song
Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025): Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng lập hiến và hai bản Hiến pháp đầu tiên
Ngày xuất bản: 17/05/2025 12:00:00 SA
Lượt đọc: 19

 - Sự ra đời của hai bản Hiến pháp 1946 và 1959 vừa mang dấu ấn chỉ đạo cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là sự phản ánh rất rõ tư tưởng lập hiến của Người.

Đúng vào những ngày này, khi việc lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013 đang được triển khai rộng khắp trong cả nước, lại nhớ về dòng chảy lịch sử lập hiến của nước ta, khi cho đến nay, đã có 5 bản Hiến pháp được ban hành. Trong đó, sự ra đời của hai bản Hiến pháp 1946 và 1959 vừa mang dấu ấn chỉ đạo cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là sự phản ánh rất rõ tư tưởng lập hiến của Người.

“Khi nước đã độc lập, quốc gia có chủ quyền thì phải sớm ban hành Hiến pháp”

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - tư tưởng về pháp quyền với việc xây dựng thể chế, thiết chế, quy trình nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân chiếm một vị trí rất quan trọng. Tư tưởng lập hiến của Người coi hiến pháp là trụ cột gốc trong hệ thống pháp luật ghi nhận độc lập, chủ quyền; hiến pháp là công cụ để bảo vệ độc lập chủ quyền và đặt khuôn khổ cho độc lập chủ quyền của dân tộc. Nước không được độc lập, quốc gia chưa có chủ quyền thì chưa có điều kiện để xây dựng và ban hành Hiến pháp. Ngược lại, Hiến pháp ra đời là để tuyên bố về mặt pháp lý với nhân dân trong nước và thế giới một nhà nước độc lập có chủ quyền, là phương tiện để bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia.

 

Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1946. Ảnh: TL

Vì thế, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền cách mạng non trẻ còn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn “thù trong giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian tâm sức cho việc làm thế nào phải gấp rút xây dựng được một bản Hiến pháp dân chủ của nước Việt Nam độc lập. Ngày 20/9/1945, nghĩa là chỉ chưa đầy một tháng sau Lễ Độc lập, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 34/SL quyết định thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ gồm 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ủy ban là nghiên cứu xác định mô hình, xây dựng cấu trúc của một bản Hiến pháp dân chủ hoàn toàn mới, vừa đảm bảo tính lâu dài, vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta.

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Dự thảo Hiến pháp đã khẩn trương nghiên cứu soạn thảo Hiến pháp. Tháng 11/1945, khi soạn xong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ban dự thảo đã cho công bố trên báo Cứu quốc để toàn dân tham gia góp ý kiến.

Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I ngày 2/3/1946, trong những quyết sách hàng đầu được kỳ họp lịch sử này đưa ra, có việc thành lập Tiểu ban dự thảo Hiến pháp của Quốc hội với 11 thành viên. Để việc soạn thảo Hiến pháp đạt hiệu quả cao nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc gồm 41 thành viên (hầu hết là các trí thức, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân) làm đầu mối tập hợp ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Thông qua Mặt trận Việt Minh, việc lấy ý kiến nhân dân được tiến hành khẩn trương nghiêm túc.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1959. Ảnh: TL

Tháng 10/1946, bản dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được hoàn thành. Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội, từ ngày 28/10 - 9/11/1946, bản dự thảo Hiến pháp ấy được đưa ra để thảo luận và thông qua. Sau những phiên trao đổi rất sôi nổi, thậm chí nhiều khác biệt, nhưng qua sự giải thích hết sức cặn kẽ, thuyết phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ lâm thời, đồng thời là người đứng đầu Quốc hội Việt Nam (Nghị viện nhân dân) kiêm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam mới với sự nhất trí gần như tuyệt đối.

“Sau khi nước nhà mới được tự do hơn 14 tháng, đã làm bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị kiến trúc sư trưởng của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã nhấn mạnh đầy tự hào trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I.

Hiến pháp năm 1959: Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hiến pháp năm 1946 đã hoàn thành sứ mạng lịch sử, so với tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới cần được bổ sung, thay đổi. Đất nước thời điểm đó cần một bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa, quy định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, nhằm phát huy sức sáng tạo to lớn của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng nước nhà, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc.

 

Bản Hiến pháp năm 1959. Ảnh: TL

Dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Hiến pháp thứ 2 của đất nước một lần nữa lại được thể hiện rõ nét khi tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa I đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1946 và thành lập Ban dự thảo Hiến pháp sửa đổi bao gồm 28 thành viên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Trong báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi trước Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Bản Hiến pháp này sẽ phát huy hơn nữa lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, sẽ động viên nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ hơn nữa để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...". 

Sau khi làm xong Bản dự thảo đầu tiên, tháng 7/1958, Bản dự thảo được đưa ra thảo luận trong đội ngũ cán bộ trung cấp và cao cấp thuộc các cơ quan quân, dân, chính, đảng. Ngày 1/4/1959, bản dự thảo được công bố để toàn dân thảo luận và tham gia đóng góp ý kiến. Cuộc thảo luận này kéo dài trong 4 tháng với sự tham gia sôi nổi, tích cực của các tầng lớp nhân dân lao động. Ngày 31/12/1959, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I đã nhất trí thông qua bản Hiến pháp sửa đổi và ngày 1/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công bố Hiến pháp.

Với 10 chương, 112 điều, Hiến pháp năm 1959 đã phát huy tinh thần của Hiến pháp năm 1946, đồng thời phản ánh đầy đủ tình hình thực tế của chế độ ta do cuộc cách mạng phản đế, phản phong thắng lợi đã mang lại, phản ánh đúng đắn con đường đang tiến lên của dân tộc. Là bản Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 1959 khẳng định Việt Nam là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tổ chức theo chính thể Nhà nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, các quyền tự do dân chủ được bảo đảm. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do Nhân dân bầu ra…

“Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” bằng sức mạnh "thần linh pháp quyền" của Hiến pháp - tư tưởng lập hiến quan trọng ấy của Hồ Chí Minh đã được thể hiện rõ nét qua hai bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, tự do và kiên định con đường chủ nghĩa xã hội.

Theo VOV

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải