song
Đóng góp to lớn của bến phà Âu Lâu trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ
Ngày xuất bản: 28/04/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 776

 Bến Âu Lâu, nằm ở xã Âu Lâu và phường Nguyễn Phúc của thành phố Yên Bái. Trước khi xây dựng cầu Yên Bái (cầu khởi công ngày 03/01/1990 - hoàn thành ngày 30/12/1992), bến Âu Lâu là nơi duy nhất ô tô qua phà sang các huyện phía Tây của tỉnh và sang tỉnh Sơn La, Điện biên. Yên Bái có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là cửa ngõ nối Việt Bắc và Tây Bắc. Vị trí then chốt của cửa ngõ đó là bến Âu Lâu.

 

Bến phà Âu lâu là nơi duy nhất có thể đưa được các loại vũ khí hạng nặng qua sông tiếp viện cho chiến trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 02/7/1945, đội du kích Âu Cơ, đổi tên thành Cứu quốc quân, làm lễ xuất quân tại xã Việt Hồng và tiến về phía Tây vào giải phóng Nghĩa Lộ (8/7),giải phóng Phù Yên-Sơn La ngày 23/7, Văn Bàn ngày 5/8 và Than Uyên ngày 7/8/1945. Một bộ phận Cứu quốc quân đóng bên trong bến Âu Lâu do đồng chí Nguyễn Phúc và đồng chí Trần Đức Sắc phụ trách. Đối diện bến Âu Lâu là đồn Cao, nơi thực dân Pháp và quân Nhật đóng quân, do vậy từ Âu Lâu dễ quan sát biến động của quân địch. Ngày 15/8/1945, Phát xít Nhật đầu hàng đông minh. Ngày 16/8/ quân Nhật giao cho Tuần phủ Đỗ Văn Bình cử người mang cờ trắng qua bến Âu Lâu xin gặp Việt Minh để bàn giao tỉnh. Do lệnh Tổng khởi nghĩa chưa về đến Yên Bái, đồng chí Nguyễn Phúc và đồng chí Trần Đức Sắc họp nhận định: Quân Nhật ở thị xã đang hoang mang cần phải tiến đánh ngay quân Nhật và chính quyền tay sai ở thị xã Yên Bái; đồng thời chỉ đạo chi bộ thị xã vận động nhân dân tiếp ứng từ bên trong. Đêm 16 dạng ngày 17/8/1945, Cứu quốc quân vượt sông Hồng đánh quân Nhật. Đến 9h, hai bên rút quân. Sáng 18/8, quân Nhật lại cử người qua bến Âu Lâu xin đầu hàng. Ngày 19/9 ta sang tiếp quản thị xã. Ngày 22/8/1945, tại vườn hoa nhà kèn(vườn hoa Hồng Hà) đã tổ chức mít tinh chào mừng khởi nghĩa Yên Bái thắng lợi và gia mắt Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái.

Trước năm 1952 quân Pháp đóng ở Mỵ, Ba khe, Ca Vịnh, Thượng Bằng La, án ngữ đường vào Nghĩa Lộ. Khi ta mở chiến dịch Lý Thường kiệt năm 1951, nhân dân Yên Bái đã huy động 70 thuyền nan chở quân đại đoàn 312  qua bến Âu Lâu tiến vào đánh quân Pháp ở Mỵ, Ba khe. Năm1952, ta mở chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch chia làm bốn đợt; đợt I tập trung đánh Nghĩa Lộ, đợt II, III, IV đánh Sơn La, Lai Châu. Khi đánh ở Nghĩa Lộ ta chuyển quân qua sông Hồng ở bến Âu Lâu hoàn toàn bằng thuyền nan. Trong 10 ngày(từ 14-23/10 /1952) ta giải phóng hoàn toàn Nghĩa Lộ, diệt 500 tàu địch, bắt sống 1000 tên, giải phóng hoàn tòan tỉnh Yên Bái .                                           

Cuối năm`1953, ta chuẩn bị mở chiến dịch Tây Bắc, Trung ương đảng và bộ Tổng tư lệnh, giao cho tỉnh Yên Bái mở rộng đường 13A, từ bến Hiên(qua sông Chảy) sang Yên Bái, vượt bến Âu lâu vào Ba Khe qua đèo Lũng Lô, sang Phù Yên (sơn la) vào đường 41 (ngã ba Cò Nòi) đi Sơn La, cung đường này dài khoảng 188km. Yên Bái đã huy động hàng vạn dân công các xã, vượt mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành đường này trong vòng 3 tháng (từ tháng 8-11/1953), vượt kế hoạch Trung ương giao, bảo đảm xe ô tô từ Việt Bắc qua bến phà Âu Lâu vào đường 41. Để bảo đảm cung đường thông suốt, tỉnh đã huy động hàng chục nghìn dân công, với 1.638.000 công sửa và làm mới đường; đã khai thác 45.000m3 đá, 31.300 m3 gỗ, tre, vầu, nứa để chống lầy, rải đá được 164.900 m2 đường.

 

Bến Âu Lâu đang  được đầu tư cải tạo, nâng cấp để xứng tầm khu Di tích lịch sử

Bến phà Âu lâu là nơi duy nhất có thể đưa được các loại vũ khí hạng nặng, như pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe ô tô chở đạn dược, khí tài quân sự qua sông tiếp viện cho chiến trường. Từ tháng 11/1953 đến 5/1954, máy bay Pháp đã thả 11.778  quả bom các loại, trong đó có 508 quả bom nổ chậm xuống tuyến đường(tài liệu Tổng cục hậu cần xuất bản năm 1960). Riêng bến phà Âu Lâu là một trong những địa điểm máy bay Pháp ném bom ác liệt hơn 200 ngày đêm, với 27.000 tấn bom đạn, nhưng bến chỉ tắc 8 ngày đêm, bảo đảm chi viện kịp thời cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Thời kỳ này không có ca nô kéo phà, ta phải căng cáp, dây song qua sông rồi đứng trên phà, bám vào cáp kéo phà qua sông. Để tránh máy bay Pháp phát hiện, ban ngày ta kéo phà vào trong ngòi Lâu ngay cạnh bến phà, rồi nhấn chìm phà để máy bay địch không phát hiện được. Ban đêm lại tát nước khỏi phà và kéo ra bến tiếp tục vận chuyển khí tài quân sự, ô tô, lương thực qua sông. Công nhân bến phà không ngừng cải tiến kĩ thuật để đưa phà sang sông nhanh nhất, từ 30 phút một chuyến xuống còn 15 phút/ chuyến. Bình thường chỉ đưa được từ 30-40 xe qua/đêm, nhưng có đêm đã đưa được 93 xe qua sông. Lực lượng vũ trang tỉnh đã huy động hàng chục thuyền nan của nhân dân hai ven sông hỗ trợ chở bộ đội, dân công, lương thực từ bên thị xã qua sông. Ban ngày bộ đội và dân công phải sơ tán chờ đến tối mới vượt sông. Một trong những nơi sơ tán là khu nhà Công sứ Pháp, nơi đây cũng bị địch ném bom, nhiều chiến sỹ và dân công hỏa tuyến đã hy sinh. Cán bộ, công nhân bến phà với tinh thần “sống bám phà, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, nhiều công nhân bến phà đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân Yên Bái đã đóng góp cho chiến dịch 1.680.740 ngày công, 2700 công thuyền, 650 công xe thồ, huy động được 1840 tấn gạo, vượt 90 tấn, 372 con trâu bò, 489 con lợn(trọng lượng trên 105 tấn) và hàng chục vạn tấn rau xanh cung cấp cho mặt trận. Hàng vạn dân công hỏa tuyến đã vận chuyển qua bến phà Âu Lâu 23.370 tấn vũ khí, khí tài, lương thực cung cấp cho mặt trận.

Tỉnh Yên Bái đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tổng kết chiền dịch, quân và dân Yên Bái đã được tặng thưởng Huân chương chiến công cho du kích xã Bái Dương và xã Hưng Khánh và lá cờ của Hội đồng cung cấp Trung ương tặng, 15 bằng khen của Liên khu 10.

Với những đóng góp to lớn của bến phà Âu Lâu, ngày 07/8/2012, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã cấp Bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia cho bến phà Âu Lâu. Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, dịp Tết Nguyên Đán năm 1967, bến phà Âu Lâu vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua thăm chúc Tết quân và dân Yên Bái.

Bến phà Âu Lâu là một trong những địa danh tự hào của Tỉnh Yên Bái. Để đưa di tích lịch sử quốc gia bến phà Âu Lâu trở thành địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, tỉnh Yên Bái đã đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng cụm tượng đài biểu tượng anh hùng của bến phà Âu Lâu và cải tạo lại bến phà khang trang đúng với tầm vóc di tích lịch sử.

                                                                                                          Trần Thi

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải