song
Đau thương xứ Mù Cang
Ngày xuất bản: 11/08/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 40765

 Khung cảnh tan hoang, đổ nát; đất đá ngổn ngang, bùn lầy đặc quánh  bao phủ lòng đường, lớp học; khuôn mặt thất thần của những người chồng tìm vợ, mẹ tìm con, anh tìm em… Đó là những gì còn lại của cơn lũ ống, lũ quét lịch sử tại huyện Mù Cang Chải xảy ra vào rạng sáng 3/8. 

Người nhà anh Giàng A Hù - tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải (một trong 15 nạn nhân bị chết và mất tích) đau đớn khi mất đi người thân.

Tuy nhiên, trong hoạn nạn người dân đã xích lại gần nhau, hỗ trợ, đùm bọc nhau. Hàng trăm nghìn lời kêu gọi, chia sẻ hướng về Mù Cang Chải; bộ đội, quân dân trắng đêm phá đá cứu nạn… Tình người trong lũ đã phần nào xoa dịu nỗi đau ở xứ Mù Cang.

Khoảnh khắc sinh tử

Xảy ra chỉ khoảng 30 phút nhưng trận lũ ống, lũ quét xảy ra ngay trung tâm thị trấn Mù Cang Chải đã để lại hậu quả thảm khốc, ám ảnh kinh hoàng. Tinh mơ - đó là lúc nhiều người dân nơi đây còn đang say trong giấc ngủ như mọi ngày. Nhưng nước, đất đá từ đỉnh núi bỗng đâu ập về cuốn bay tất cả những gì trên đường nó qua. 

Khu dân cư trên chục nóc nhà bị xóa sổ hoàn toàn, trơ lại đất cát. Sự thảm khốc của trận lũ này hiển hiện rõ khi hàng chục nghìn mét khối đất đá, bùn lầy phủ kín bên dòng Nậm Kim. Có những phiến đá to như chiếc ô tô nằm chềnh ềnh trên đoạn đường gần 2 km nơi cơn lũ tràn qua. 

Khoảnh khắc sinh tử ấy đã để lại ám ảnh kinh hoàng với nhiều người. Đến giờ, ông Giàng A Páo, 52 tuổi ở tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải, vẫn chưa hết bàng hoàng. Sáng ấy, ông vừa tỉnh dậy thì nghe tiếng ùng ục từ xa. Ông gọi giật vợ rồi hét lớn: "Lũ quét đấy, chạy, chạy ngay!". Phút chốc, công trình nhà vệ sinh đằng trước, ba phòng trọ cấp 4 cho học sinh nội trú thuê bị cuốn sạch. Giọng ông nghẹn lại: "May vì đang nghỉ hè nên không có học sinh, nếu không thì...”.

 

Sân vận động huyện Mù Cang Chải giờ đầy bùn đất.

May mắn thoát chết nhưng vợ và 2 con của anh Lê Doãn Dũng, trú tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải đã bị dòng nước dữ cuốn đi, đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Nằm trên giường cấp cứu khi toàn thân bị băng kín vì chấn thương, anh rớm nước mắt: "Lúc đó khoảng hơn 5 giờ sáng, mặt đất rung chuyển. Vợ chồng ôm con định chạy thì lũ ập đến, cuốn trôi tất cả. Vật lộn với dòng nước xiết, tôi vẫn cố ngoái đầu lại nhìn nhưng không còn nhìn thấy vợ con đâu. Sau khi nước cuốn đi, tôi may mắn mắc vào một cây ven suối rồi được người dân vớt". 

Theo ghi nhận, trận lũ ống, lũ quét từ trên đỉnh núi đầu nguồn dòng Kim Nọi cao gần 2.000 m lao thẳng xuống thị trấn Mù Cang Chải với tốc độ khủng khiếp. Trên cao, đỉnh Kim Nọi loang lổ những vệt sạt lở, nước vẫn chưa ngừng chảy mà sởn gai ốc. Nhìn những khối đá hàng chục tấn bên dòng suối Mơ đã từng đi vào thơ ca, tôi không khỏi giật mình: nếu trận lũ cuốn xảy ra vào lúc nửa đêm thì thiệt hại về người không biết đâu mà kể.

Tiếng khóc trên bản nghèo

Không khí tang thương bao trùm tang thương, bao trùm nhiều nơi từ thị trấn Mù Cang Chải đến Kim Nọi, Lao Chải rồi Chế Tạo. Trong nỗi đau đó, chiều 4/8, dưới cơn mưa nặng hạt, hàng trăm người dân vẫn có mặt để đón thi thể cháu Giàng A Táng ở bản Kháo Giống, xã Kim Nọi được đưa từ địa bàn tỉnh Lai Châu về. 

Người dân Kim Nọi cho biết, dòng lũ ống dồn về Kim Nọi vào khoảng 5 giờ sáng 3/8. Khi đó, 4 cháu nhỏ trong cùng gia đình đi chăn trâu ngủ lại lán đã cùng bị lũ cuốn trôi thương tâm. Tại nhà anh Giàng A Mùa, tiếng khóc rấm rứt không nguôi. Vợ anh, chị Mùa Thị Sua lả đi trong nỗi đau mất con. 

Từ những lưng núi xa, dân làng kéo đến chia buồn cùng nỗi mất mát quá lớn của gia đình anh. Những người phụ nữ Mông, người mẹ ôm lấy nhau và khóc, nước mắt thấm trong những cơn mưa rừng vẫn chưa dứt. 

Ông Sùng A Sàng - Bí thư Đảng ủy xã Kim Nọi thông tin nhanh: "Thiệt hại do cơn lũ gây ra là rất lớn làm 6 người chết và mất tích. Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng tìm kiếm, đến nay đã phát hiện được 1 thi thể, còn 5 nạn nhân nữa vẫn chưa được tìm thấy. Chưa bao giờ trong lịch sử xã Kim Nọi lại phải gánh chịu một trận lũ lớn gây ra thiệt hại nặng nề về người và của như vậy”.

Rời đỉnh Kim Nọi, chúng tôi đến bản Tà Ghênh, xã Lao Chải sau hơn tiếng đồng hồ cuốc bộ, vượt qua những đoạn đường lầy lội do mưa, bão. Trước mắt chúng tôi, cả 1 khu dân cư 7 nhà, 1 điểm trường mầm non, 1 nhà cộng động bị lũ cuốn san bằng, chỉ còn bùn lầy, đá tảng. 

"Chưa bao giờ thấy nước hung hãn như thế. Nghe tiếng đất đá văng đập từ trên cao, mọi người chỉ kịp gọi nhau chạy ra khỏi nhà, tránh xa con suối. Mất nhà rồi, giờ chúng tôi biết ở đâu” - Ông Cứ A Giàng, bản Tà Ghênh rớm nước mắt. 

Chỉ vào tảng đá hàng chục khối án ngữ giữa lòng suối, ông Trần Minh Vấn - Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải ngậm ngùi: "Chỗ này trước có cây cầu dân sinh nhưng sau một đêm bị tảng đá này nghiền nát. Toàn xã có 17 nhà bị lũ cuốn hoàn toàn, 1 cháu tử vong do sạt taluy dương. Nhà cửa, ruộng lúa, hoa màu đều mất trắng”. 

Bản Mông ở đây nghèo lắm, vậy mà cơn lũ dữ đã "lạnh lùng” gằn thêm những tang thương vào những cuộc đời quanh năm lam lũ. Rồi đây, khi cơn lũ đi qua, nỗi kinh hoàng nó để lại sẽ còn tiếp tục ám ảnh, những hậu quả của nó còn đeo đẳng nhiều năm nữa đối với cuộc sống vốn đã quá khó nhọc của bà con.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trao tiền hỗ trợ của tỉnh cho các gia đình bị thiệt hại tại bản Kháo Giống, xã Kim Nọi.

Trắng đêm phá đá, dọn bùn đất

21 giờ đêm, con đường từ quốc lộ 37 qua cầu Kim Nọi vào Chế Tạo cuồn cuộn nước đục ngầu chảy xiết từ đỉnh núi xuống suối Nậm Kim. Những tảng đá hàng chục tấn lăn từ trên đỉnh núi án ngữ giữa đường. 

Trường Tiểu học và THCS Võ Thị Sáu, thị trấn Mù Cang Chải bị dòng nước như mũi tên đục thông nhiều bức tường, tấm bảng xanh nhầy nhụa bùn đất, bàn ghế và cánh cửa sổ vỡ vụn; rác thải, những mảng tường vỡ ngổn ngang khắp nơi. 

Trong cảnh tượng hoang tàn đó, quân dân đang chung sức một lòng khắc phục hậu quả do cơn lũ quét kinh hoàng vừa để lại. Trời thì lúc mưa, lúc tạnh càng khiến mọi công tác tìm kiếm, dọn dẹp đất đá trở nên khó khăn hơn. 

Từng tốp dân quân tự vệ huyện Mù Cang Chải ăn vội mẩu bánh mì, gói mì tôm, lại "xắn tay áo” vào phá đá, dọn bùn, khơi thông dòng nước. Những chiếc máy khoan chuyên dụng được huy động để phục vụ công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Khối đá lớn cao quá đầu người được khoan sâu nhiều mũi, sau đó nhồi đầy thuốc nổ, phân mảnh để dọn dẹp "bãi chiến trường" trận lũ để lại. 

 

Một chiến sĩ tham gia công tác cứu hộ nói: "Chúng tôi làm việc từ 18h, công việc chính là khoan đá để sớm mai kịp thời tìm kiếm nạn nhân mất tích".

Đêm 3/8, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy (thứ 2 từ trái sang) vẫn trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm người mất tích.

 

Các lực lượng cứu hộ trắng đêm phá đá tìm kiếm người mất tích.

Từ đêm mồng 3/8, Mù Cang Chải không ngủ. Hàng nghìn lượt người thuộc các đơn vị bộ đội, dân quân, thân nhân gia đình… không quản nắng mưa, bùn lầy dùng mọi phương tiện, vật dụng có thể để khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích. 

Theo Đại tá Phạm Hồng Chương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái, đã có trên 2.000 lượt người thuộc các lực lượng được huy động tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ quét. Hiện các lực lượng ưu tiên tìm kiếm cứu nạn, dọn dẹp hiện trường ở khu vực tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải, là nơi thiệt hại nặng nề nhất. 

Có mặt tại rốn lũ ngay sau khi xảy ra thiên tai vài giờ đồng hồ, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà đã trực tiếp chỉ công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả. 

Đồng chí yêu cầu trước mắt, huyện cần phối hợp tốt với các lực lượng chức năng huy động lực lượng ưu tiên tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết và mất tích do thiên tai.

Chiều 3/8, đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh có mặt tại huyện Mù Cang Chải và chỉ đạo các lực lượng, huy động tối đa nhân lực, phương tiện tìm kiếm người mất tích tại những khe suối, những địa điểm sạt lở, hồ thủy điện… 

Nỗ lực của lực lượng chức năng, quân dân ở vùng cao Mù Cang Chải phần nào được đền đáp, đêm 3/8, ông Sùng A Chống ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải được tìm thấy và vẫn còn sống. Đến sáng 4/8, thi thể cháu Giàng A Táng ở bản Kháo Giống, xã Kim Nọi cũng được tìm thấy tại huyện Than Uyên (Lai Châu). 

Tiếp đó, sáng 5/8, các lực lượng tìm kiếm tiếp tục vớt được 1 thi thể ở hồ thủy điện Khao Mang. Quá trình nhận dạng xác minh thi thể là anh Giàng A Hù, sinh năm 1975, cư trú tại tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải. Vị trí nơi nạn nhân được tìm thấy cách khu vực xảy ra lũ quét khoảng 3 km.

 

Thi thể anh Giàng A Hù tìm thấy ở khu vực lòng hồ Thủy điện Khao Mang được đưa về nhà lo hậu sự.

Tình người trong lũ 

Lũ dữ đi qua để lại nỗi đau khôn nguôi với người dân vùng cao Mù Cang Chải, bao gánh nặng đặt lên vai người đang sống, quanh cảnh điêu tàn, không khí tang thương... Trong tình cảnh đó, người dân nơi đây đã xích lại gần nhau, hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau. 

Trong ngổn ngang đất đá, bùn lầy sáng ngày 3/8, hàng trăm người dân đã cùng với lực lượng bộ đội, công an tìm kiếm người bị nạn, đất đá và những vật dụng trôi nổi giữa dòng nước hung hãn. Quần áo, mặt mũi lấm len bùn đất, chị Lê Thị Bích Huệ - người dân thị trấn Mù Cang Chải đang dọn bùn đất trên sân Trường Tiểu học và THCS Võ Thị Sáu. Gương mặt đầy mệt mỏi, giọng hổn hển: "Khủng khiếp quá. Cả đời tôi chưa bao giờ chứng kiến dòng nước nào lại hung hãn như vậy. Nhà cửa, bàn ghế, sách vở đều vỡ nát hết”. 

Tính đến nay đã có trên 2.100 người tham gia tìm kiếm cứu hộ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai (trong đó lực lượng bộ đội 350 người, dân quân 500, công an 100, các ban ngành địa phương 150 và nhân dân 1.000 người); đã huy động 10 xe công trình, 90 xe ô tô các loại, 2 xuồng cứu hộ, 3 máy bơm công suất lớn tập trung tìm kiếm khu vực lũ ống, lũ quét và dọc suối Nậm Kim.

Mất nhà, mất người thân, nhiều hộ gia đình bỗng chốc trắng tay, màn trời chiếu đất, chưa biết đi đâu về đâu. Được bố trí ở tạm thời tại Trường THCS Kim Nọi, chị Mùa Thị Chù bàng hoàng kể lại: "Hơn 5 giờ sáng, nghe tiếng nước chảy mạnh kèm theo tiếng động lớn. Vợ chồng tôi và 2 con nhỏ chạy ra ngoài, may mắn thoát chết. Tuy nhiên, nhà cửa, đồ đạc bị cuốn theo dòng lũ. Cũng may, từ đó đến nay được mọi người giúp đỡ, cho mượn chăn chiếu, chỗ ngủ nghỉ”. 

Hình ảnh, thông tin về những mất mát, đau thương ở Mù Cang Chải khiến nhân dân toàn tỉnh cũng như cả nước đồng cảm, sẻ chia. Hàng trăm cơ quan, tổ chức, cá nhân dã quyên góp tiền mặt, lương thực, thực phẩm và những vật dụng cần thiết ủng hộ cho đồng bào bị nạn nơi vùng cao Mù Cang Chải. 

Thống kê sơ bộ đến 15 giờ ngày 4/8, tỉnh đã hỗ trợ các gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng/người, 2,5 triệu đồng/người người bị thương. Các gia đình có nhà bị cuốn trôi 25 triệu đồng/nhà, bị sạt lở 10 triệu đồng/nhà. Huyện Mù Cang Chải đã tiếp nhận tiền và vật phẩm của 22 đoàn với số tiền trên 1 tỷ 180 triệu đồng, 2.380 kg gạo và 44 thùng quà. 

 

Các lực lượng cứu hộ tiếp tục kiên trì tìm kiếm người bị mất tích.

Trận lũ ống, lũ quét lịch sử đã qua đi nhưng những đau thương, mất mát sẽ còn ám ảnh nơi vùng cao Mù Cang Chải. Mọi công tác khắc phục, tìm kiếm cứu nạn đang được tỉnh, huyện và các lực lượng khẩn trương thực hiện, trong đó việc tìm người mất tích là ưu tiên số 1. Về lâu dài, phương án bố trí tái định cư cho các hộ gia đình có nhà bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn là câu chuyện mà các cấp chính quyền cần phải tính đến.

Hùng Cường – Mạnh Cường

Nguồn: Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải