song
Chỉ cơ quan báo chí mới được sử dụng nền tảng mạng xã hội để đưa tin
Ngày xuất bản: 20/10/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 7185

 Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục PTTT&TTĐT (Bộ TT&TT), chỉ những cơ quan báo chí mới được sử dụng nền tảng mạng xã hội để đưa tin tức. Mọi tổ chức cá nhân sử dụng mạng xã hội để đưa tin tức đều đang sai phạm.

 

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục PTTT&TTĐT, Bộ TT&TT trả lời họp báo. Ảnh Khải Phạm.

Nghị định 71/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Trong đó, hàng loạt những điểm mới quy định về trách nhiệm và quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp nội dung trên Internet xuyên biên giới.

Theo đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, những đơn vị cung cấp dịch vụ VOD phải có trách nhiệm quản lý nội dung, nếu để xảy ra sai sót nghiệm doanh nghiệp sẽ bị xử phạt và có thể bị chặn việc cung cấp nội dung tại Việt Nam.

Nghị định 71/2022/NĐ-CP thay đổi quan trọng nhất từ việc cung ứng dịch vụ, ứng dụng phát thanh, truyền hình cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải được quản lý theo quy định của Nghị định.

Cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT sẽ phải chịu trách nhiệm biên tập, phân loại, biên dịch nội dung. Trong đó, với nội dung phim, đơn vị phải phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

Cũng theo đại diện Cục PTTT&TTĐT, những nội dung xuất hiện trên nền tảng số xuyên biên giới phải được biên tập, biên dịch phim kỹ lưỡng và phải đảm bảo tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt, nội dung không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Những đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép cung ứng dịch vụ nội dung xuyên biên giới trên internet, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Nghiêm trọng hơn với những sai phạm liên quan đến chủ quyền, lịch sử Việt Nam, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu các nhà cung cấp mạng ngăn chặn ngay nội dung vi phạm và tiến hành xử lý hành chính cũng như thu hồi giấy phép.

Không chỉ nội dung truyền hình, phim ảnh cần được kiểm duyệt, biên tập kỹ lưỡng mà Nghị định 71/2022/NĐ-CP cũng có những quy định về các chương trình tin tức. Theo đó, nhóm chương trình tin tức, thời sự, các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội; do cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch.

“Về nội dung tin tức, về cơ bản theo pháp luật báo chí, không cho phép cơ quan ngoài báo chí được làm, nếu có thì đang sai và sẽ được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật liên quan gồm cả Nghị định 72 và Nghị định 27.

Các tổ chức cá nhân sử dụng nền tảng Youtube, Facebook để cung cấp dịch vụ tin tức mà đối chiếu với định nghĩa Nghị định 06/2016/NĐ-CP và Nghị định 71/2022/NĐ-CP mà đó là dịch vụ phát thanh, truyền hình thì chắc chắn sẽ chịu sự điều chỉnh của cơ quan quản lý”, ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục PTTT&TTĐT, Bộ TT&TT khẳng định.

Cũng theo ông Yên, đối với những nội dung vi phạm trên nền tảng internet như phim, phát thanh, truyền hình (bao gồm cả Youtube và Facebook), các doanh nghiệp có giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính, nghiệm trọng sẽ bị thu hồi giấy phép. Đối với những doanh nghiệp không được cấp phép sẽ bị chặn dịch vụ.

Ngoài ra, Nghị định 71/2022/NĐ-CP còn thay đổi với nhóm chương trình thể thao: Doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ TT&TT và quy định của pháp luật liên quan, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nghị định cũng bổ sung các quy định để giảm thủ tục hành chính, định hướng trực tuyến háo các thành phần hồ sơ để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hướng dẫn cụ thể sẽ được Bộ TT&TT ban hành theo hình thức Thông tư.

Theo Dân Việt

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải