Theo đồng chí Lê Quốc Minh, mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ đầu tư, áp dụng phải phù hợp với tòa soạn, không nên chạy theo xu hướng thế giới. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh để có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.
Ngày 9/8, tại thành phố Hưng Yên, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên tổ chức hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí- Bài học và kinh nghiệm rút ra”. Tham dự hội thảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh đồng bằng và duyên hải Bắc Bộ...
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Chuyển đổi số báo chí - Bài học và kinh nghiệm rút ra”. Ảnh: Lệ Thu
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên Nguyễn Công Đán cho biết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi Số Báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,” với mục tiêu để các cơ quan báo chí làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng.
Chiến lược Chuyển đổi số (CĐS) báo chí cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, tất cả các cơ quan báo chí vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, 50% cơ quan báo chí tăng nguồn thu tối thiểu 20%. Do vậy, các cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí địa phương cần phải thay đổi, để bắt kịp với xu thế công nghệ, làm báo hiện đại.
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là vấn đề sống còn của các lĩnh vực trong đời sống xã hội và báo chí không nằm ngoài xu hướng đó. CĐS báo chí là để làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền.
Tuy nhiên, CĐS đối với báo chí không đơn giản chỉ là số hóa dữ liệu, nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí, mà là sự thay đổi toàn diện từ yếu tố con người, tổ chức bộ máy, quy trình sản xuất, phương thức tác nghiệp, chuyển đổi mô hình tòa soạn, cách thức tiếp cận bạn đọc, quản lý dữ liệu và cuối cùng là sản phẩm báo chí đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc, nhu cầu định hướng dư luận và để báo chí cạnh tranh với mạng xã hội.
Các đại biểu chia sẻ thông tin, vướng mắc và những kinh nghiệm để các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo thực hiện có hiệu quả quá trình CĐS như: Việc đào tạo, sử dụng nguồn lực phục vụ CĐS báo chí; đầu tư trang thiết bị phục vụ tác nghiệp và hệ thống hạ tầng số lưu trữ tư liệu, xử lý tin, bài; việc xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ...
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lệ Thu
Đại diện Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, khẳng định chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là xu thế tất yếu, việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, nghiệp vụ, tác nghiệp, sản xuất tin bài... Đại diện Đài PT-TH tỉnh Hưng Yên chia sẻ kinh nghiệm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ CĐS; cán bộ, phóng viên tác nghiệp, biên tập tin, bài thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin đến với khán giả. Đại diện Hội Nhà báo Hải Phòng đặt ra vấn đề quản lý đạo đức nghề nghiệp nhà báo thời công nghệ số. Lãnh đạo Báo Nam Định nêu những vướng mắc đối với báo Đảng địa phương khi thực hiện CĐS...
Tại hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này.
Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, không còn con đường nào khác là số hóa, chuyển đổi số.
Theo đồng chí Lê Quốc Minh, chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị đào thải. Vì vậy, chuyển đổi số phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo cơ quan báo chí, sau đó mới bắt đầu chuyển đổi công nghệ.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, mỗi cơ quan báo chí có cách chuyển đổi số khác nhau, công nghệ đầu tư, áp dụng phải phù hợp với tòa soạn, không nên chạy theo xu hướng thế giới. Điều quan trọng là tất cả cùng phải làm, vừa làm vừa điều chỉnh để có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.
“Báo chí không nên chạy đua thông tin với mạng xã hội, bởi báo chí có thế mạnh là khả năng kiểm chứng, kiểm định thông tin đa chiều, khả năng tạo ra những nội dung mang tính chuyên nghiệp. Chính lợi thế này sẽ giữ chân được độc giả, khán thính giả,” đồng chí Lê Quốc Minh lưu ý.
Theo Nhà báo và Công luận
CÁC TIN KHÁC