song
Kiến tạo môi trường văn hóa báo chí Bài 5: Khơi dậy tinh thần trách nhiệm, đề cao vai trò giám sát
Ngày xuất bản: 11/08/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 7656

 HNB TP. Hà Nội vừa tổ chức buổi lễ triển khai phong trào thi đua “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa” với tinh thần siết kỷ cương đồng thời tạo ra phong trào thi đua để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người làm báo Thủ đô trong hoạt động nghề nghiệp.

“Đây là dịp để khơi dậy tinh thần trách nhiệm, khơi dậy những yếu tố văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo. Để từ đó, phát huy những nền tảng vốn có và loại bỏ đi những ảnh hưởng tiêu cực đến người làm báo, đến cơ quan báo chí. Trong bản kế hoạch thực hiện của Hội Nhà báo (HNB) TP. Hà Nội, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ giám sát, báo cáo hàng quý, tổng kết năm đầu… chứ không chỉ là những tiêu chí để cam kết”, nhà báo Tô Quang Phán - Ủy viên BCH HNBVN, Chủ tịch HNB TP. Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Công dân & Khuyến học khẳng định.

Siết lại quy định, quy ước về văn hóa đối với cơ quan báo chí

HNB TP. Hà Nội vừa tổ chức buổi lễ triển khai phong trào thi đua “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa” với tinh thần siết kỷ cương đồng thời tạo ra phong trào thi đua để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người làm báo Thủ đô trong hoạt động nghề nghiệp. Chia sẻ với Báo Nhà báo & Công luận, Chủ tịch HNB TP. Hà Nội Tô Quang Phán cho rằng: Cơ quan báo chí trước hết phải là cơ quan văn hóa, phải thực hiện đúng quy định pháp luật về báo chí, chuẩn mực trong đối nhân xử thế, với công chúng, với các quy ước đạo đức của người làm báo, quy ước đạo đức xã hội. Ban Tuyên giáo Trung ương, HNBVN đã triển khai phong trào thi đua “Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa” là rất kịp thời nhằm siết lại kỷ cương, làm sao để quy chế, quy ước được chặt chẽ hơn nữa. Ngoài việc báo chí phải tuân thủ pháp luật, ai sai phải xử lý thì việc tạo ra những phong trào thi đua chung như thế trong các cơ quan báo chí trong cả nước là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Các cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Nội ký kết giao ước thi đua về xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa.

Mục đích của việc “cam kết thi đua” được HNB TP. Hà Nội đặt ra đó là phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Thêm nữa, sự cam kết ấy cũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước và Thủ đô cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí. Nêu cao tinh thần xây dựng cơ quan văn hóa, môi trường văn hóa của các cơ quan báo chí và người làm báo Việt Nam. Tạo giá trị văn hóa của những người làm báo Thủ đô trong chiều sâu văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Không chỉ là tiêu chí để cam kết…

Đặt ra vấn đề giám sát là điều rất quan trọng chứ không chỉ là việc phổ biến các tiêu chí để cam kết, nhà báo Tô Quang Phán cho rằng, trên thực tế, liên quan đến các quy định, quy tắc trong quản lý báo chí, trong giáo dục đạo đức người làm báo hiện nay không thiếu nhưng với sự vận động không ngừng của xã hội, của hoạt động báo chí đã có các yếu tố tiêu cực tác động vào, một số cơ quan báo chí và một số người làm báo bị ảnh hưởng xấu, có một số vi phạm pháp luật, vi phạm quy ước đạo đức người làm báo, vi phạm quy ước văn hóa nói chung của xã hội… Trong khi đó, thời gian qua, việc giám sát, xử lý những vi phạm chưa được chặt chẽ, thậm chí có lúc còn buông lỏng. Có một bộ phận người làm báo đặc biệt là người làm báo trẻ chưa có vốn sống nhiều, tầng văn hóa chưa sâu thì rất dễ bị tác động xấu, dễ bị vi phạm… Cho nên, thời điểm này, chúng ta đưa ra vấn đề này nhằm siết lại quy định, quy ước về văn hóa đối với cơ quan báo chí là hợp lý.

Trên tinh thần đó, triển khai phong trào thi đua này, HNB TP. Hà Nội hướng đến xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí Thủ đô văn hóa, người làm báo Thủ đô văn hóa. Thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”. Giữ gìn nét văn hóa báo chí Thủ đô gắn với lợi ích chung của đất nước và Thủ đô ngàn năm văn hiến… Đặc biệt để việc “cam kết” không chỉ nằm trên giấy, HNB TP. Hà Nội đã đưa ra chiến lược thực hiện rất cụ thể với các bước triển khai bài bản.

 

Nhà báo Tô Quang Phán - Chủ tịch HNB TP. Hà Nội.

Trong đó, Chủ tịch HNB TP. Hà Nội cho biết, trong bản kế hoạch triển khai, trên cơ sở nội dung các tiêu chí về cơ quan văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam, HNB thành phố xây dựng bảng chấm điểm cụ thể hóa các tiêu chí gắn với cơ quan báo chí và người làm báo Thủ đô. Tổ chức phát động và ký giao ước thi đua thực hiện phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”. Sau đó, căn cứ nội dung Kế hoạch này, các Liên Chi hội, Chi hội Nhà báo sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí vận động hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”. Văn phòng HNB thành phố và các Liên Chi hội, Chi hội phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức phát động phong trào tới toàn thể hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động để tổ chức thực hiện tốt phong trào thông qua việc thực hiện các tiêu chí văn hóa của cơ quan báo chí và của người làm báo Việt Nam. Đặc biệt, văn phòng HNB thành phố thường xuyên theo dõi, đôn đốc các Liên Chi hội, Chi hội Nhà báo trực thuộc thực hiện tốt các nội dung của phong trào và định kỳ hằng năm báo cáo kết quả về Văn phòng Hội để tổng hợp báo cáo HNBVN theo quy định. Trong đó, căn cứ Quyết định số 70a/QĐ-HNBVN về việc Ban hành tiêu chí cơ quan Văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam, thời gian sơ kết năm thứ nhất (dự kiến) sau ngày 15/12/2022.

Đánh giá về tinh thần tham gia của các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố, nhà báo Tô Quang Phán cho biết, từ trước đến nay, các cơ quan báo chí trên địa bàn thực hiện vấn đề giáo dục đạo đức, xây dựng cơ quan văn hóa rất tốt, ít xảy ra vi phạm… nhưng việc ký kết dịp này một lần nữa khẳng định mạnh mẽ quyết tâm và  trách nhiệm, để các cơ quan báo chí Hà Nội chứng minh rằng, các cơ quan báo chí của Thủ đô đang đi đầu trong nhiệm vụ này, thể hiện trách nhiệm công dân Thủ đô, trách nhiệm người làm báo… “Trách nhiệm trước hết là giao cho các Liên Chi hội phối hợp với các đồng chí lãnh đạo cơ quan báo chí để vừa xây dựng vừa thực hiện. Đây là dịp để khơi dậy tinh thần trách nhiệm, khơi dậy những yếu tố văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo. Để từ đó, phát huy những nền tảng vốn có và loại bỏ đi những ảnh hưởng tiêu cực đến người làm báo, đến cơ quan báo chí. Trong bản kế hoạch thực hiện của HNB TP. Hà Nội, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ giám sát, có báo cáo hàng quý, tổng kết năm đầu… chứ không chỉ là những tiêu chí để cam kết” - Chủ tịch HNB TP. Hà Nội khẳng định.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải