song
Cần tạo “miễn dịch” trước những thông tin xấu độc trên mạng xã hội
Ngày xuất bản: 03/08/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 12200

 Thời gian gần đây, trên không gian mạng, các thế lực thù địch không ngừng có những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo để chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ quân đội với nhân dân, phủ nhận vai trò của quân đội ta. Điển hình là vụ việc liên quan đến quân nhân Trần Đức Đô và công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, các trang mạng xã hội đã có nhiều bài viết xuyên tạc bản chất vụ việc. Những thông tin này gây dư luận xấu và tâm lý hoang mang cho nhiều người dân. Những tin giả, thông tin bịa đặt trên mạng xã hội như những liều “ thuốc độc” gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Và để tránh loại “ thuốc độc” này, người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao nhận thức để tạo “ miễn dịch” trước những thông tin xấu độc.

Một số luận điệu xuyên tạc về vụ việc quân nhân Trần Đức Đô (ảnh chụp trên Fanpage phản động Việt Tân)

 Vụ việc quân nhân Trần Đức Đô tử vong có tới 4 cơ quan cùng điều tra gồm Phòng Điều tra hình sự Quân khu 1, Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng), Công an tỉnh Thái Nguyên và Viện Pháp y Quân đội. Thế nhưng, trên không gian mạng, bất chấp kết quả điều tra, các luận điệu sai trái, xuyên tạc không ngừng công kích nhằm bôi nhọ quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động lợi dụng các diễn đàn, truyền thông, mạng xã hội để livestream, đăng tải các bài viết, hình ảnh về vụ việc kèm theo những bình luận nhằm chia rẽ mối đoàn kết, bóp méo bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta. Đáng chú ý, nhiều ý kiến phân tích, bịa đặt thông tin cho rằng “chỉ huy đơn vị đã thông tin sai lệch cái chết của Đô từ đột quỵ trên thao trường, bệnh chết và tự tử do xung đột, đánh nhau với đồng đội”, ”, “Quân đội đã bao che cho cấp dưới”; … từ đó chúng quy chụp “Quân đội không có tình người, đánh đạp, giết hại tàn nhẫn nhau”, “ma cũ bắt nạt ma mới”, kích động người dân không tin, không theo Đảng, Quân đội, “không cho con em mình gia nhập Quân đội”. Những thông tin trên là hoàn toàn xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động hận thù, gây chia rẽ mối quan hệ Quân - Dân, xuyên tạc bản chất, truyền thống Quân đội và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thực tiễn qua hơn 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thàn, Quân đội Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với nhân dân. Trong thời chiến, những người lính  đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, và trong thời bình,  các anh luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thời gian qua, cán bộ, chiến sỹ toàn quân luôn là 1 trong những lực lượng nơi tuyến đầu phòng dịch. Phục vụ trong khu cách ly với nguy cơ cao về nhiễm dịch, nhường doanh trại cho các khu cách ly, nhiều người lính sẵn sàng ra ở nơi bìa rừng, lều lán ở  để bảo vệ sự bình yên cho người dân.

Có thể thấy, bản chất vụ việc về quân nhân Trần Đức Đô đã bị các thế lực thù địch bóp méo, lợi dụng để xuyên tạc. Do vậy, người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu và nhận thức rõ bản chất vụ việc, từ đó, có cái nhìn tổng thể, khách quan, chính xác nhất về bản chất vụ việc để không mắc mưu chia rẽ Quân đội với Nhân dân của các thế lực thù địch, càng không nghe theo đối tượng xấu xúi giục để có những phát ngôn, hành động gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật.

Không chỉ vụ việc liên quan đến quân nhân Trần Đức Đô, thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng đưa ra các quan điểm sai trái để chống phá Đảng, Nhà nước. Vào thời điểm cả nước đang gồng mình phòng, chống dịch Covid-19, một số đối tượng phản động, trang thông tin “lề trái” đã lợi dụng cơ hội này để tăng cường chống phá Đảng và Nhà nước, hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Những thông tin nhiễu loạn, sai lệch trên mạng xã hội đã khiến công tác phòng chống dịch của Việt Nam thêm khó khăn và phức tạp. Những xác chết la liệt ở  Indonesia nhưng lại được gán là ở Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh.....“ Bung”, “ Toang” ... những từ luôn được nhiều đối tượng sử dụng để nói về tình hình Covid-19 tại các địa phương... Các tin giả, thông tin xấu độc này không ngừng được lan truyền và phát tán trên mạng xã hội với hàng trăm nghìn lượt “thích”, “ chia sẻ”, “ bình luận”... không chỉ khiến dư luận vô cùng hoang mang mà còn khiến cho công cuộc phòng chống đại dịch của Việt Nam bị ảnh hưởng xấu.

Theo thống kê từ Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an), từ đầu tháng 7/2021 đến nay trên các trang đài báo nước ngoài (như BBC, RFA, Việt Nam thời báo...) đã có hơn 100 bài viết có nội dung liên quan đến dịch Covid-19. Chủ yếu các bài viết này xuyên tạc về công cuộc phòng chống dịch của Việt Nam, kích động để gây chia rẽ giữa người dân và chính quyền. Còn theo thống kê của Cục PT-TH và thông tin điện tử ( Bộ TT và TT), chỉ tính riêng năm 2020, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1000 trường hợp đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam, gỡ 11 tài khoản giả mạo Bộ Y tế và hơn 150 tin, bài xuyên tạc tình hình dịch bệnh. Tại Yên Bái, năm 2020, Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị xử lý 14 vụ với 15 đối tượng thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh với số tiền xử phạt là 130 triệu đồng.

Những ngày này, cả nước đang phải trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 khi biến thể Delta đang lây lan dịch với tốc độ nhanh và rất nguy hiểm.  Những khuôn mặt hằn vết vì đeo khẩu trang nhiều giờ, những bàn tay nhăn nheo, trắng bệch sau lớp găng cao su, những bộ đồ bảo hộ kín mít, bí bách trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm ... đó là hình ảnh của các y bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch. Không chỉ đối mặt với hiểm nguy, nhiều y bác sỹ phải xa gia đình, người thân trong suốt nhiều tháng liền để chống dịch. Không ngôn từ nào có thể kể hết những nỗi vất vả, nhọc nhằn của các nhân viên y tế trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Trong lúc cả nước căng mình phòng chống dịch thì nhiều đối tượng chỉ vì câu “like”, câu “view” đã tung tin thất thiệt. Do vậy, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những tin tức sai sự thật, xấu độc; cần tìm kiếm các nguồn thông tin chính thống, không để bản thân bị dẫn dắt, lợi dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm những người cố tình phát tán những thông tin sai sự thật, xấu độc, gây hoang mang dư luận.

Trước thực trạng nhiều thông tin xấu độc được phát tán trên mạng xã hội, ngày 17/6/2021, Bộ TT&TT có ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm mục đích tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. Theo Bộ quy tắc, 3 nhóm đối tượng áp dụng gồm: cơ quan nhà nước, cán bộ, công viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam. Trong đó, có 8 quy tắc ứng xử dành cho tổ chức, cá nhân; 3 quy tắc dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; 4 quy tắc ứng xử dành cho cơ quan nhà nước và 5 quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Theo ông Nguyễn Quốc Chiến, phó Giám đốc sở TT và TT, bên cạnh việc quán triệt sâu rộng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì việc nâng cao trách nhiệm, ý thức của người sử dụng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu tình trạng tin xấu, độc. Người sử dụng mạng xã hội cần được hướng dẫn cách sử dụng mạng an toàn, được cảnh báo kịp thời các rủi ro khi chia sẻ thông tin trên mạng. Để làm tốt việc đó, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền thì các cơ quan báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp cho người dùng mạng xã hội có thể điều chỉnh kịp thời hành vi của mình một cách đúng đắn; cơ quan báo chí không chỉ cung cấp thông tin hướng dẫn, cảnh báo rủi ro cho người dùng mạng xã hội mà còn là nơi cung cấp các thông tin chính xác, chính thống giúp cho người dùng có thể hiểu rõ về các sự việc, sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, nhân rộng, lan tỏa các hành vi ứng xử tốt đẹp nhiều hơn./.

Hải Đăng

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải