song
Câu chuyện lựa chọn, sử dụng chi tiết
Ngày xuất bản: 30/01/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 8324

 Làm báo, ai cũng bắt đầu bằng sự quan sát và thu thập thông tin. Quan sát giúp thu thập chi tiết và hình thành những nhận định, khái quát, tức là chủ đề để viết. Tuy nhiên, không phải viết bài báo chỉ bằng những nhận định khái quát, chung chung. Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ sự kiện. Sự kiện muốn được khắc họa, phải bằng chi tiết. Nhà báo muốn truyền thông điệp tới công chúng (phê phán, biểu dương, chia sẻ...) phải được thể hiện thông qua những chi tiết cụ thể, chi tiết đắt.

Vai trò của chi tiết trong tác phẩm báo chí

Trong cuộc thăm dò ý kiến độc giả của cố nhà báo Trần Quang Hải (Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2), trả lời câu hỏi “Các yếu tố nào quyết định chất lượng bài báo”, có tới 63,3 % số người trả lời cho rằng phải có “nội dung mới mẻ và có các chi tiết hay”. Còn đối với các nhà báo - chủ thể sáng tạo tác phẩm báo chí, hầu hết đều cho rằng, chi tiết là không thể thiếu đối với bất kỳ loại tác phẩm nào. Khi có chủ đề rồi thì vấn đề sống còn là phải tìm tòi cho được các chi tiết liên quan. Không có các chi tiết, chưa thể nói đến việc đặt bút để viết báo...

 

Nhà báo tác nghiệp_Ảnh: TL

Chi tiết là một phần hơi thở và sức sống của tác phẩm, tạo nên mối liên kết giữa ý tưởng và tư tưởng tác phẩm. Chi tiết càng sinh động, hấp dẫn, tác phẩm càng sống động, xúc động, có sức thuyết phục. Ngược lại, thiếu chi tiết, tác phẩm sẽ trở nên mờ nhạt, hời hợt. Hoặc chi tiết đơn điệu, trùng lặp, không tiêu biểu... sẽ làm cho bài viết dài dòng, thiếu hấp dẫn. Nhà báo Hải Đường, cây phóng sự của Báo Nhân Dân ví “Không có chi tiết, bài phóng sự như cây không lá”(1) (Nguồn: Đặc san Người làm báo Nhân Dân, Báo Nhân Dân số 4/2015). Bài báo hay dở, cái làm nên sự khác nhau giữa các nhà báo, phần lớn là từ các chi tiết mà họ khai thác và sử dụng. Nhiều khi công chúng nhớ chi tiết trong tác phẩm của nhà báo hơn là nhớ tới nhà báo, tờ báo.

Một số kinh nghiệm khai thác, lựa chọn và sử dụng chi tiết cho tác phẩm báo chí

Muốn khai thác chi tiết, phải chịu khó quan sát và ghi chép. Tuy nhiên, trước đó nhà báo phải có “phông” kiến thức đủ để phát hiện những điều không bình thường trong cuộc sống bình thường, phát hiện được những điều mà người khác không nhìn ra khi cùng tiếp cận. Hãy xem ý kiến các nhà báo về cách thức khai thác chi tiết.

Làm gì và làm như thế nào để có được các chi tiết “đắt”?

Trước khi đi thực địa, dứt khoát người làm báo phải đọc tài liệu, sách vở, tìm hiểu cả phong tục văn hóa, địa lý, đến cả truyền thuyết... Theo nhà báo lão thành Thái Duy, muốn có nhiều chi tiết, chi tiết hay, nhà báo phải sống trong đời sống, phải chịu khó đọc, phải đi, phải nghĩ, phải nghe, phải nhớ... Có chi tiết nào hay, phải “chộp” cho trúng và giữ lấy, rồi ngẫm nghĩ về nó. Nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng mất vào năm 28 tuổi nhưng đã để lại cho đời 10 cuốn sách, mỗi cuốn hàng trăm trang, đủ thấy ông “sống thọ” đến mức nào trong sự nghiệp!

Công phu đó chỉ có được nhờ có cả quá trình chịu khó đọc, chịu khó học từ nhiều người. Nhà báo - nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cho rằng: Một chi tiết bình thường nếu được đặt đúng chỗ, thì chi tiết đó từ chỗ là một “tiểu tiết” sẽ trở thành “đại tiết”. Có những chi tiết có tầm vóc và rất có giá trị, nhưng không được đặt đúng vị trí của nó sẽ trở nên những “tiểu tiết”, thậm chí trở thành chi tiết thừa.. Cây phóng sự Đỗ Doãn Hoàng thường có được chi tiết từ sự “dấn thân” vào vùng sự kiện - nơi có những vấn đề mà anh đang quan tâm và là những chi tiết làm anh hứng thú nhất. Nó có thể làm anh muốn khóc, làm anh bật cười, làm anh căm phẫn và thấy nó ám ảnh; thấy rồi có nhu cầu muốn kể cho người khác nghe, cho độc giả của mình.

Để có được chúng, người viết phải “lặn sâu”, “đào kỹ’ vào thực tế đời sống để cảm nhận hiện thực đó nhiều nhất có thể. Khi chưa có được những chi tiết tốt cho bài viết về một nhân vật, anh thường tìm cách đến với người đó, có thể ngủ với họ một đêm, ăn với họ một bữa cơm, thậm chí đi câu, đi buôn, đi đá bóng với họ... Từ đó, các chi tiết cứ như những vị khách không mời mà đến. Anh thường sử dụng cùng lúc trong bài phóng sự nhiều loại chi tiết khác nhau và hoàn toàn ngẫu hứng; nghĩa là bị sự kiện, sự việc, vấn đề và nhân vật lôi cuốn đi.

Nhà báo, nhà văn Minh Chuyên lại thường sử dụng các chi tiết cho bài viết một cách có chủ định. Do chủ động nên khi tiếp cận sự việc và nhân vật, ông thường lắng nghe để gợi các tình huống, tìm cách gợi chuyện để phát hiện những chi tiết hay và lạ. Gặp được chi tiết hay thì tập trung “xoáy” vào đó để chi tiết có chiều sâu, trở thành những chi tiết đắt giá. Trong tác phẩm bút ký “Cha con người lính” của Minh Chuyên (Cúp vàng 55 quốc gia tại Liên hoan phim tài liệu, tổ chức tại Bình Nhưỡng năm 2006), có hai chi tiết được đánh giá cao: Một là, hình ảnh ông bố (người bị nhiễm chất độc đi-ô-xin) ngồi đốt lá đơn mà trước đó ông đã dồn lòng căm giận kẻ gây ra cái ác, để viết nó. Nhưng rồi chính ông đã đốt nó, thay vì sự vô cảm là lòng nhân hậu của con người, để rồi thể tất cho kẻ thù của chính mình; hai là, chi tiết em bé Việt Nam khi được người Mỹ đưa sang Mỹ để lột tẩy chất độc trong cơ thể. Dù cơ thể em còn đầy vết đau với màu da lở loét, nhưng khuôn mặt đã lành, khi soi thấy gương mặt của chính mình, em đã thốt lên “Người Mỹ tốt quá!”.

Chi tiết đó đã nói lên một điều: nỗi đau và tội ác chiến tranh vẫn còn đó trên thân thể, nhưng hận thù trong em đã tắt. Quan trọng hơn là ở chỗ, trước những gì xảy ra với chính mình, cả những đau đớn, tuyệt vọng lẫn niềm vui mới đến, em đã hiểu, người Mỹ cũng có người xấu, người tốt, có những người rất tốt. Trong tâm hồn em, màu u ám đã và đang được thay thế bởi những màu sắc khác tươi sáng hơn. Con người ta nếu được sống trong yêu thương và tin cậy thì vẫn tốt hơn rất nhiều khi sống trong định kiến và hận thù... Cố gắng lấy tư liệu chi tiết càng nhiều càng tốt. Để khi ngồi trước trang giấy, có thể thỏa sức lựa chọn chi tiết trên những thông tin ngồn ngộn.

Sử dụng chi tiết và đạo đức nghề báo

Khai thác, lựa chọn và sử dụng chi tiết như thế nào, cũng đòi hỏi trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Đôi khi, vì những lý do này hay lý do khác, nhà báo buộc lòng phải bỏ đi những chi tiết “đặc biệt”. Chấp nhận điều đó cũng là một biểu hiện về trách nhiệm công dân và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Viết về một người lầm lỡ, phạm tội, nhà báo cũng cần nghĩ đến cha mẹ, gia đình họ, không nên đưa những chi tiết, những thông tin vi phạm bí mật đời tư cá nhân, có thể vô tình xúc phạm và làm tổn hại danh dự những người khác.

Đối với những vụ án xâm hại tình dục, nhất là đối với trẻ em, nhiều khi vì một vài chi tiết nhà báo kể lại, sự xâm hại lần thứ hai trên mặt báo còn nặng nề gấp nhiều lần sự xâm hại lần thứ nhất trên thực tế. Những chi tiết gây sự ám ảnh, mặc cảm,... có thể đẩy một con người đến chỗ bế tắc, tuyệt vọng. Vì vậy, trên phương diện đạo đức nghề nghiệp nhà báo, cần phải bỏ đi những chi tiết cần bỏ. Về nghiệp vụ báo chí, nhất thiết phải vận dụng sự hiểu biết thể loại báo chí, trong quá trình khai thác, nhất là trong lựa chọn chi tiết. Nghĩa là, việc lựa chọn chi tiết phải phù hợp với đặc điểm của từng thể loại. Mỗi thể loại báo chí có cách sử dụng chi tiết riêng. Có chi tiết chỉ dùng cho thể loại này mà không dùng được ở thể loại khác.

Mặt khác, cách khai thác, lựa chọn và sử dụng chi tiết cho tác phẩm báo in khác với cho báo nói, báo hình. Nếu chỉ chú trọng con số, tài liệu văn bản... như cách làm cho báo in, chắc chắn không phù hợp với cách tác nghiệp của báo hình là phải coi trọng hình ảnh, v.v... Còn việc sử dụng từ và chi tiết trong phát thanh lại đòi hỏi giàu hình ảnh, ngữ nghĩa. Điều này không chỉ có ý nghĩa về hiệu quả truyền tải thông thông điệp, mà còn là bài học về đạo đức làm báo. Bởi, một chi tiết phê phán về con người được mô tả bằng chữ viết trên báo in nhiều khi không tác động mạnh bằng chi tiết được mô tả bằng hình ảnh trên truyền hình, tác động đồng thời đến hàng triệu người xem.

Một chi tiết hay có thể làm lay động lòng người theo hướng tích cực. Ngược lại, một chi tiết độc, giật gân, thậm chí được mô tả quá mức, có thể giết chết một con người, có thể kích động xã hội. Trên thực tế, nhiều bài báo bị công chúng, bị các cơ quan, đơn vị phản đối chỉ vì một vài chi tiết không chính xác, chứ không phải vì toàn bộ nội dung. Chi tiết tồn tại khách quan, có ở khắp mọi nơi. Vấn đề là nhà báo có chịu khó thâm nhập thực tế, có con mắt quan sát tinh tế và cảm nhận được ý nghĩa xã hội của nó hay không.

Lời dạy của Bác Hồ đối với những người làm báo chí, văn chương từ trong kháng chiến chống Pháp vẫn nguyên giá trị: Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là: 1/ Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, chiến sĩ, nghe đồng bào; 2/ Hỏi: hỏi người đi xa về, hỏi nhân dân, bộ đội những việc, tình hình các nơi; 3/ Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy; 4/ Xem: xem báo chí, xem sách vở...; 5/ Ghi: những cái gì đã nghe, đã thấy, hỏi được, đọc được thì chép lấy để dùng mà viết... Muốn có tài liệu nhiều thì phải xem cho rộng”

Theo Tạp chí điện tử Người làm báo 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải