song
Đọc lại những lời dạy của Bác với người làm báo
Ngày xuất bản: 19/05/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 8671

 - Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên ra số đầu tiên khổ nhỏ, do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp viết, biên tập, trình bày và chỉ đạo in ấn bằng chữ quốc ngữ. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều lần góp ý, chỉ bảo những người làm báo chúng ta về mục đích của công việc viết báo, về cách viết, về sử dụng ngôn ngữ, về coi trọng tiếng nói của dân tộc mà đến nay nhiều người làm báo chúng ta vẫn chưa làm tốt.

 

Bác Hồ luôn luôn căn dặn các nhà báo phải viết chân thật, dễ hiểu. Ảnh:TL

Gần một thế kỷ kể từ đó đến nay, báo chí nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác luôn đồng hành cùng các giai đoạn cách mạng của dân tộc, đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Ngày 21/6 hằng năm giờ đây đã trở thành ngày truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

1.Bên cạnh sự phát triển ấy, nghiêm túc kiểm điểm lại, chúng ta vẫn còn nhiều điều phải nhanh chóng và kiên quyết khắc phục trong kỉ nguyên số hiện nay. Đầu tiên là bệnh viết dài dòng văn tự, rối rắm, dùng nhiều từ nước ngoài khiến bạn đọc đôi khi phải kêu lên: Chưa đọc xong trang báo đã thấy ong đầu”.

Tới Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ ba, họp trong hai ngày 7 và 8 tháng 9/1962, Bác đến dự và vẫn phê bình các báo thường viết quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. Bác cũng nhắc lại Khuyết điểm nặng nhất của báo chí ta là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng”. Bác cũng không quên nhắc nhở: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”

Ngay từ tháng 2/1948, trong Thư gửi Hội nghị Thông tin tuyên truyền và báo chí Toàn quốc, Bác đã nhắc khuyết điểm của báo chí ta là quá dài dòng văn tự, khô khan, kém hoạt bát lanh lợi. Không phổ thông. Hay dùng chữ Tàu mà không đúng nghĩa”.

Tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, họp tại Hà Nội trong hai ngày 16 và 17/4/1959, Bác nêu khuyết điểm của báo chí: “Nói về văn nghệ, Bác thú thật có ít thời giờ xem các bài văn nghệ. Có lẽ vì thế mà có lúc xem đến thì thấy cách viết thường ba hoa, dây cà dây muống; và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy. Còn viết về chính trị thì khô khan và có hai cái tệ: một là rập khuôn, hai là dùng quá nhiều chữ nước ngoài”.

Bác viết: “Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó, nhưng trái lại, báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó”. Bác cũng nói thẳng: “Các báo Nhân Dân, Thời mới, Quân đội, v.v.. đều dùng chữ nhiều lắm. Tóm lại, chúng ta dùng chữ nhiều quá, có khi lại còn dùng sai nữa. Mong rằng báo chí cố gắng sửa đổi cái tệ ấy đi. Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi”.

Khảo sát của chúng tôi qua 20 bài báo của Bác cho thấy, Bác viết câu rất ngắn. Trung bình mỗi câu của Bác viết chưa đến 41 từ là ngắt dòng. Di chúc của Người có 1.102 chữ, chia cho 27 câu, cũng chưa đến 41 từ đã ngắt dòng. Một khảo sát khác cũng cho thấy (Bác là người biết thông thạo sáu thứ tiếng nước ngoài) trong các bài viết của Người tuyệt nhiên không có từ nước ngoài nào lẫn vào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo năm 1960. Ảnh:TL

2.Ngoài tờ Thanh Niên được Bác quan tâm chỉ đạo mọi mặt ngay từ số ra đầu tiên, rất nhiều tờ báo khác cũng được Bác quan tâm gửi thư góp ý, chỉ đạo. Một trong số những tờ báo có vinh dự đó là tờ Quân đội nhân dân.

Trên số báo Quân du kích, tiền thân của báo Quân đội nhân dân, ra ngày 1/9/1949 đăng lời huấn thị của Bác. Trong đó Người chỉ rõ nhiệm vụ của Báo Quân du kích là … “Viết sao cho đơn giản, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đọc, hiểu được, nhớ được và làm theo được”.

Ngày 20/10/1950, sau gần ba tháng chuẩn bị, Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tại thôn Khau Diều, Định Biên, Định Hóa, Thái Nguyên. Trong số này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Nói những điều thật thiết thực đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Mùa hè năm 1962, Bác gặp lãnh đạo các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Phụ nữ tại Phủ Chủ tịch. Bác góp ý cho từng tờ báo. Bác nói với đồng chí Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân: “Báo Quân đội gần đây có tiến bộ, nhưng viết còn dài thế này (Bác dang hai tay ra hiệu), chú cho anh em rút kinh nghiệm, cần viết ngắn và viết hay hơn”. Nhân kỉ niệm 70 năm Báo Quân đội nhân dân (1950 – 2020), khi được một nhà báo hỏi Báo Quân đội nhân dân đã thực hiện lời dạy của Bác như thế nào, một đồng chí trong Ban Biên tập trả lời: “Những chỉ bảo, dặn dò ân cần, ngắn gọn và cô đúc đó của Bác đã trở thành phương châm hoạt động và định hình phong cách làm báo của những người làm báo Quân đội nhân dân sau này”. Tuy nhiên, đồng chí trong Ban Biên tập báo cũng thừa nhận các tin bài tuy đã ngắn gọn lại nhiều nhưng vẫn còn dài, tờ báo vẫn còn để tiếp nhiều tin, bài ở trang nhất vào các trang sau. Đây cũng là tình trạng chung của các báo khổ lớn ở nước ta, nhưng nhất định phải khắc phục. Một tờ báo khác được Bác chỉ dạy nhiều lần là Hànộimới. Ngoài vinh dự được Bác hai lần đặt tên, tờ báo còn được Bác đặc biệt quan tâm chỉ đạo mỗi khi có dịp làm việc. Nhà báo Nguyễn Hải, nguyên Thư kí Tòa soạn Báo Hànộimới, từng nhiều lần được phân công phản ánh về các hoạt động của Bác kể lại: Lần đầu gặp Bác, Bác hỏi: “Chú ở báo Thủ đô? Viết báo ký tên gì?”. Khi biết rồi, Bác nói: “Báo của Thủ đô thì những việc quan trọng của Thủ đô báo phải có tin đầy đủ, kịp thời”.

Lần thứ hai là vào cuối năm 1965, sau khi bế mạc Hội nghị chính trị đặc biệt họp tại Hội trường Ba Đình, nhà báo Nguyễn Hải và Văn Giáp của báo lại được Bác dặn dò: “Báo các chú đưa đều gương Người tốt việc tốt thế là tốt. Dân ta rất tốt, đâu đâu cũng có những người tốt. Báo cần đăng tin bài và cả hình nữa nhé”. Bác chỉ đĩa chuối: “Các chú ăn chuối đi”. Nhà báo Nguyễn Hải xúc động thấy Bác giản dị và thân thiết quá, đẩy đĩa chuối lại gần Bác: “Thưa Bác, mời Bác xơi ạ”. Bác cười: “Xơi là gì, là ăn phải không?”. Kỉ niệm đó mãi không quên với nhà báo Nguyễn Hải về cách sử dụng ngôn từ.

Lần thứ ba là sự kiện ngay sau đó, cũng vào cuối năm 1965, tại Đại hội Ba đảm đang của phụ nữ Thủ đô. Thành hội phụ nữ gặp mấy đồng chí lãnh đạo Báo Thủ đô Hà Nội (tiền thân của Hànộimới), cho biết, Thành hội gửi lên Bác tập báo cáo thành tích của các bà, các chị, đề nghị Bác thưởng huy hiệu, nhưng ý kiến của Bác là: “Không thưởng theo thành tích ghi trong báo cáo. Nếu Báo Thủ đô Hà Nội đăng, Bác sẽ căn cứ vào bài đăng trên báo để thưởng từng người”.

Nhà báo Nguyễn Hải kể lại: “Bản báo cáo của Hội Phụ nữ rất dài dòng, rườm rà, phải cắt ra, phân cho mấy anh chị em ở báo, mỗi người viết hai gương để kịp xuất bản số hôm sau. Một ngày sau khi báo đăng, đại hội vẫn đang họp. Tại đại hội đã công bố một số các bà, các chị (đợt đầu) được Bác thưởng huy hiệu. Bản quyết định công bố tại Đại hội ghi rõ “Căn cứ vào thành tích đăng trên Báo Thủ đô Hà Nội”…

Ở cơ quan TTXVN, những người làm báo ở đây hẳn chưa quên kỉ niệm về dùng từ, dù đã xảy ra cách đây trên 60 năm.

Đó là trong tin tường thuật lễ khai mạc Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1959 của phóng viên Nguyễn Mạnh Hào đưa lên Bác đọc trước khi đăng, có câu: “Các anh hùng, chiến sĩ thi đua trai gái, già trẻ”. Thấy vậy, Bác cầm bút đỏ làm dấu hoán vị hai từ “trai gái” thành “gái trai”. Bác nói: Để “trai gái”, trai trước gái sau là không tôn trọng phụ nữ; hơn nữa để “trai gái” người ta dễ nghĩ đến chuyện trai gái, không hay…

Bác Hồ đang làm việc. Ảnh: TL

3.Với dân tộc ta, Đảng ta nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương hi sinh cao cả, trọn cuộc đời cống hiến cho dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Với những người làm báo nói riêng, Người còn là tấm gương mẫu mực về cách viết.

Người dạy chúng ta trước khi viết cái gì phải tự đặt câu hỏi: “Vì ai mà mình viết?” Người trả lời luôn: Viết cho đại đa số Công – Nông – Binh. Mục đích viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”.

Trong bài “Cách viết”, ngay câu mở đầu Bác đã nói về viết ngắn: “Hôm nay Bác nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn".

Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy”.

Lời dạy của Bác với chúng ta đã bao năm rồi, vậy mà đến nay nghiêm khắc nhìn lại, rõ ràng báo chí chúng ta chưa học được Bác bao nhiêu. Vẫn còn quá nhiều tin bài vô bổ, nhạt nhẽo, không rõ mục đích. Vẫn còn quá nhiều tin bài dài dòng, câu cú rối rắm.

Báo chí chúng ta tuyên truyền hằng ngày về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về tác phong Hồ Chí Minh, nhưng hầu như rất ít tòa soạn đặt vấn đề một cách nghiêm túc, coi học tập cách viết ngắn gọn, giản dị, trong sáng, dễ hiểu, coi trọng tiếng nói dân tộc của Bác thành phong trào ở cơ quan mình. Có phải thế chăng mà những căn bệnh đó đến giờ vẫn nặng nề?

Nhân kỉ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đọc lại các lời dạy của Bác, tưởng nhớ tới Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ và người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam, tưởng nhớ tới các nhà báo liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, các thế hệ nhà báo đi trước đã góp phần phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà, thiết nghĩ các cơ quan báo chí, những người làm báo chúng ta hiện nay bên cạnh việc quan tâm tổ chức lại tòa soạn sao cho đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, hãy vì lòng tự hào, tự trọng và danh dự của mình, đưa phong trào học tập tấm gương viết báo của Bác vào thực tiễn, biến những lời dạy của Bác về cách viết trở thành hiện thực

Tạp chí Người Làm Báo số 459 - Tháng 05/2022

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải