song
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng và vai trò của báo chí
Ngày xuất bản: 29/06/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6402

  Sự nới rộng của không gian mạng cùng những tiếp xúc từ sớm với các thiết bị kết nối Internet đã đặt ra các mối lo ngại về việc bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức xâm hại, đồng thời tạo dựng môi trường mạng an toàn. Báo chí đóng một vai trò trụ cột trong nhiệm vụ bảo vệ trẻ em giữa kỷ nguyên số hiện nay.

Không gian ảo, rủi ro thật

Không gian mạng xuất hiện mang đến những lợi ích cho toàn xã hội, trong đó, các trẻ em cũng được hưởng lợi từ nhiều chương trình học tập, giải trí thú vị, mang đến kiến thức phục vụ học tập, mở rộng và nâng cao kiến thức cũng như mở mang thế giới tri thức, tạo kết nối để các em có thể nhìn ra thế giới và lựa chọn những môi trường phù hợp. Tuy nhiên, do chưa được kiểm soát quá chặt chẽ và gắt gao, không gian mạng vẫn là nguồn dữ liệu “thượng vàng, hạ cám”, mà ngày càng có nhiều nội dung tiêu cực, ẩn chứa những rủi ro tiềm ẩn đối với trẻ em - thế hệ chưa biết cách tự bảo vệ mình và chọn lọc thông tin.

Một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho thấy, có 96,9% trẻ em sử dụng mạng Internet. Theo báo cáo của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội tại hội nghị tập huấn nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông về công tác trẻ em năm 2022, ngày 28/6, một số các em nhỏ bị dụ dỗ gửi ảnh/video về bộ phận nhạy cảm, bị đề nghị cho tiền hoặc quà để đổi lấy hình ảnh nhạy cảm; thậm chí một bộ phận trẻ bị đề nghị cho tiền để thực hiện hành vi tình dục… Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, hầu hết các trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực và có dấu hiệu bị xâm hại trên không gian mạng không tiết lộ ai là thủ phạm. 

 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em phát biểu tại buổi tập huấn_Ảnh: PV. 

“Trong những trẻ tiết lộ, hầu hết nói rằng thủ phạm là người lạ, một số đề cập bạn trưởng thành hoặc bạn cùng trang lứa với các em. Việc trẻ không muốn nói ra thủ phạm, nhiều khả năng là lo sợ về tính bảo mật hoặc sợ hậu quả”, ông Đặng Hoa Nam cho biết.

Bên cạnh những giá trị tích cực như giúp các em tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu với nhiều người, chia sẻ tình cảm, thông tin, internet và mạng xã hội cũng gây ra những tác động tiêu cực cho trẻ em. Các em tiếp cận với thông tin giả, tin xấu độc từ khi chưa có đủ kiến thức; dễ nghiện mạng xã hội…

Từ khi thành lập cho đến hết tháng 6 năm 2023, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 5.414.970 cuộc gọi đến với 471.224 cuộc gọi được hỗ trợ, can thiệp cho 9.702 ca trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, mua bán, bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em.

Trong số đó, trong năm 2022, Tổng đài 111 tư vấn 398 cuộc gọi và can thiệp 21 trường hợp liên quan đến việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ trên không gian mạng

Hiện nay, hệ thống các thiết chế pháp luật bảo vệ trẻ em khá hoàn thiện, với sự phối hợp của Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật Trẻ em (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016) và Luật An ninh mạng (2018). Cùng với đó là các Nghị định hướng dẫn, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, kế hoạch liên ngành,… nhằm tạo nên không gian an toàn nhất cho trẻ em được sinh hoạt và phát triển.

 

Toàn cảnh buổi tập huấn_Ảnh: PV. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 phê duyệt chương trình bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.

Tuy vậy, để các thiết chế pháp luật được thực hiện triệt để và hiệu quả, cần sự phối hợp của cả gia đình, nhà trường, xã hội cũng như cả hệ thống truyền thông.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, ý thức về những rủi ro đối với trẻ trong cả môi trường truyền thống và môi trường số cần phải được nhắc đi nhắc lại mỗi ngày, tạo thành một lối mòn trong tư duy, từ đó mới có thể tạo nên hàng rào bảo vệ hiệu quả. Từ kiến thức, nhận thức, các em sẽ hình thành nên kỹ năng ứng xử, kỹ năng phù hợp trên môi trường mạng; từ các hành vi văn hóa đến những hành vi cảnh giác như tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

 

Nhiều dự án được thực hiện nhằm hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và bóc lột trên không gian mạng_Ảnh: Plan Vietnam. 

Về vấn đề này, tổ chức Plan International cũng đã phát triển các dự án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, tổ chức mô hình hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và bóc lột trên không gian mạng dựa vào cộng đồng tại tỉnh Quảng Bình và Kon Tum; dự án tăng cường kiến thức và kỹ năng an toàn trên không gian mạng nhằm bảo vệ thanh thiếu niên khỏi các hình thức bạo lực giới, tảo hôn và buôn bán người tại Hà Giang... Với các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trẻ em và thanh thiếu niên trên không gian mạng; huy động sự tham gia tích cực của cha mẹ, cộng đồng và nhà trường để phòng, chống bạo lực giới trên môi trường mạng… tổ chức Plan đã đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong việc tạo dựng nên hàng rào bảo vệ trong nhận thức cho chính các em.

Vai trò của báo chí

Là một trong những trụ cột của hoạt động truyền thông về công tác trẻ em, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phát hiện, tố giác và ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em trong cả môi trường truyền thông và không gian mạng.

Theo ông Đặng Hoa Nam, hoạt động của một số nhà báo cùng sự phối hợp liên ngành đã giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều trường hợp xâm hại trẻ em trong thời gian dài. Cục Trẻ em cũng mong muốn thông qua các cơ quan báo chí, đài truyền hình cùng các nhà báo có tiếng nói, để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo vệ trẻ em.

 

Hoạt động báo chí đóng vai trò lớn trong hoạt động truyền thông, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng_Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, việc đăng tải hình ảnh và các thông tin liên quan đến trẻ em trong hoạt động báo chí cần được nghiêm túc nhìn nhận và thực hiện. Tại hội nghị tập huấn, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết cơ quan này đã tiến hành thanh tra và kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về tỷ lệ chiếu phim dành cho trẻ em tại một số đài phát thanh và truyền hình địa phương, từ đó kịp thời chấn chỉnh các đài thực hiện tăng cường thời lượng phát sóng cho trẻ em đúng quy định.

Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng quy định những yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em, trong đó nên rõ các trường hợp cụ thể về việc sử dụng hình ảnh trẻ em cũng như thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.

Với khả năng tiếp cận cùng vai trò của mình đối với sự phát triển tư tưởng văn hóa - xã hội, các cơ quan báo chí cần nêu cao trách nhiệm trong hoạt động truyền thông bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, mang đến luồng nhận thức tích cực cho gia đình, xã hội cũng như khéo léo trở thành người bạn, người bảo vệ của trẻ em.

Theo Người làm báo điện tử

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải