song
Mỗi nhà báo phải xác định rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội
Ngày xuất bản: 11/10/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 3444

 Khi tham gia mạng xã hội người làm báo luôn đề cao vai trò xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân trên không gian mạng, tuy nhiên thực tế vẫn cho thấy cần có những quy định chặt chẽ hơn để mỗi cá nhân có trách nhiệm trong việc đăng tải thông tin, hình ảnh, tương tác trên mạng xã hội.

Xử lý những phát ngôn chưa chuẩn xác trên mạng xã hội

Việc ứng dụng các mạng xã hội mang lại hiệu quả rất tích cực, giúp lan tỏa những thông tin, đưa các thông tin, bài viết của cơ quan báo chí quảng bá các bài viết, giúp tòa soạn tiếp cận bạn đọc nhanh hơn, tăng sự tương tác với công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện việc không ít những người làm báo phát ngôn, bình luận cũng như chia sẻ những nội dung hoặc ngôn từ chưa chuẩn mực, thiếu văn minh trên mạng xã hội. Điều này tác động tiêu cực đến tâm lý, thậm chí ảnh hưởng xấu đến đời sống của những người xung quanh.

Theo báo cáo của Ban Kiểm tra – Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị Tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc Sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam: Từ khi Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo ra đời, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp cũng theo dõi và có kiến nghị kịp thời đối với các trường hợp nhà báo sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Với quan điểm lấy “xây” để “chống”, Thường trực Hội đồng cấp Trung ương và cấp tỉnh đã ngăn chặn, trao đổi, đối thoại, nhắc nhở cho trên 300 trường hợp hội viên chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình tác nghiệp hoặc có phát ngôn chưa chuẩn xác trên mạng xã hội.

Có thể nói, mạng xã hội được xem là một trong những công cụ hữu hiệu để người làm báo đưa thông tin của mình đến nhiều đồng nghiệp và công chúng. Nhưng cũng vì tính cá nhân hóa của mạng xã hội nên đã có không ít người lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, vi phạm đạo đức nghề báo. Như vụ việc, phóng viên C.L.A.H thuộc văn phòng đại diện một cơ quan báo chí của TP. Hồ Chí Minh đóng tại Cần Thơ bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì có hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” lên mạng xã hội.

Hay vụ việc vào tháng 8/2022, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng xử phạt vi phạm hành chính với mức 7,5 triệu đồng đối với một nhà báo đăng tải bài viết trên mạng xã hội với tiêu đề: "Đà Nẵng đề xuất mở "phố đèn đỏ" để kích cầu du lịch", kèm hình ảnh nhạy cảm…

 

Nhà báo cần xác định rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội.

Cùng với mặt tích cực mà mạng xã hội mang đến, còn xuất hiện mặt tiêu cực trên không gian mạng, các khiếm khuyết về văn hóa cũng đã phơi bày rõ rệt trên không gian mạng. Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh - Chánh Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay đã xuất hiện việc bôi xấu nhằm hạ uy tín cơ quan báo chí và cá nhân các nhà báo, đặc biệt là chuyện đời tư cá nhân. Việc bôi xấu các nhà báo và cơ quan báo chí được thực hiện theo cách nói ám chỉ, thường không nêu tên cụ thể. Đây có thể là cách các hội viên nhà báo đối phó với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội, 6 tiêu chí văn hóa của người làm báo Việt Nam. Những nội dung này cũng thường xuất phát từ các hội nhóm có từ vài nghìn tới vài chục nghìn thành viên trên mạng Facebook.

Thực tế cho thấy nhiều hội, nhóm này khi được mới thành lập với mục đích tốt, để trao đổi thông tin, nghiệp vụ báo chí, hỗ trợ nhau trong quá trình tác nghiệp giữa các nhà báo với nhau. Tuy nhiên một số thành viên trong nhóm vẫn lợi dụng các diễn đàn này nhằm mục đích cá nhân, bôi xấu, xúc phạm người khác trên mạng xã hội.

Theo quy định mọi vấn đề đúng hay sai phải do pháp luật điều chỉnh, các cá nhân có quyền tin báo tố giác tội phạm, gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhưng không có quyền bôi xấu trên môi trường mạng. Đặc biệt là trong bối cảnh các cấp hội đang hào hứng xây dựng môi trường báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo.

Để hoạt động báo chí phát triển lành mạnh

Có thể nói, với sự đa dạng các nền tảng mạng xã hội và sự hỗ trợ của công nghệ trong thời đại cách mạng 4.0, đã làm thay đổi cách thức đưa tin rất nhiều, mọi người đều có khả năng biên tập và xuất bản thông tin. Người dùng tài khoản mạng xã hội dễ dàng lập nhiều tài khoản ảo, với thông tin ẩn danh họ có thể lên mạng làm bất cứ điều gì, nói bất cứ nội dung gì, thậm chí là vi phạm pháp luật. Làm xuất hiện những ứng sự sai lệch, thiếu chuẩn mực đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật trên mạng xã hội được cho là đang ở tình trạng đáng báo động. Tuy nhiên đối với những người làm nhiệm vụ tuyên truyền, các nhà báo phóng viên cần có tinh thần kiến tạo và cẩn trọng khi thông tin.

 

Các nhà báo phóng viên cần có tinh thần kiến tạo và cẩn trọng khi thông tin trên mạng xã hội.

Nhà báo Hoàng Ngọc Sỹ - Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Quảng Trị chia sẻ, thực tế cho thấy, thời gian qua có một số ít phóng viên, nhà báo đăng những bài viết đăng tải trên trang cá nhân, đồng thời tương tác với những fanpage khác cung cấp thông tin lệnh lạc. Nhiều bài viết, bình luận thiếu tính định hướng, đưa ra những thông tin tiêu cực, thiếu tinh thần xây dựng, quy chụp vấn đề, sử dụng những từ ngữ thiếu chuẩn mực, gây nhiễu thông tin, làm mất lòng tin của Nhân dân đối với một số cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước.

Thực tế trong thời gian qua, tại tỉnh Quảng Trị để Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Nhà báo Quảng Trị đã xây dựng văn bản hướng dẫn, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Đây là định hướng phù hợp với thực tiễn hiện nay để mỗi nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội, đồng thời cũng là cơ sở để xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo khi tham gia sử dụng mạng xã hội.

Việc ban hành và thực hiện các quy định, quy tắc đạo đức người làm báo trên không gian mạng là rất cần thiết để giúp cho hoạt động báo chí phát triển lành mạnh. Khi thời đại công nghệ số phát triển, người làm báo khi khai thác, sử dụng thông tin trên mạng xã hội càng phải cần giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức chính trị và có kỹ năng chuyên môn vững vàng. Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo ra đời đã giúp tạo thói quen suy nghĩ, đắn đo trước khi phát ngôn, bình luận hay chia sẻ một điều gì đó trên mạng

Chia sẻ về các giải pháp cho vấn đề này, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu ban hành các văn bản liên quan, coi như một hành lang pháp lý để bảo vệ uy tín, danh dự người làm báo khi bị tấn công trên không gian mạng. Ai cũng biết mạng là ảo, nhưng hệ lụy của nó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống thực tế mỗi chúng ta, tới xã hội, tới các thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta không chỉ bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên nhà báo khi tác nghiệp, mà còn có biện pháp bảo vệ uy tín, danh dự của người làm báo trên không gian mạng.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải