song
Mãi tự hào Căng và Đồn Nghĩa Lộ
Ngày xuất bản: 12/07/2021 12:00:00 SA
Lượt đọc: 16248

 Căng và Đồn đã trở thành tượng đài chiến thắng với hình tượng ngôi sao 9 cánh ghi danh 9 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc nổi dậy, trong đó, có cố nhạc sĩ Đinh Nhu - tác giả bài hát "Cùng nhau đi hồng binh”…

Nhân dân các dân tộc Yên Bái và du khách tham quan Khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ.

 

Những ngày Tháng Bảy, Khu Di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ đón thêm nhiều du khách khắp nơi trong cả nước đến tham quan, tìm hiểu. Chị Phạm Thị Duyên - cán bộ của Khu di tích cho biết: "Mỗi khi thuyết minh, tôi luôn muốn giúp du khách được sống lại hoàn cảnh và thời khắc quan trọng đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam. 

Đó là vào tháng 2/1945, thực dân Pháp chuyển gần 100 tù nhân chính trị của ta từ Căng Bá Vân (Thái Nguyên) về giam tại Căng và Đồn Nghĩa Lộ. Khi đi qua những vùng dân cư, các anh đã hát vang những bài ca cách mạng, tranh thủ tuyên truyền các chính sách của Mặt trận Việt Minh. Nhân dân ở ven đường đã mang thức ăn, nước uống ủng hộ và giúp đỡ. Hình ảnh đoàn tù chân tay bị xiềng xích song vẫn lạc quan, khiến nhân dân rất khâm phục”. 

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ, ngay khi bị thực dân Pháp áp giải đến Căng và Đồn, Chi bộ nhà tù đã được thành lập và đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư. Chi bộ chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cách mạng; cử một số đồng chí được ra ngoài lao động trực tiếp tiếp xúc lính gác làm công tác binh vận và phối hợp với nhân dân bắt mối liên lạc giữa nhà tù và các gia đình ngoài phố. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, các đồng chí: Trần Huy Liệu, Trần Đức Sắc đã nhanh chóng chiếm được cảm tình và sự giúp đỡ của nhân dân. Sau khi được tuyên truyền và giác ngộ, nhiều người dân đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ về thuốc men, lương thực, thực phẩm, quần áo, giấy, bút, mực và trao đổi tin tức thường xuyên với các đồng chí trong Căng và Đồn. 

Trong nhà tù, Chi bộ đã quyết định ra Báo Đường Nghĩa để tuyên truyền cách mạng và hướng dẫn công tác cho cán bộ, đảng viên, phát hành tới từng tổ Đảng và quần chúng do đồng chí Trần Huy Liệu làm chủ bút. Nội dung của các số báo tập trung vào vạch tội ác của Nhật - Pháp; thông báo tin tức, phổ biến một số kinh nghiệm xây dựng và phát triển cơ sở Đảng. 

Nhờ có tờ báo này, tình hình trong nước, thế giới, kinh nghiệm tổ chức đấu tranh những gương chiến đấu vì dân, vì nước, sự phát triển phong trào cách mạng của các địa phương đã được truyền đạt tới cơ sở, góp phần quan trọng trong công tác dân vận của Đảng.

 Thông qua đó, đường lối của Đảng được phổ biến và thấm sâu vào quần chúng, góp phần củng cố các cơ sở Đảng ngày thêm vững chắc. Ngoài việc tuyên truyền đường lối chính sách, Chi bộ còn tổ chức nhiều hình thức đấu tranh trực tiếp như đưa yêu sách với phủ, đồn làm lễ truy điệu cho một số đồng chí đã hy sinh, tạo điều kiện cho tù nhân của các trại thăm hỏi, gặp gỡ nhau. 

Nhân dịp tết Nguyên đán, Chi bộ đã đấu tranh với thực dân Pháp đòi tổ chức đón tết chu đáo và anh em tù chính trị được treo cờ Tổ quốc ở vị trí cao, trang trọng; làm kỳ đài, căng khẩu hiệu; treo đèn lồng, kết hoa; tổ chức diễn kịch, triển lãm Báo Đường Nghĩa, mời đồng bào tới xem… 

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp đã tạo một thời cơ mới cho cách mạng nước ta. Tại Căng và Đồn Nghĩa Lộ, đại diện tù chính trị đã thuyết phục quân Pháp phải thả tù chính trị và trang bị vũ khí để cùng chống Nhật nhưng không được chấp nhận. Cuộc thương thuyết không đạt kết quả, Chi bộ đã họp bàn và quyết định phá Căng và Đồn để tự giải thoát. Cơ hội đến vào ngày 17/3/1945 khi Pháp định chuyển tù chính trị ở Căng và Đồn đi nơi khác nhưng vấp phải sự phản đối của tù chính trị và đây cũng là cơ hội để tổ chức bạo động cướp Căng và Đồn. Thực dân Pháp nổ súng làm 9 đồng chí hy sinh tại chỗ, trong đó có nhạc sĩ Đinh Nhu, 11 đồng chí còn lại thoát khỏi nhà tù và được các cơ sở của ta đón đưa, che chở và là lực lượng nòng cốt chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh Yên Bái.

Trang vàng trong lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ còn được biết đến với quyết định của Trung ương đánh Căng và Đồn để giải phóng Nghĩa Lộ, mở cánh cửa sang phòng tuyến sông Đà, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Với những quyết sách đúng đắn, vào 8 giờ sáng ngày 18/10/1952, quân ta nổi dậy đấu tranh tiêu diệt được 45 tên và bắt sống 235 tên địch, Căng và Đồn Nghĩa Lộ được giải phóng hoàn toàn.

Gần 70 năm đã trôi qua, chiến trường của trận đánh ác liệt năm xưa trên Căng và Đồn Nghĩa Lộ nay đã hoàn toàn thay đổi. Nơi đây đã trở thành một công trình được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tưởng nhớ đến khí phách của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất. Với nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ, đây chính là biểu tượng của đoàn kết, gắn bó các dân tộc, chung tay xây dựng, đưa thị xã trở thành trung tâm văn hóa - thương mại - dịch vụ phát triển ở khu vực phía Tây của tỉnh.

 Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải