song
Mang chương trình ngày Tết đến đồng bào vùng cao
Ngày xuất bản: 29/01/2025 12:00:00 SA
Lượt đọc: 239

 Một mùa Xuân mới lại đến, những phóng viên, biên tập viên Phòng Tiếng Dân tộc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Yên Bái lại bước vào vòng quay hối hả, miệt mài để mang đến cho những khán, thính giả đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh những chương trình phát thanh, truyền hình ngày Xuân, Tết đặc sắc.

Ngay từ đầu tháng 11 dương lịch, Phòng Tiếng Dân tộc đã triển khai kế hoạch, đề cương cho các chương trình Tết. Bên cạnh việc đảm bảo phát sóng các chương trình hàng ngày, Phòng phải sản xuất 15 chương trình phát thanh, 15 chương trình truyền hình cho cả 3 thứ tiếng Thái, Mông, Dao để phát trong 3 ngày Tết. Bởi vậy những tháng cuối năm, đặc biệt là những ngày giáp Tết, cường độ công việc luôn “căng” lên, huy động cao độ tư duy sáng tạo của các phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên của Phòng.

Nhà báo Dương Tình, Trưởng Phòng Tiếng Dân tộc chia sẻ “Với mong muốn các chương trình phát thanh, truyền hình của Phòng mang hơi thở mùa Xuân, tràn đầy sắc Xuân, gửi gắm thông điệp là những khát vọng, khí thế, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trước thềm năm mới. Các chương trình dành Tết năm nay, các phóng viên, biên tập viên Phòng Tiếng Dân tộc tỏa đi khắp các địa phương trong tỉnh để viết về những gương mặt đồng bào dân tộc thiểu số ưu tú, tiêu biểu trong một năm miệt mài lao động, sản xuất, học tập, làm việc và hơn hết là cống hiến sức mình cho quê hương; những thành tựu sau một năm, những mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực; rồi những nét đẹp văn hóa, phong tục đón Tết truyền thống… Đó là món quà kết tinh từ công sức, trí tuệ, mồ hôi của tập thể phòng chúng tôi gửi đến đồng bào các dân tộc thiểu số trong những ngày đầu Xuân mới”.

Thường thì những đề tài cho ngày Tết được các phóng viên ấp ủ trước đó rất lâu, để dành và nuôi nấng chờ ngày viết mà thôi. Cho nên khi có kế hoạch của phòng thì các phóng viên đã có đề tài đăng ký ngay. Đến cuối tháng 11 dương lịch, 6 phóng viên của Phòng Tiếng Dân tộc đã đăng ký xong đề tài. Người ít thì 3 phóng sự, người nhiều thì 5 phóng sự, có những người còn phải tăng cường đi quay cho các phòng khác.

 

Nhóm PV Phòng Tiếng Dân tộcn ghi hình tại Khu bảo tồn loài sinh vật cảnh xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải

Với đặc thù tác nghiệp luôn là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn. Vậy nên những ngày cuối năm, phóng viên Phòng Tiếng Dân tộc thường kết hợp vừa làm các chương trình hàng ngày, vừa tranh thủ  làm các chương trình ngày Tết, nên các chuyến đi thường kéo dài nhiều ngày. Tết này nhóm phóng viên Giàng Dủ - Nguyễn Hoàng - Nguyễn Minh chọn đề tài về những người giữ rừng ở nơi đỉnh trời Chế Tạo. Để có thể hoàn thành sớm tác phẩm, nhóm phóng viên đã phải bắt tay làm ngay từ những ngày đầu tháng 12 dương lịch. Chuyến đi 4 ngày lên huyện Mù Cang Chải, thăm Khu bảo tồn loài sinh vật cảnh xã Chế Tạo để viết về công tác bảo vệ rừng. Trời giữa đông rét buốt, 2 ngày đầu sương mù dày đặc tới mức đứng cách nhau chỉ 1 mét mà nhìn không rõ, nên không thể vào rừng, đến ngày thứ 3 cả nhóm vẫn quyết tâm đi. Ê kíp gồm 4 phóng viên, kỹ thuật viên được các thành viên trong Tổ Bảo tồn cộng đồng xã Chế Tạo dẫn đường, cả đoàn phải đi men theo bụi rậm trong rừng nguyên sinh, thành viên Đội Bảo tồn vừa đi vừa phát bụi mở đường, quãng đường khoảng 3 - 4km nhưng phải mất 3 tiếng đồng hồ, dọc đường phóng viên nhiều lần bị ngã đến xây xước tay chân. “Mặc dù địa bàn tác nghiệp vô cùng khó khăn, nhưng ê kíp chúng tôi vẫn nỗ lực hoàn thành tác phẩm để có thể phát sóng trong những ngày đầu năm mới, đặc biệt là vào đúng dịp Tết trồng cây đầu Xuân, để mọi người hiểu và chia sẻ những khó khăn, vất vả cũng như tình yêu với rừng của các thành viên trong Tổ Bảo tồn cộng đồng, và với mong muốn mọi người cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường” - phóng viên Giàng Dủ chia sẻ.

