song
Hội Nhà báo Việt Nam: Quyết liệt “siết kỷ cương”
Ngày xuất bản: 19/12/2024 12:00:00 SA
Lượt đọc: 181

 Tại Hội nghị tổng kết báo chí năm 2024, báo cáo đánh giá hoạt động nghiệp vụ, kết quả thực hiện 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam trong năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Hiện tượng phóng viên, cộng tác viên một số cơ quan báo chí (trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, có dấu hiệu gia tăng, diễn biến phức tạp.

Vẫn nhức nhối chuyện đạo đức, đặc biệt ở khối tạp chí

Trên thực tiễn năm qua, có hiện tượng một số phóng viên, cộng tác viên liên kết thành từng nhóm có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép, đưa thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính, nhất là trong thời điểm gần Tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn.

Thậm chí, đã có nhiều phóng viên - người làm báo bị các cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam do lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi… Vụ án xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là câu chuyện buồn, là tiếng chuông cảnh báo, cảnh tỉnh cho những cá nhân còn có nhận thức sai lầm, lợi dụng danh nghĩa hoạt động báo chí để trục lợi, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đau xót. Nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực chia sẻ: “Đau xót. Một điều rất đáng suy ngẫm đó là hiện tượng một số nhà báo đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp và thậm chí là vi phạm pháp luật. Ở đây chính là có sự buông lỏng quản lý đối với các nhà báo, đặc biệt là các cộng tác viên của các cơ quan báo chí, nhất là khối tạp chí”.

Để chấn chỉnh hiện tượng vi phạm đạo đức, ngay từ đầu năm 2024, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã có công văn số 01 ngày 09/01/2024 đề nghị Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội và Chi hội trực thuộc: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân cho đội ngũ người làm báo; rà soát và quản lý chặt chẽ, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đội ngũ phóng viên, nhất là phóng viên thường trú, cộng tác viên tại các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thẻ nhà báo, thẻ hội viên, giấy giới thiệu cấp cho cán bộ, phóng viên; khẩn trương tiến hành rà soát, thành lập, kiện toàn Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp theo quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam...

 

Hội Nhà báo Việt Nam kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều lệ tại Chi hội Tạp chí Mặt trận.

Đồng thời, thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên năm 2024, Thường vụ Hội đã thành lập các Đoàn kiểm tra, giám sát độc lập đối với các đơn vị Hội cơ sở, kết quả tính đến thời điểm hiện tại đã làm việc với 16 đơn vị trong đó có 2 Liên Chi hội: Liên Chi hội Nhà báo ngành Ngân hàng và Liên Chi hội Nhà báo Báo Dân trí, 5 Hội Nhà báo tỉnh gồm Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bình Định, Phú Yên; 2 Chi hội Nhà báo: Báo Giáo dục Thời đại và Báo VnExpress; 7 Chi hội Tạp chí: Tạp chí Nhà Quản trị, Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu, Tạp chí Bảo hiểm xã hội, Tạp chí Sức khỏe cộng đồng, Tạp chí Kinh tế Chứng khoán, Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt và Tạp chí Tài chính doanh nghiệp.

Trong tháng 11 và 12/2024, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục triển khai kế hoạch giám sát đối với 3 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố cùng 10 đơn vị Chi hội Nhà báo Báo và Tạp chí. Nhìn chung, báo chí địa phương thực hiện nghiêm túc Điều lệ Hội và tuân thủ quy định pháp luật, tỷ lệ vi phạm chủ yếu ở báo chí Trung ương tập trung vào Khối các cơ quan Tạp chí điện tử…

Có thể thấy rằng, với chức năng nhiệm vụ của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên đôn đốc, nắm bắt thông tin về tình hình khiếu nại tố cáo ở các cấp Hội để có giải pháp xử lý kịp thời. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát ở cơ sở để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nhà báo. Kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp hội viên, cán bộ, phóng viên, biên tập viên lên mạng xã hội phát ngôn thiếu chuẩn mực, có tính “hai mặt”, vi phạm Quy tắc sử dụng Mạng xã hội, vi phạm 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Nỗ lực trong giám sát, kiểm tra và xử lý

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng xử lý vi phạm, với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng, Ban Kiểm tra đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh báo chí thông tin sai sự thật, vi phạm Luật Báo chí. 100% đơn thư nói trên đã được nghiên cứu phân loại và xử lý. Khi có kết luận của các cơ quan chức năng, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp đều xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các cá nhân hội viên, nhà báo có sai phạm. Trong năm 2024, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý 8 vụ việc liên quan đến 17 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên vi phạm pháp luật bị bắt tại Báo Giao thông, Tạp chí Bầu trời rộng mở, Tạp chí Doanh nghiệp, Báo Đại Đoàn kết, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam...

Theo báo cáo từ Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã ban hành quyết định khai trừ, thu hồi 5 thẻ hội viên vi phạm pháp luật của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; đang tiến hành thủ tục quy trình khai trừ, thu hồi 2 thẻ hội viên vi phạm pháp luật đã có bản án thi hành có hiệu lực của pháp luật. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp cũng theo dõi và có kiến nghị kịp thời đối với các trường hợp nhà báo sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Với quan điểm lấy “xây” để “chống”, Thường trực Hội đồng cấp Trung ương và cấp tỉnh đã ngăn chặn, trao đổi, đối thoại, nhắc nhở nhiều trường hợp hội viên chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn xác trên mạng xã hội. Tất cả các trường hợp được nhắc nhở đều gỡ bỏ thông tin khỏi trang cá nhân, nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và cam kết không tái phạm.

Đặc biệt, với sự phối hợp hiệu quả từ các cơ quan chức năng, trong năm 2024 đã có 225 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, tổng số tiền xử phạt là hơn 3,5 tỷ đồng. Một số lãnh đạo cơ quan báo chí có sai phạm không được bổ nhiệm lại vì yêu cầu miễn nhiệm, một số cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động, đã có 7 nhà báo bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ nhà báo, 80% số vụ xử phạt được thực hiện bởi các Sở Thông tin và Truyền thông, cho thấy các địa phương đang ngày càng phát huy vai trò giám sát của mình, sau khi được phân cấp, phân quyền. Ông Phạm Văn Báu – Chánh Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông Hà Tĩnh chia sẻ: “Riêng năm 2024 thì thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông Hà Tĩnh đã phối hợp với công an tỉnh và các cơ quan chức năng ban hành 7 quyết định xử phạt, trong đó có xử phạt một tạp chí 70 triệu đồng…”.

Có thể nói, siết chặt kỷ cương cũng là để môi trường báo chí được thanh lọc, giữ vững vị thế chủ lưu trong dòng chảy tin tức. Năm 2024, hoạt động báo chí nói chung, của Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực và kịp thời, trong đó có việc chấn chỉnh, xử lý các vi phạm đạo đức trên tinh thần phát huy vai trò chức năng của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải