song
Bước phát triển mới của Giải Báo chí Quốc gia
Ngày xuất bản: 22/06/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 12877

 Để hiểu rõ hơn về chất lượng tác phẩm tham dự mùa Giải Báo chí Quốc gia năm nay, Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi ngắn với một số thành viên giám khảo Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV.

Các tác phẩm được lựa chọn vào chung khảo Giải Báo chí Quốc gia luôn là những tác phẩm xuất sắc, thể hiện trách nhiệm, tinh thần lao động sáng tạo, sự dấn thân của các nhà báo, được đầu tư công phu… Để hiểu rõ hơn về chất lượng tác phẩm tham dự mùa Giải Báo chí Quốc gia năm nay, Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi ngắn với một số thành viên giám khảo Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV.

Hội đồng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV, đánh giá các tác phẩm ở nội dung truyền hình. Ảnh: Sơn Hải

 

Nhà báo Hà Đăng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng,  nguyên Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân:

"Mùa giải năm nay đánh dấu bước phát triển mới của Giải Báo chí Quốc gia"

Năm nay tôi cho rằng là năm đánh dấu bước phát triển mới của Giải Báo chí Quốc gia. Số lượng của các bài được tuyển chọn từ sơ khảo đến chung khảo số lượng nhiều hơn, thậm chí là nhiều hơn các kỳ trước. Số lượng ở đây đánh giá sự tham gia tích cực của các thành viên, từ Hội Nhà báo các địa phương đến các Liên Chi hội, Chi hội. Chất lượng của các bài dự thi cũng có bước phát triển, tập trung vào những vấn đề nóng, sôi nổi nhất ở trong dư luận.

Những sự kiện lớn nhất của Đảng, Nhà nước và xã hội được nêu nổi bật, báo chí đã tập trung đề cập, khai thác, phân tích sâu. Nhiều mùa giải trước kia chưa tìm ra được giải đặc biệt, thì năm nay đã có một giải đặc biệt.

Khi nghiên cứu các tác phẩm tham dự giải tôi thấy rằng điều quan trọng đối với  người làm báo là có thông tin và sử dụng thông tin đó như thế nào. Đằng sau mỗi tác phẩm, tác giả phải thể hiện bản lĩnh chính trị của người phóng viên, đạo đức người làm báo và điều thứ 3 là nghiệp vụ phải tinh thông, không thể cứ thể hiện theo cái cũ. Cuối cùng là sự rèn luyện bản thân của đội ngũ người làm báo, trong đó kể cả người lãnh đạo các cơ quan báo chí lẫn phóng viên, kể cả cộng tác viên, làm sao tạo thành một hệ thống về tổ chức báo chí lớn mạnh, thống nhất. Muốn có nền báo chí mạnh phải có những cơ quan báo chí mạnh, mà muốn cơ quan báo chí mạnh thì phải có đội ngũ người làm báo mạnh.

Ngoài ra, việc dấn thân của các nhà báo cũng cần được coi trọng, các cơ quan nên khuyến khích anh em đi vào cuộc sống, cống hiến và tìm thấy những thông tin giá trị.

Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam:

"Mùa giải năm nay thành công nhưng sự bứt phá chưa rõ ràng"

Tôi thấy chất lượng mùa giải báo chí năm nay so các năm trước vẫn đạt được thành công, nhưng nói về sự bứt phá thì chưa rõ ràng. Điều này đòi hỏi người làm báo nhất là đội ngũ phóng viên phải luôn đổi mới, đổi mới mạnh mẽ hơn. Chúng ta đang đứng trước những thời cơ tốt là ứng dụng khoa học công nghệ, điều kiện về kinh tế báo chí cũng tạo điều kiện để anh em phát triển. Tuy nhiên cũng đối diện với nhiều thách thức đó là mạng xã hội, các phương tiện truyền thông khác cạnh tranh thông tin với người làm báo. Nhưng bất cứ vấn đề gì lớn nhất của đất nước, khán giả công chúng đều muốn có thông tin sớm nhất, chính xác nhất từ báo chí.

Như các vấn đề lớn của năm 2020 là lũ lụt, thiên tai lớn ở miền Trung, khô hạn ở miền Bắc, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, khô hạn ở Tây Nguyên… tình hình dịch bệnh trong nước kéo dài, là những đề tài đòi hỏi người làm báo phải tìm tòi sáng tạo. Quan trọng là người làm báo phải tiếp cận thực tiễn, đề ra các giải pháp như thế nào đó mới là năng lực, tài năng của người làm báo và cơ quan báo chí.

Tôi lấy ví dụ như vấn đề biển Đông, một vấn đề lớn đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đấu tranh như thế nào? Người làm báo cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền hiệu quả, trước hết là trang bị cho người dân nhận thức về niềm tự hào, tự tôn dân tộc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền độc lập, chủ quyền lãnh thổ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc…

Hay vấn đề xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, rừng ở Tây Nguyên vẫn mất, diện tích rừng ngày càng thu hẹp… cần phải nêu ra những giải pháp rõ ràng làm thay đổi theo hướng tích cực.

Báo chí phải cần có sự hợp lực với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Họ giúp chúng ta lý giải, hiến kế. Các ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, nghiên cứu khoa học tất cả phải hợp lực với báo chí truyền thông mới giải quyết được những vấn đề đặt ra.

Về chất lượng tác phẩm tham dự giải báo chí năm nay, tôi đánh giá sản phẩm báo chí ở Trung ương có sự khác biệt với các cơ quan báo chí địa phương. Sự khác biệt này nếu không có cách để giải quyết sẽ tạo ra khoảng cách. Thứ nhất anh em báo chí ở địa phương có rất ít bài viết về chống tiêu cực ở địa phương mình. Điều này các cơ quan báo chí ở Trung ương có lợi thế hơn.

Qua các tác phẩm tham dự giải, tôi thấy rằng ở nơi nào mà cơ quan báo chí hay Hội Nhà báo tỉnh, thành nào chăm lo chuyện bồi dưỡng nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, kỹ năng làm báo hiện đại, đạo đức nghề nghiệp cho anh em thì nơi đó có chất lượng báo chí tốt.

Nhà báo Phan Hữu Minh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam:

"Mùa giải năm nay, tính cập nhật của báo chí còn chưa cao…"

Năm nay có 1.823 tác phẩm vẫn giữ vững được chất lượng, không kém đi cũng không phát triển nhiều. Theo điều lệ của Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia chọn ra được 150 tác phẩm vào chung khảo và cơ bản là Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn tương đối chính xác. Số lượng loại ra lên đến 1.673 tác phẩm không được vào vòng trong, chúng tôi thấy xót xa về số lượng tác phẩm bị loại này, do số lượng giải còn ít.

Về nội dung các tác phẩm tham dự, các vụ việc thiên tai lớn như: sạt lở đất tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67; sạt lở ở huyện Hướng Hóa; xã Trà Leng, Trà Vân; xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam… được đưa vào các tác phẩm báo chí.

Tuy nhiên có thể do điều kiện tác nghiệp của các báo địa phương khó khăn nên việc phản ánh chưa sâu. Trong khi tính nhanh nhạy và điều kiện của các báo Trung ương lại tốt hơn nên chất lượng tác phẩm cao hơn. Hay như việc phản ánh các vấn đề tiêu cực ở báo địa phương cũng không có nhiều.

Cũng phải góp ý thêm rằng, năm 2020 không chỉ có phòng chống bão lũ, phòng chống dịch mà còn nhiều lĩnh vực khác. Như Đại hội Đảng các cấp, vấn đề đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống lại không xuất hiện nhiều trong giải năm nay. Chứng tỏ tính cập nhật của báo chí còn chưa cao...

Tôi suy nghĩ, năm 2020 đánh dấu bước kết thúc 3 nhiệm kỳ (15 năm), Giải Báo chí Quốc gia cũng phải nhìn nhận lại để có cách triển khai tốt hơn. Tôi thấy những năm gần đây có sự mặc cảm, tự ti, thậm chí không muốn tham gia hay tham gia cho xong chuyện, điều đó cũng ảnh hưởng tới giải.

Vào nhiệm kỳ tới, công tác tổ chức giải, công tác giám khảo cũng cần điều chỉnh lại cho hợp lý. Tôi nghĩ nên thay đổi một chút, như là các Hội Nhà báo địa phương, các bộ ngành có quyền thẩm định, tổ chức Hội đồng giải báo chí cấp tỉnh, ngành họ, lựa chọn vài tác phẩm để đưa lên Trung ương lựa chọn giải A, B, C… như vậy sẽ tránh được việc bỏ sót những tác phẩm hay. Hội Nhà báo các địa phương vẫn duy trì lựa chọn những tác phẩm báo chí xuất sắc ở địa phương mình. Nếu có Hội đồng Giải Báo chí tỉnh sẽ giải quyết được vòng sơ khảo của Giải Báo chí Quốc gia.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải