song
Chuyển đổi số báo chí là xu hướng tất yếu nhưng không có công thức chung
Ngày xuất bản: 18/10/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 6644

 Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, không phải là một bước đi. Quá trình này được thay đổi, điều chỉnh liên tục đòi hỏi tất cả các cơ quan đơn vị dù là báo chí hay tạp chí cần có chiến lược, có nhân lực, công nghệ để có những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ độc giả.

Mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, hướng tới độc giả trung thành

Độc giả báo chí ngày nay không chỉ có nhu cầu tiếp cận nhiều thông tin hơn mà còn cần nhanh, chủ động, tăng trải nghiệm, tính hấp dẫn. Vì vậy đòi hỏi mỗi tòa soạn báo chí phải có cách truyền tải thông tin đáp ứng được các yêu cầu đó.

Khi một cơ quan báo chí ứng dụng các nền tảng cộng nghệ hiện đại, đội ngũ phóng viên biên tập viên đẩy mạnh hoạt động lên môi trường số sẽ góp phần tăng tiện ích cho lãnh đạo đến các trưởng phòng ban. Việc kiểm duyệt, xuất bản, lưu trữ, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu, đăng ký đề tài tác nghiệp được dễ dàng hơn,… Đây là những lợi thế chỉ có chuyển đổi số hoạt động báo chí mới đáp ứng được, điều này cho thấy chuyển đổi số là con đường phải đi, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau.

 

Chuyển đổi số của một số cơ quan báo chí lớn theo hướng phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực. Ảnh minh họa

Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí đầu tiên phải là cần áp dụng công nghệ để truyền tải thông tin, tương tác với độc giả. Đồng thời áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất, quản lý thông tin, đo đếm lượng truy cập, đánh giá thị hiếu nhu cầu đọc báo của độc giả để cá nhân hóa độc giả,… Từ đó sẽ thống kê, tính toán được các mô hình kinh doanh báo chí mới, gồm báo chí đa phương tiện, thu phí đọc báo, phân phối thông tin trên các nền tảng mạng xã hội,…

Nhà báo Trần Thị Giang - Phó Tổng biên tập Tạp chí Tự động hóa ngày nay cho rằng: Hiện các tạp chí chuyên ngành tự chủ tài chính, rất eo hẹp về tài chính. Muốn chuyển đổi số báo chí cần có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực. Trong đó bao gồm đội ngũ phóng viên, biên tập viên, các kỹ sư công nghệ biết phát triển giải pháp công nghệ trong tòa soạn báo chí, bảo đảm an ninh mạng. Ở đây nhân lực là đặc biệt quan trọng, bởi vì có hạ tầng công nghệ tốt mà không có đủ nhân lực tốt để triển khai thì cũng không tạo nên giá trị cốt lõi của tờ báo/tạp chí được.

“Các tạp chí chuyên ngành nên lựa chọn mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nghĩa là chú trọng bạn đọc trung thành. Nếu vẫn hướng đến tăng trưởng chiều rộng dẫn đến sai tôn chỉ mục đích nhiều. Điều quan trọng chuyển đổi số phải dựa vào công nghệ nhưng giữ được giá trị cốt lõi của tờ báo/tạp chí (tăng trưởng theo chiều sâu) mới là chuyển đổi số thành công” nhà báo Trần Thị Giang chia sẻ.

Có thể nói, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng không thể có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí, tạp chí và tạp chí chuyên ngành. Bởi vậy, có những quy trình có thể rất thành công với cơ quan này, nhưng khi áp dụng lại hoàn toàn không hiệu quả với cơ quan khác. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông cần có phương án để chỉ đạo xây dựng phù hợp trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, để từ đó làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội trở thành dòng chảy chính về thông tin, có vai trò định hướng dư luận trên không gian mạng.

Thái độ của người đứng đầu cơ quan mang tính chất quyết định

Thực tế chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào nhân lực am hiểu về công nghệ và tư duy đột phá. Vì vậy, cần chú trọng đào tạo hoặc đào tạo lại để có một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo, tinh thông các công cụ số và cách tiếp cận mới mẻ, một cách nghĩ khác, làm khác, tạo ra một kết quả khác biệt, hiệu quả hơn.

 

Các phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện Ảnh: Hoàng Triều

Nhà báo Vũ Xuân Bân, Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cho rằng: Vấn đề trước hết của chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong báo chí mà cụ thể là tại Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển vẫn là vấn đề con người. Trước hết là người quản lý và tiếp đến là người lao động đối với tạp chí chúng tôi là phóng viên, biên tập viên, hiệu đính, trong đó thái độ của người đứng đầu cơ quan mang tính chất quyết định, vì liên quan đến nhiều yếu tố trong công cuộc chuyển đổi số cần phải quyết đáp ngay.

Nhà báo Vũ Xuân Bân nhấn mạnh: “Chính các phóng viên, biên tập viên của tạp chí phải chuẩn bị ba yếu tố quan trọng cho chuyển đổi số là tâm lý, kiến thức, kỹ năng thể hiện. Phóng viên của tạp chí được chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối diện với những thách thức, những thay đổi mang tính căn bản, chiến lược của quy trình tư duy, quy trình công việc khi thực hiện chuyển đổi số trên các thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại, phức tạp. Cùng một sự kiện, cùng một lúc, phóng viên có thể làm ra nhiều loại ấn phẩm thông tin tuyên truyền về tòa soạn duyệt phát ngay trên nền tảng số một cách nhanh nhất để cạnh tranh thông tin, không đơn điệu, đủng đỉnh như trước”.

Có thể nói, chuyển đổi số không chỉ diễn ra ở đội ngũ phóng viên, biên tập viên (lực lượng đông đảo nhất) mà lãnh đạo, quản lý, cơ quan báo chí cũng phải nâng cao trình độ, thấm nhuần tinh thần và sẵn sàng đối diện với những thách thức trong quá trình chuyển đổi số để đủ năng lực định hướng thông tin kịp thời.

Mỗi cơ quan báo chí, tạp chí cần chọn cho mình đối tượng công chúng phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tránh trùng lặp thông tin. Đồng thời phải xây dựng được nội dung có tính thu hút và thuyết phục thông qua những bài viết có chiều sâu, trung thực, khách quan đối với vấn đề đặt ra.

Ngoài đội ngũ giỏi về công nghệ, cần có những người làm báo vừa có tâm, có tầm và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Đây là vấn đề quan trọng nhất, nhưng cũng khó nhất đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí, tạp chí nhỏ, tiềm lực hạn chế…Khó, nhưng không phải không thực hiện được mà làm dần dần, từng bước chắc chắn.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải