song
Độc đáo lễ hội Cầu mùa của người Dao đỏ Viễn Sơn
Ngày xuất bản: 02/12/2016 12:00:00 SA
Lượt đọc: 46690

 Lễ hội Cầu mùa là một hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào Dao đỏ ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Một điệu múa trong phần hội của lễ cầu mùa.

Phần lễ trong lễ hội Cầu mùa của người Dao đỏ ở Viễn Sơn được tổ chức tại những gia đình thu hoạch được nhiều thóc, ngô nhất bản với ước mong cuộc sống no đủ, ngô lúa đầy bồ suốt năm.

Trong lễ Cầu mùa, mỗi hộ cử một người tham gia các nghi lễ để mang may mắn về cho cả gia đình. Lễ vật để dâng lên thần núi, thần rừng và trời trong lễ Cầu mùa là cây mía - tượng trưng cho cây lúa lớn nhất trong bản và những bông lúa chín sớm, đĩa xôi mới được người phụ nữ Dao nấu từ gạo nếp nương vừa dẻo, vừa thơm.

Theo phong tục người Dao đỏ, lễ vật dâng cúng thần linh trong lễ Cầu mùa rất quan trọng và phải được chuẩn bị chu đáo, không được phép sai sót. Điều đặc biệt nhất là tất cả các đồ dâng cúng thần linh đều phải do các gia đình tự trồng, tự nuôi để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần linh của người Dao. Các lễ vật như gà, thịt lợn, rượu trắng, gạo... được các gia đình đóng góp, sau đó tập trung về một hộ có uy tín trong cộng đồng đã được chọn từ trước để chuẩn bị cho các nghi lễ.

Người Dao đỏ quan niệm, đàn ông trong bản sẽ phụ trách các nghi lễ, còn phụ nữ tham gia chuẩn bị lễ vật và nấu nướng. Trong gia đình người Dao đỏ, lễ vật được dâng cúng ở 2 nơi, trước cửa gian chính của nhà và khu vực sau nhà, nơi có địa thế giáp núi.

Các thầy cúng có uy tín nhất trong bản là chủ tế, có nhiệm vụ thực hiện các nghi thức, dâng cúng lễ vật mà các gia đình trong bản đóng góp, chuẩn bị. Từ sáng sớm tinh mơ, thầy cúng là người đầu tiên đến gia đình được lựa chọn thực hiện nghi lễ. Đến giờ làm lễ, 4 thanh niên mặc trang phục chỉnh tề đội lễ từ bốn hướng đi về nơi được chọn làm lễ. Thầy cúng sẽ đọc văn khấn, cầu cho mùa vụ mới được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, các gia đình bình an...


Một nghi thức trong lễ Cầu mùa.

Sau khi kết thúc phần lễ, phần hội của lễ hội Cầu mùa diễn ra vô cùng náo nhiệt. Các nam thanh nữ tú tham gia các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, ném còn...

Trong trò chơi ném còn, người Dao đỏ ở Viễn Sơn quan niệm người nào ném quả còn qua vòng đầu tiên trong lễ hội sẽ gặp nhiều may mắn. Những điệu múa trên nền nhạc vui tươi, rộn ràng trong phần hội của lễ hội cầu mùa thể hiện những khát vọng của người Dao đỏ.

Ông Đặng Nho Vượng ở xã Viễn Sơn cho biết trong lễ hội Cầu mùa, khi lễ vật đã chuẩn bị xong, thầy cúng của bản đọc bài cầu khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, không bị sâu bệnh phá hoại, con cháu học hành thành đạt, nhà nhà no đủ, mọi sự bình yên. Sau đó, thanh niên sẽ múa hát và chơi các trò chơi. Lễ hội Cầu mùa vì vậy không chỉ thể hiện niềm tin và khát vọng về cuộc sống no ấm, đầy đủ của đồng bào Dao đỏ, mà còn là một nghi thức nhớ ơn người xưa đã tìm ra cây lúa, cây ngô, mang lại cuộc sống no ấm cho bản làng.

Trải qua hàng trăm năm, lễ hội Cầu mùa của người Dao đỏ ở Viễn Sơn đã trở thành một hoạt động văn hóa cộng đồng đặc sắc, được gìn giữ cho đến ngày nay, có tác dụng cổ vũ, động viên đồng bào bước vào một vụ sản xuất mới. Xã Viễn Sơn luôn chú trọng tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào về những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở địa phương, trong đó có lễ Cầu mùa. Năm nào cũng vậy, lễ hội Cầu mùa được chính quyền xã khuyến khích tổ chức trong cộng đồng và đưa vào các đội trình diễn, tái hiện trên sân khấu, tham gia các lễ hội lớn của huyện Văn Yên, tham dự các buổi biểu diễn giới thiệu văn hóa của tỉnh Yên Bái.

Ông Bàn Phúc Hín, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, cho biết thời gian qua, xã Viễn Sơn rất quan tâm việc duy trì, phát huy các giá trị độc đáo của lễ hội cầu mùa để nét văn hóa đặc sắc này được tiếp nối tới các thế hệ mai sau...

(Theo TTXVN)

 

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải