song
Hành trình khôi phục nghề thổ cẩm Suối Giàng của nữ sinh mê thiết kế thời trang
Ngày xuất bản: 12/09/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 5848

 Chứng kiến sự mai một từng ngày của thổ cẩm truyền thống tại quê hương mình, sinh viên Bùi Thị Hương (SN 2000, khoa Thiết kế thời trang - Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) đã bắt tay vào thực hiện dự án khôi phục làng nghề thổ cẩm Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái).

Niềm trăn trở khi thổ cẩm mai một dần

Trước kia, tại xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), nghề dệt, thêu vải thổ cẩm đã trở thành một nghề phổ biến .Tuy nhiên, theo thời gian thổ cẩm Suối Giàng dần đi vào quên lãng và những tấm vải, những chiếc váy Mông được in sẵn của Trung Quốc lại được đà lên ngôi.

 

Bùi Thị Hương – nữ sinh viên sáng lập dự án khôi phục làng nghề thổ cẩm Suối Giàng.

Khi nói tới sự mai một của làng nghề thổ cẩm Suối Giàng, chị Hương trăn trở: “Một xã miền núi với 98% dân tộc Mông sinh sống mà bản sắc cứ dần bị mai một thì thật xót xa. Nhỡ tương lai 10 - 20 năm nữa, khi những du khách ghé thăm nơi đây, hỏi về nghề thổ cẩm truyền thống lại nhận được câu trả lời: “Xã này còn ai biết thêu thổ cẩm đâu”, vậy thì không chỉ mất đi một nghề mà còn mất cả những nét văn hóa đặc trưng...”.

Từ những trăn trở với thổ cẩm quê hương cùng với niềm yêu thích thiết kế, mỹ thuật, nữ sinh viên được bà con Suối Giàng gọi với cái tên thân thương “Hương Kim” đã quyết định khởi động dự án mang tên “Khôi phục làng nghề thổ cẩm Suối Giàng”.

 

Một lớp học trong dự án được chị Hương tổ chức.

Dự án được Hương ấp ủ từ năm 2021 và bắt đầu thực hiện từ tháng 2/2022, với mong muốn có thể đưa thổ cẩm về đúng với giá trị nguyên bản của nó, để bà con tại đây có được nguồn thu nhập bền vững từ chính việc khôi phục thành công làng nghề thổ cẩm Suối Giàng.

Tham gia dự án gồm có một nhóm các bạn trẻ thuộc trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội, các bà con tại xã Suối Giàng. Sau 8 tháng thực hiện, dự án đã tạo nên được nhiều sản phẩm túi xách, đồ decor như khăn trải bàn, gối, đầm, mang lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây.

Khôi phục và “giữ lửa” nghề truyền thống

Nhắc tới dự án khôi phục làng nghề thổ cẩm Suối Giàng, chị Hương không thể quên được những hôm ngồi tới 3h sáng để vạch ra hướng đi; suốt bao nhiêu ngày tháng ôm ba lô, đi xe máy lên núi để kêu gọi bà con tham gia dự án, dạy bà con phối màu và thiết kế sản phẩm. Để có thể thực hiện dự án, chị Hương đã không ngại ngần dùng số tiền bản thân tích lũy được từ các công việc làm thêm.

 Những sản phẩm thổ cẩm được bà con Suối Giàng làm ra.

Theo chị Hương, khôi phục làng nghề thổ cẩm là một bài toán khó nhưng cần lời giải, phải bảo tồn rồi phát huy và sau đó mới đến phát triển. Bảo tồn còn phải đi kèm phối hợp cùng những công nghệ hiện đại để người dân vẫn giữ nghề nhưng không phải vất vả như ngày xưa.

Để làm được điều đó, những sản phẩm chị Hương cùng bà con xã Suối Giàng tạo ra với tiêu chí ứng dụng được nhiều vào cuộc sống hằng ngày, nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Từ đó người dân mới có sinh kế bền vững từ nghề và để thế hệ trẻ lại tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Những ngày thực hiện dự án, chị Hương còn mở các lớp học miễn phí dạy bà con cách phối màu, may các sản phẩm, tái chế quần áo cũ thành túi xách thổ cẩm... Nhờ vậy, sau những tháng cuối năm kết thúc vụ chè và quế không có nguồn thu nhập thì bà con nơi đây đã có những thành quả đầu tiên nhờ bán các sản phẩm thổ cẩm cho khách du lịch, khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, chị Hương còn thực hiện dự án tái chế đồ cũ để may các sản phẩm thổ cẩm nhằm giảm lượng rác thải, bảo vệ môi trường. Chị Hương cùng nhóm bạn trẻ cùng trường cũng đã mở lớp giảng dạy mỹ thuật miễn phí cho các trẻ em khó khăn tại Suối Giàng với mong muốn được góp sức mình vào sự phát triển tài năng của các bé.

 

Em bé người dân tộc Mông chăm chỉ vẽ trong lớp học chị Hương tổ chức.

Khẳng định dự án khôi phục làng nghề thổ cẩm rất ý nghĩa và có giá trị, chị Giàng Thị Nhà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Giàng cũng đã tham gia cùng dự án này để làm mẫu, vận động bà con nơi đây tham gia để tăng thu nhập, phát triển nghề truyền thống.

“Hành trình sẽ còn nhiều thử thách và chông gai, nhưng tôi tin rằng với sự quyết tâm của mình cùng những người đồng hành thực hiện, thành quả sẽ dần tới. Chị em phụ nữ sẽ không còn phải lặn lội đi xa làm việc nữa, những bữa cơm gia đình sẽ có thêm nhiều món ăn, con em trong nhà sẽ giữ được nghề truyền thống và Suối Giàng sẽ có thêm thật nhiều sắc màu của thổ cẩm”, chị Hương chia sẻ.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải