song
Nghệ thuật khèn - tinh hoa của người Mông Yên Bái
Ngày xuất bản: 07/07/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 7255

 Nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông tỉnh Yên Bái mới đây đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự bảo tồn và phát huy của cộng đồng, của tỉnh Yên Bái những năm gần đây đã làm cho loại hình nghệ thuật này ngày càng được khẳng định, mang trong mình sức sống mãnh liệt và trở thành biểu tượng của văn hóa Mông.

 

Nghệ nhân truyền dạy múa khèn cho học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.

Khèn là nhạc cụ độc đáo, gắn liền với hình ảnh những chàng trai dân tộc Mông rắn rỏi, tài hoa, hiên ngang giữa đại ngàn gió núi. Cây khèn vừa là nhạc cụ vừa là đạo cụ, đồng thời là nhạc khí linh thiêng kết nối giữa trần gian và thế giới tâm linh, cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sâu sắc những sắc thái tình cảm, tâm tư cuộc sống, sự thăng hoa với tinh thần lạc quan, tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai người Mông.

Khèn có mặt ở mọi nơi trong đời sống của cộng đồng từ các nghi thức trong tang ma, cưới xin, lễ hội dân gian đến các hoạt động vui chơi giải trí truyền thống của người Mông. Mỗi điệu khèn đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao. 

Thông qua đó, khèn nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông tỉnh Yên Bái. Việc chế tác, diễn tấu khèn được người Mông coi là chuẩn mực đánh giá phẩm chất, tài năng của các chàng trai. 

Để có được một cây khèn tốt với âm thanh chuẩn và hay, các chàng trai Mông phải tiến hành nhiều công đoạn từ chọn gỗ làm thân khèn, làm đai, khoét lỗ, chọn ống khèn cho đến việc đúc đồng làm lam, cắt và chỉnh sửa lam, lắp lam, uốn ống, dùi lỗ, lắp ống vào thân khèn...

Khèn được thổi đi đôi với các vũ đạo múa, các động tác xoay, lộn, đá chân rất đều, đẹp và khỏe khoắn hoặc đi lại nhẹ nhàng, thong thả, khoan thai tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian khi biểu diễn khèn. 

Các động tác, tư thế được sáng tạo một cách ngẫu hứng, thăng hoa thể hiện cảm xúc sáng tạo nghệ thuật của mỗi cá nhân; đồng thời, thể hiện cảm xúc nội tâm mạnh mẽ của người trình diễn khèn. Mỗi động tác đều thể hiện sức khỏe dẻo dai và sự khéo léo của người đàn ông Mông.

Nhiều nghệ nhân có trình độ múa khèn điêu luyện, biểu diễn nhiều động tác độc đáo ở nhiều không gian khác nhau: múa khèn trên một tảng đá, trên mâm tre, trên gốc cây lớn cưa bằng hoặc trên cây gỗ tròn bắc qua suối. Dù múa khèn ở bất kỳ tư thế và không gian nào thì người múa vẫn phải giữ ổn định tiếng khèn, không để tụt hơi hoặc rơi tiếng.

Hàng năm, các địa phương thực hiện nhiều chương trình, nhiều sự kiện nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có nghệ thuật trình diễn khèn của người Mông. Các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn thành lập được hàng chục đội văn nghệ mang bản sắc văn hóa dân tộc Mông có thể trình diễn nghệ thuật khèn với nhiều bài khèn, nhiều động tác khác nhau. 

Các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu đã mở được 4 lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn khèn với trên 40 học viên hoàn thành khóa học. Ngoài ra, các cộng đồng đều tự trao truyền vốn di sản này từ thế hệ trước sang thế hệ sau thông qua việc thực hành trong đời sống hàng ngày, thông qua các hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở. 

Các trường học trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đều có các chương trình dạy và học khèn tại trường, thực hiện thường xuyên, liên tục trong các giờ ra chơi, ngoại khóa.

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải