Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban công văn số 3355/BTTTT-CBC đề nghị các cơ quan chủ quản quan tâm chỉ đạo hoạt động báo chí, bố trí tăng nguồn kinh phí năm 2023, tăng dự toán kinh phí năm 2024 cho công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông chính sách cho các cơ quan báo chí trực thuộc.
Thực hiện nhiệm vụ tại các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 31/3/2021 về nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu của các cơ quan báo chí giai đoạn 2021 - 2025, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách; căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền hiện nay.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội Báo toàn quốc. Ảnh minh họa
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đề nghị các ban Đảng Trung ương; Các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương; Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam một số nội dung sau:
1. Quán triệt thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường điều kiện cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu:
- Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí: Tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trực thuộc nâng cao chất lượng thông tin; Hằng năm, tăng khoảng 20% số lượng tin, bài, thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình sản xuất mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu so với năm 2020.
- Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.
2. Về tăng cường điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí:
Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT nhận được một số ý kiến phản ánh của cơ quan báo chí về khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực cho nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền và việc giao nhiệm vụ, đảm bảo điều kiện đặt hàng cho cơ quan báo chí theo quy định (như: xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ…) để thực hiện thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách từ nguồn ngân sách nhà nước. Liên quan đến các nội dung này, Bộ TT&TT có ý kiến và đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí:
2.1. Về tăng cường nguồn tài chính hoạt động của cơ quan báo chí:
Hiện nay, nguồn thu từ hoạt động quảng cáo và các dịch vụ khác của các cơ quan báo chí đang giảm sút, các cơ quan báo chí rất khó khăn; nhất là các cơ quan báo chí được giao tự chủ tài chính Nhóm 1, Nhóm 2 theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chỉnh của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 60/2021/NĐ-CP). Hoạt động báo chí, cơ quan báo chí luôn gắn với nhiệm vụ truyền thông chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu, phục vụ nhiệm vụ chính trị thuộc lĩnh vực quản lý của chủ quản, vì vậy đề nghị các cơ quan chủ quản quan tâm chỉ đạo hoạt động báo chí, bố trí tăng nguồn kinh phí trong năm 2023 và bố trí tăng dự toán kinh phí năm 2024 cho công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông chính sách cho các cơ quan báo chí trực thuộc để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách, đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được cấp phép và thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
2.2. Về giao nhiệm vụ, đảm bảo các điều kiện đặt hàng cơ quan báo chí:
a) Về thẩm quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng: Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) quy định: “Các bộ, cơ quan trung ương hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định từ nguồn ngân sách trung ương”.
b) Giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền: Điều kiện giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đã được quy định tại Điều 9 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, trong đó một trong các điều kiện giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là: “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, thực hiện theo số lượng, khối lượng, chi phí hợp lý theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt” (điểm d khoản 2 Điều 9).
c) Đặt hàng cơ quan báo chí trực thuộc thông tin, tuyên truyền:
- Điều kiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đã được quy định tại Điều 12 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, một trong các điều kiện đặt hàng là “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng” (điểm b khoản 1; điểm c khoản 2 Điều 12); Thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, Bộ TTTT đã ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT ngày 30/11/2021 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử. Tại Thông tư, Bộ TTTT quy định mức hao phí tối đa (về thời gian lao động, khối lượng vật tư và thời gian sử dụng máy móc, thiết bị trực tiếp sản xuất tác phẩm báo in, báo điện tử) để các cơ quan báo chí dựa vào đó xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của mình trình cơ quan chủ quản ban hành quyết định định mức cụ thể cho cơ quan báo chí phù hợp với điều kiện thực tế về mô hình tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ, trình độ ứng dụng công nghệ, địa bàn hoạt động....
- Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng quy định: “Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của 03 năm trước liền kề”.
2.3. Theo các quy định trên, Bộ TT&TT đề nghị:
a) Các cơ quan chủ quản báo chí căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị xem xét bố trí dự toán giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cơ quan báo chí trực thuộc theo các điều kiện cụ thể hiện hành; tăng cường điều kiện cho cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách;
b) Căn cứ các định mức kinh tế - kỹ thuật đã được Bộ TT&TT ban hành, các cơ quan chủ quản tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc khẩn trương xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của mình trình cơ quan chủ quản ban hành quyết định định mức cụ thể để các cơ quan báo chí có thể thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu và truyền thông chính sách, đảm bảo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được cấp phép và thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
Theo Nhà báo và Công luận
CÁC TIN KHÁC