Ngày 12/4, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã diễn ra Hội nghị lần thứ 2 Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI. Chương trình nằm trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội, công tác thi đua khen thưởng năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Báo cáo về công tác kiểm tra năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Trưởng Ban Kiểm tra chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Hội Nhà báo Việt Nam, là năm mà bộ máy công tác kiểm tra từ Trung ương đến cơ sở được củng cố và tiếp tục hoàn thiện. Hệ thống kiểm tra đã chú trọng công tác can thiệp bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo được chủ động và đạt kết quả cao. Xử lý nghiêm các trường hợp nhà báo, hội viên vi phạm pháp luật, Điều lệ Hội và Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Quang cảnh Hội nghị.
Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam trong các cuộc họp giao ban hàng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã có những ý kiến đóng góp về công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo, tạp chí tham dự; nhắc nhở phê bình đối với các cơ quan báo chí khi có dấu hiệu sai phạm về tôn chỉ mục đích, Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đồng thời cũng biểu dương, khen ngợi các cơ quan, báo, tạp chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền của ngành, tổ chức mình, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, làm tốt công tác quản lý phóng viên, nhà báo, đặc biệt là các phóng viên thường trú ở các địa phương.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng xử lý vi phạm, với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng, Ban Kiểm tra đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh báo chí thông tin sai sự thật, vi phạm Luật Báo chí, 100% đơn thư nói trên đã được nghiên cứu phân loại và xử lý. Khi có kết luận của các cơ quan chức năng, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp đều xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các cá nhân hội viên, nhà báo có sai phạm.
Trong năm 2022, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 10 vụ việc liên quan đến 12 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên, hội viên vi phạm pháp luật.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Trưởng Ban Kiểm tra chuyên trách đã báo cáo về công tác kiểm tra năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023,
Đồng thời, xác định công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, năm 2022, Ban Kiểm tra luôn kịp thời bày tỏ ý kiến và kiến nghị quyết liệt các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ việc cản trở quyền hành nghề hợp pháp của hội viên - nhà báo.
Trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, Ban đã trực tiếp gửi công văn can thiệp, tham mưu lãnh đạo Hội ký 14 công văn can thiệp đối với những vụ việc phức tạp, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn thông tin.
Về nhiệm vụ trọng tâm của Ban Kiểm tra trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, Ban sẽ tham mưu và đề xuất với Lãnh đạo Hội về việc kiện toàn nhân sự Ban Kiểm tra. Chủ động, tích cực, hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức trách góp phần nâng cao ý thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân của người làm báo Việt Nam. Bám sát chương trình hoạt động của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam (Khóa XI), tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Kiểm tra ở các cấp Hội, tăng cường hoạt động kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ quy định trong Điều lệ.
“Đặc biệt, thời gian tới Ban sẽ phát huy vai trò của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, ngăn chặn, xử lý các vi phạm đạo đức nghề nghiệp ngay từ cơ sở; ngăn ngừa, hạn chế tối đa các vi phạm pháp luật trong tác nghiệp của hội viên. Chú ý việc thực hiện quy định về sinh hoạt của hội viên thường trú, nhà báo với mạng xã hội, việc sử dụng thẻ nhà báo, hội viên”, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn thông tin.
Nhà báo Tạ Bích Loan - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam - Trưởng Ban VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ ý kiến tại Hội nghị.
Nhấn mạnh đạo đức báo chí đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay, nhà báo Tạ Bích Loan - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam - Trưởng Ban VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần có sự hợp tác và công khai. Nhà báo Tạ Bích Loan nêu ý kiến, trên Cổng thông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam nên có một mục nhỏ cho Ban Kiểm tra đưa ra các trường hợp vi phạm cũng như những mô hình hay. Phát huy vai trò của Ban Kiểm tra các cấp, hướng dẫn các đồng chí phụ trách địa bàn sử dụng công nghệ số kết nối dữ liệu - tạo ra sức mạnh dư luận của sự công khai. Đặc biệt các cấp hội phải báo cáo thông tin thường xuyên.
Chúng tôi đã có đề xuất các cấp hội, Ban Kiểm tra thống nhất và đề nghị Thường vụ Hội tổ chức Hội nghị công tác kiểm tra, lấy tên là Vì môi trường báo chí xanh - tạo ra môi trường báo chí lành mạnh có văn hoá. Kiến nghị ban hành Bộ tiêu chí Báo chí xanh dựa trên các quy định đạo đức người làm báo - từ đó xếp hạng các cấp hội nhà báo.
"Hợp tác và công khai thông tin, đề cao tính chủ động tự kiểm tra trong đó có sự đóng góp của các cấp hội và các hội viên sẽ nhân rộng được sức mạnh. Cùng với đó, công nghệ số cũng là một công cụ vượt trội để Ban Kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình", nhà báo Tạ Bích Loan cho biết.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao những kết quả Ban Kiểm tra đã đạt được trong năm vừa qua, đồng thời mong muốn vấn đề nhân sự của Ban Kiểm tra sẽ được kiện toàn và bổ sung để thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, kịp thời trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tăng cường hơn nữa sự tham mưu với Thường trực Hội xử lý các mâu thuẫn nội bộ tránh để bùng lên thành vụ việc phức tạp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Khải, Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách công tác kiểm tra, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân mong muốn Ban Kiểm tra sẽ tham mưu và đề xuất với Lãnh đạo Hội về việc kiện toàn nhân sự. Đồng chí Phạm Khải nhấn mạnh thời gian tới, Ban thực hiện kiểm tra, rà soát giải quyết dứt điểm, kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng. Thường xuyên đôn đốc, nắm bắt thông tin về tình hình khiếu nại tố cáo ở các cấp Hội để có giải pháp xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát ở cơ sở để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nhà báo. Kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm góp phần đưa cơ quan báo chí phát triển đúng hướng.
Theo Nhà báo và Công luận
CÁC TIN KHÁC