 

PV Phòng Tiếng Dân tộc quay chương trình văn nghệ cho ngày Tết

Vì vẫn phải đảm bảo chương trình phát sóng hàng ngày, nên các chương trình dành cho ngày Tết, các phóng viên, biên tập viên phải tranh thủ làm buổi trưa, buổi tối và ngày nghỉ. Bên cạnh đó để có các sản phẩm cho ngày Tết đặc sắc, tròn trịa, đẹp, phóng viên, biên tập không chỉ chăm chút cho đề cương, lời bình sắc nét, cô đọng, mà hình ảnh cũng phải đầu tư công phu, sống động từ góc máy, sáng tạo trong phần hậu kỳ, đồ họa thể hiện. Vậy nên thời gian dành cho tác phẩm cũng nhiều hơn. Phóng viên Nguyễn Hoàng chia sẻ: “Những ngày cuối năm, cánh phóng viên, biên tập viên đều phải làm tăng ca, khi đi tác nghiệp lúc trời còn mưa phùn, gió bấc, cảnh vật mùa đông ảm đạm, lạnh lẽo nhưng yêu cầu tác phẩm khi phát sóng phải thật vui tươi, đào mai rực rỡ, cây cối đâm chồi nảy lộc, nên chúng tôi mất rất nhiều công sức cho phần hậu kỳ, có những phóng sự sau khi đi hiện trường chúng tôi phải mất 4 đến 5 buổi tối để hoàn thiện. Tuy mệt nhưng nghĩ đến tác phẩm của mình được bà con chăm chú theo dõi, ai cũng miệt mài, cố gắng hơn”.

Các phóng viên, biên tập viên Phòng Tiếng dân tộc đa phần quê ở xa, ngày Tết ai cũng mong muốn được trở về quê đón Tết, nhưng do đặc thù công việc nên Phòng vẫn phải phân công người trực gồm đủ các thứ tiếng để khi kế hoạch có thay đổi vẫn có thể thay thế chương trình kịp thời.

            Viết cho ngày Tết, phóng viên Vàng Mai lựa chọn những nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, chị tâm sự “Mặc dù cả năm viết về dân tộc miền núi, nhưng đây vẫn luôn là đề tài cuốn hút, hấp dẫn mình. Mình muốn đồng bào có cái nhìn tốt hơn về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Mùa Xuân mới, mình muốn gửi tới bà con những tác phẩm hay, ý nghĩa mang một khát vọng mới cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, đó còn là lời cảm ơn chân thành của mình trong một năm qua luôn nhận được sự tin cậy gửi gắm, chia sẻ và mến yêu của bà con”.

            Tết này, khán giả Đài Phát thanh - Truyền hình Yên Bái, đặc biệt là khán giả vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được xem các chương trình đậm chất văn hóa của dân tộc mình, từ tục xuất hành sáng Mùng 1 Tết của người Dao đỏ, đến các Di sản văn hóa Xên Đông, Gầu Tào, Cúng rừng, cho đến điệu múa Sênh Tiền của người Mông ở Nà Hẩu, hay gương những phụ nữ người Mông tiêu biểu trong phát triển kinh tế và cùng chia xẻ, chung vui với bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 đã được cấp ủy, chính quyền các cấp hỗ trợ để kịp có nhà mới đón Tết… Những chương trình Tết đó là “món quà tinh thần” mà những phóng viên, biên tập viên Phòng Tiếng Dân tộc dành tặng khán, thính giả khi mùa Xuân về, làm rạng rỡ đất trời và phấn khích lòng người.

Thanh Thùy

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải