ăn vô cùng độc đáo gắn với phong tục tập quán và văn hóa ẩm thực của 30 dân tộc anh em, là những tài nguyên quý giá để khai thác, phát triển du lịch.

Bữa cơm của người Thái

Văn hoá ẩm thực ở Yên Bái rất đa dạng, phong phú, mỗi vùng đều có nét đặc trưng riêng. Vào vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò du khách không chỉ được hòa  mình vào những đêm hội xòe đắm say mà còn  được thưởng thức món xôi ngũ sắc, cá sỉnh nướng, thịt trâu hun khói, rêu đá, "tôm bay", bọ xít chiên giòn. Các món ăn đều mang theo hương vị sông suối, núi rừng, được chế biến thủ công và đặc biệt không sử dụng các chất phụ gia công nghiệp. Riêng việc chế biến món rêu đá suối cũng tương đối cầu kỳ. Vào mùa mưa rêu mọc dài, xanh cả đá suối. Bà con lội suối thu hái về  rửa và đập kỹ cho hết sạn rồi bắt đầu chế biến với các loại gia vị là Mắc kén, hành, ớt, gừng, sau đó bọc lá chuối, lá dong đem nướng trên bếp  than củi hoặc xào, nấu canh đều được cả. Món “tôm bay” được chế biến từ loại muôm muỗn thường sống ở những thửa ruộng hoặc ven suối. Khi rang bà con thường nêm gia vị thơm nên rất hấp dẫn. Làm món bọ xít chiên giòn cũng không khó. Bọ xít sao qua cho vàng rồi đem vặt bỏ đầu, cánh, rút ruột rồi đem chiên với dầu hoặc mỡ. Hoàn toàn không phải ướp bọ xít với gia vị gì. Khi ăn, đổ dầu lưng chảo, rồi xúc bọ xít vào rá sắt, nhúng vào dầu sôi một lát, rồi nhấc ra đĩa là xong. Gia vị ăn kèm bọ xít chỉ có lá chanh, thường được thái chỉ rắc lên trên và thêm một chút nước cốt chanh. Thịt con bọ xít đã mang đủ các vị cay, mặn, ngọt… Xôi ngũ sắc - một món ăn đặc trưng của Mường Lò được chế biến với 5 màu sắc đại diện cho ngũ hành tương sinh và  tương khắc của vũ trụ, gồm màu đỏ, xanh, tím, đen, vàng. Các màu sắc đều được tạo ra từ các loại lá và củ tự nhiên trông rất hấp dẫn. Riêng gạo làm xôi phải là loại gạo Nếp Tan trồng ở vùng đất Tú Lệ vừa dẻo vừa thơm nức. Ai đã một lần thưởng thức khó có thể quên được hương vị .

Nhiều khi người dân bản địa quá quen với các món ăn truyền thống của dân tộc mình thì coi các món ăn ấy rất đỗi bình thường, song với  những du khách ở một vùng văn hóa khác biệt thì  các món ẩm thực ấy còn thể hiện bản sắc văn hóa các dân tộc mà họ muốn khám phá, tìm hiểu. Không ít người còn muốn trải nghiệm việc tìm kiếm nguyên liệu cũng như tham gia chế biến món ăn.

Đến với vùng hồ Thác Bà du khách sẽ được thưởng thức  các món  được chế biến từ các loài cá hồ như: Cá măng, cá bống, cá thiểu gù, cá nheo, cá vược… Lênh đênh trên thuyền vừa ngắm trăng, vịnh thơ vừa nhâm nhi ly rượu với món cá hồ hấp lá thơm chắc hẳn bạn sẽ thấy cuộc sống thanh bình và thi vị hơn.

Món dế mèn chiên giòn

Ngược lên phía Bắc là ta về vùng đất ngọc Lục Yên - Nơi quần cư của các dân tộc Tày, Nùng, Dao có nét văn hóa ẩm thực khá phong phú. Bà con các dân tộc vùng này có thể tự hào giới thiệu về món thịt chua cơm đỏ có một không hai của người Tày Lâm Thượng, món gỏi cá bỗng trộn rau rừng - Một loại cá đặc sản sống ở khe suối nơi có vùng nước chảy mạnh và trong lành, hay có thể thưởng thức món trám kho cá, trám ỏm, thịt dê núi đá, bánh chuối. Và nếu đến đất ngọc đúng vào lúc giỗ vụ thì những vườn cam sành, quýt sen chín mọng, trĩu cành vừa thơm vừa ngọt sẽ hút hồn du khách. Rồi còn hồng không hạt, khoai tím, gà trống thiến, mọc vịt bầu đều là những món đặc sản thưởng thức một lần để nhớ mãi. Yên Bái còn có chè Shan tuyết Suối Giàng Văn Chấn, rượu Sơn tra, rượu thóc La Pán Tẩn, mật ong rừng Mù Cang Chải, măng ớt Trạm Tấu… tạo nên nét khác biệt đặc trưng riêng có của một vùng đất.

Phong cảnh hữu tình, món ăn độc đáo, đây là những lợi thế để Yên Bái khai thác, phát triển du lịch. Tuy nhiên các ngành chức năng cần phối hợp với từng  địa phương xây dựng được các tour du lịch văn hóa ẩm thực gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Nâng tầm các món ăn truyền thống lên thành nghệ thuật ẩm thực qua tham quan khâu chế biến và tham dự thưởng thức. Tổ chức tốt việc giới thiệu, quảng bá về văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc trong các lễ hội để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

    Sao Mai

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải