song
Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 - Diễn đàn thường niên bàn về các vấn đề liên quan đến đời sống báo chí
Ngày xuất bản: 15/03/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 3462

 Chiều 15/3/2024, trong khuôn khổ khổ Hội Báo toàn quốc 2024, lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024. Diễn đàn gồm 12 phiên họp với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.

Tới dự phiên khai mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Lưu Quang - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phan Văn Mãi - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UNBD TP HCM; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số.

Về phía Hội Nhà báo Việt Nam có: Ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lợi - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. 

Đến tham dự phiên khai mạc Diễn đàn còn có các quý đại biểu, các vị khách quý đại diện các cơ quan báo chí, quản lý báo chí, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, TP HCM và các địa phương. 

 

Các đại biểu tham dự Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024.

Diễn đàn Báo chí Toàn quốc sẽ diễn ra trong 2 ngày với 12 phiên họp, trong đó có 2 phiên toàn thể khai mạc và bế mạc và 10 phiên thảo luận với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí. 

Tổ chức Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024, Hội Nhà báo Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là Diễn đàn thường niên bàn về các vấn đề liên quan đến đời sống báo chí đang được giới báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế quan tâm; đồng thời Diễn đàn cũng sẽ là điểm hẹn tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, những người làm báo cũng như các chuyên gia truyền thông, công nghệ… 

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dự Diễn đàn.

Báo chí cần khơi được động lực bên trong của sự năng động sáng tạo cho sự phát triển của TP HCM

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, sự kiện Hội Báo toàn quốc 2024 là một sự kiện vô cùng có ý nghĩa không chỉ với báo giới mà còn với sự phát triển kinh tế xã hội của TP HCM. 

Theo ông Phan Văn Mãi, trong thời gian qua, báo chí cách mạng đã có sự đóng góp lớn trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố. Lãnh đạo thành phố cũng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, góp ý từ phía báo giới. 

"Do đó, chúng tôi đánh giá báo chí từ Trung ương tới địa phương là lực lượng cơ hữu đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Chúng tôi rất cảm ơn sự đóng góp của các cơ quan báo chí và mong rằng sự đồng hành này của các cơ quan báo chí với lãnh đạo Thành phố sẽ được tiếp tục trong thời gian tới", ông Phan Văn Mãi bày tỏ.

 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại Diễn đàn.

Chia sẻ về tình hình kinh tế xã hội của TP HCM tại Diễn đàn, trong đó có ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực lại chính là ba điểm nghẽn của TP HCM, ông Phan Văn Mãi mong các đồng chí lãnh đạo Trung ương và đặc biệt là báo chí đã quan tâm thì tiếp tục quan tâm hơn nữa giúp cho Thành phố nhìn rõ hơn những điểm nghẽn chiến lược, nhìn rõ hơn những giải pháp trong hành trình sắp tới.

Cụ thể, theo ông Phan Văn Mãi, thứ nhất, nhận thấy điểm nghẽn về thể chế, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 31 cho TP HCM, đã xác định những định hướng, nhiệm vụ để phát triển thành phố. Quốc hội đã có nghị quyết 98 mở ra cơ chế dành cho TP HCM. "Như vậy, nếu xét về mặt định hướng, thể chế thì có Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội và Thành phố cũng đang đề xuất nhiều cơ chế chính sách", ông Mãi cho biết. 

Thứ hai, để giải bài toán chiến lược điểm nghẽn về hạ tầng, TP HCM đang rất tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, các đường vành đai, các đường cao tốc kết nối, hệ thống Metro. Thành phố sẽ tập trung nhiều cho hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội để cải thiện tình trạng giao thông, phân bổ dân cư và giải quyết các vấn đề như ngập nước, môi trường, kẹt xe và cũng đầu tư cho hạ tầng số để thúc đẩy kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. 

Thứ ba là nguồn nhân lực, cải cách hành chính, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Thành phố đang xây dựng và dự kiến trong quý II sẽ triển khai Đề án nền công vụ TP HCM hiệu lực, hiệu quả để xây dựng chất lượng nguồn nhân lực của TP HCM hiệu quả trong hệ thống chính trị, trong doanh nghiệp và trong người dân; góp phần nâng cao năng suất của kinh tế thành phố.

"Trên đây là những việc Thành phố mong có sự góp ý của các cơ quan báo chí, chuyên gia, các nhà báo để giúp cho TP HCM nhận diện rõ hơn, chọn đúng vấn đề hơn, để đi tới đạt được mục tiêu nhanh hơn", ông Mãi mong muốn.

 

Chủ tịch UBND TP HCM mong muốn được góp ý, chia sẻ nhiều hơn từ các cơ quan báo chí.

Đặc biệt, tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ, hiện tại trong lịch sử Thành phố được biết đến như là một địa phương rất năng động sáng tạo và luôn suy nghĩ tìm tòi những cách làm mới. 

"Nhưng năng động thế nào, đổi mới thế nào trong bối cảnh hiện nay là một vấn mà chúng tôi rất mong muốn cơ quan báo chí, anh em nhà báo bằng kinh nghiệm của mình có thể phân tích thêm, gợi ý thêm để làm sao chúng ta khơi được động lực bên trong của sự năng động sáng tạo cho sự phát triển của Thành phố, của đất nước, mà chúng ta vẫn đảm bảo được sự tuân thủ hay là kết quả từ thực tiễn đó nhanh chóng được tổng kết, pháp lý hóa, cơ chế hóa", ông Phan Văn Mãi nói. 

 

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tham dự diễn đàn.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP HCM, vào năm 2025, sẽ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, TP HCM với tư cách là địa phương là nhân chứng lịch sử trong kỷ niệm này. Thành ủy cũng đã có chỉ thị, kế hoạch và Ủy ban cũng có nhiều kế hoạch nhánh để triển khai. chúng tôi sẽ báo cáo với Trung ương, Ban Bí thư.

UBND TP cũng triển khai nhiều, từ những cuộc sáng tác văn học nghệ thuật chào mừng 50 năm, phát động phong trào đặc biệt kể từ đầu năm 2022 cho đến 30/4/2025. Cùng với đó, TP HCM triển khai 50 công trình, dự án tiêu biểu cấp Thành phố để chào mừng và còn rất nhiều các hoạt động khác.

"Chúng tôi mong muốn báo chí sẽ tham gia trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm này, không chỉ ở góc độ tuyên truyền mà còn tham gia nhiều hơn với các hoạt động của TP HCM cũng như là của miền Nam, của cả nước", ông Phan Văn Mãi đề nghị.

Không gian mạng là trận địa chính, trận chiến chính của báo chí

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Không gian mạng là trận địa chính, trận chiến chính của báo chí.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. "Thắng hay bại là ở đây! Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, công nghệ số (CNS), chuyển đổi số (CĐS) cũng đã hơn chục năm rồi, bây giờ không chỉ là lên không gian mạng (KGM) mà còn là giành lại KGM, tạo ra dòng chủ lưu trên KGM. Nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ KGM", ông Hùng nêu rõ.

Tuy nhiên, CNS lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. "Vậy là báo chí phải làm những việc mới. Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đặt câu hỏi và cho rằng, báo chí cần một không gian rộng hơn là “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu”, tức là rộng hơn việc đưa tin. Độc giả mong muốn biết những gì ở phía sau quá nhiều những tin tức. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước.

 

Các đại biểu là các nhà báo lão thành tham dự Diễn đàn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ, đổi mới không phải là một việc quá khó. Đổi mới là đi tìm một cách làm dễ hơn cho một việc khó hơn. Cách làm mới đó thường xuất hiện từ một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác. Ở thời đầu của một cuộc cách mạng công nghiệp mới thì cách làm mới thường là làm ngược lại.

"Hãy sử dụng công nghệ số để làm ngược lại. Thay vì viết thì hãy làm nền tảng để mọi người viết. Thay vì để mọi người đọc trên trang Web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau. Thay vì cung cấp thông tin thì hãy cung cấp tri thức. Thay vì tự làm thì hãy hợp tác. Thay vì để phóng viên phải xử lý rất nhiều thông tin thì hãy để họ xử lý những thứ mà rất ít thông tin và để cho AI xử lý rất nhiều thông tin. Thay vì tránh tai nạn thì hãy kiểm soát tai nạn", ông Hùng chia sẻ.

 

Quang cảnh diễn đàn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. "Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và ĐMST số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí", ông Hùng nêu rõ.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, công nghệ số, nhất là AI, mạnh hơn năng lượng hạt nhân, thì những vấn đề, những thách thức, những rủi ro mà nó mang đến cũng sẽ lớn hơn hạt nhân. "Đó là quy luật. Ba cuộc CMCN trước đây đã là như vậy. Cuộc CMCN lần thứ tư này, mà trung tâm của nó là công nghệ số, và trung tâm của công nghệ số là AI, chắc cũng sẽ như vậy", ông Hùng phát biểu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để giải quyết những vấn đề của công nghệ mới thì phải bằng thể chế mới và bằng chính công nghệ mới đó. Công nghệ số, Internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Đối với các phiên thảo luận tại diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham gia đầy đủ, lắng nghe, giải thích chính sách, tiếp thu, hỗ trợ báo chí phát triển.

“Báo chí Việt Nam: Thách thức - Cơ hội”

Đặc biệt, tại phiên khai mạc Diễn đàn, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã có bài thuyết trình tổng quan với tựa đề: “Báo chí Việt Nam: Thách thức- Cơ hội”.

 

Ông Lê Quốc Minh thuyết trình tổng quan với tựa đề: “Báo chí Việt Nam: Thách thức- Cơ hội”.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chỉ rõ xu hướng phát triển cũng như tranh toàn diện của nền báo chí Việt Nam hiện nay. Đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức cũng như cơ hội lớn mà báo chí Việt Nam nói riêng, báo chí thế giới nói chung đang phải đối mặt.

Cụ thể, thứ nhất, là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo AI. Khẳng định, AI đang góp phần cải thiện công việc của nhà báo, đồng chí cũng cho rằng: AI mang lại tiềm năng to lớn cho thế giới và cho nghề báo, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, do đó, cần phải hết sức thận trọng. Nhiều tòa soạn lớn trên thế giới cũng có chung nỗi lo trước những rủi ro mà AI có thể mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nội dung.

Thứ hai, hiện nay, báo chí thế giới cũng phải đối mặt với vấn nạn tin giả. Nhiều đối tượng đã sử dụng AI để bóp méo hình ảnh, tạo ra deep fake gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thứ ba, việc ngày càng có nhiều thiết bị mới xuất hiện đã và đang tạo ra cơ hội lớn cho báo chí phát triển."Trong năm 2024, chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những thiết bị mới ngoài điện thoại thông minh, sử dụng các cách thức tương tác như ra lệnh bằng giọng nói, chuyển động của mắt hoặc tay", đồng chí Lê Quốc Minh thông tin.

 

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, AI mang lại tiềm năng to lớn cho thế giới và cho nghề báo, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, do đó, cần phải hết sức thận trọng.

Nói về những việc cần làm ngay trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Các cơ quan báo chí cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI mà không có sự chấp thuận và không có đền bù tài chính thỏa đáng.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ.

"Ngoài quảng cáo, các cơ quan cần tìm kiếm các nguồn doanh thu khác, trong đó phải coi doanh thu từ độc giả phải được coi là chiến lược bền vững hàng đầu", ông Lê Quốc Minh gợi ý.

Tiếp theo, ông Lê Quốc Minh cho rằng, ưu tiên Digital nhưng không có nghĩa là ưu tiên mạng xã hội.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, đã đến lúc cần kéo độc giả trở lại với website của báo chí. Cùng với đó, báo in cần được nâng niu và đối xử như một sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết mà chỉ con người mới có thể mang lại.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải