song
Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử Đảng ở Yên Bái - Kết quả và giải pháp
Ngày xuất bản: 21/08/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 4306

 Hiện nay, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chính trị luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta trên mọi lĩnh vực, nhất là tư tưởng, lý luận. Trước tình hình đó, công tác tư tưởng, lý luận đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, nhằm làm sáng tỏ các chặng đường lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng; tổng kết thực tiễn, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ trong thời kỳ mới.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái tại Hội nghị ra mắt, phát hành cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập III (2001 - 2020)”.(Ảnh minh họa)

Triển khai hiệu quả, chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về "tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Hướng dẫn số 11-HD/TU ngày 20/6/2018 về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt nội dung Chỉ thị số 20-CT/TW và Hướng dẫn số 11-HD/TU tới thường trực cấp ủy, lãnh đạo các Ban Tuyên giáo, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; đội ngũ báo cáo viên Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các ngành, địa phương làm tốt công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng. 

Theo số liệu kết quả 5 năm, từ khi triển khai Chỉ thị 20-CT/TW đến nay, công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Yên Bái có nhiều bước tiến mới. Các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy nhận thức ngày càng sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng. Đến nay, tỉnh đã biên soạn xong 3 tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1945 - 2020; 9/9 huyện, thị, thành phố, 3 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã phát hành ấn phẩm lịch sử Đảng bộ địa phương, đơn vị mình; 173/173 xã, phường, thị trấn hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương. 

Các công trình nghiên cứu đảm bảo tính đảng, tính khoa học và tính thống nhất, tạo thành chỉnh thể giữa Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam và lịch sử các đảng bộ địa phương trong tỉnh, đóng góp hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống các địa phương.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền Lịch sử Đảng

Đi đôi với việc chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền lịch sử Đảng với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền thông qua các biện pháp tích cực, hiện đại, kết hợp sử dụng internet; tổ chức mít tinh kỷ niệm, nghe nói chuyện về truyền thống lịch sử nhân các ngày lễ lớn của đất nước, tổ chức các hội thi tìm hiểu truyền thống lịch sử, cách mạng, thi tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thống Đảng bộ địa phương thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia.

Tỉnh đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm có sức lan tỏa. Tiêu biểu là Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”; Hội thảo khoa học "Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay”; Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong xây dựng Đảng về đạo đức”; Tọa đàm khoa học: Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ...  Ngoài ra tỉnh Yên Bái còn tổ chức một số cuộc hội thảo cấp tỉnh đều rất thành công thu hút được nhiều người quan tâm, theo dõi.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi bên lề Tọa đàm khoa học Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 27/4/2023

Thông qua các cuộc hội thảo đã bổ sung được nhiều tư liệu mới; nhiều sự kiện được chứng minh làm rõ, góp phần quan trọng khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền Nhà nước. 

Cùng với các cuộc hội thảo, hệ thống phương tiện thông tin, truyền thông của tỉnh như Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Yên Bái, Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã mở các chuyên trang, chuyên mục với nhiều nội dung tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh đã đi sâu khai thác đề tài lịch sử cách mạng, đặc biệt là những trang sử hào hùng của dân tộc, của địa phương và những tấm gương của các chiến sĩ cộng sản, những người con ưu tú của quê hương đã cống hiến, hy sinh vì tự do, độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân nhằm bồi đắp cho các thế hệ nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm với quê hương, đất nước.. Nhiều tác phẩm đạt giải của Trung ương và của tỉnh như: "Cánh cung đỏ” (Hà Lâm Kỳ), "Cánh đồng Chum mùa hoa ban” (Hoàng Thế Sinh), "Ngang trời mây đỏ” (Ngọc Bái), "Khởi nghĩa Yên Bái thi tập” (Hoàng Việt Quân)… 

Thời gian qua, việc tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, giáo dục, tuyên truyền Lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác kịp thời những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.  

Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi đắp niềm tin cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu Đảng ủy các huyện, thị, thành phố; Đảng bộ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Chỉ thị số 20-CT/TW. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, đôn đốc các cấp quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến lịch sử Đảng bộ góp phần bồi đắp ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống cách mạng thấm sâu vào tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân. Các cấp ủy cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ tỉnh, huyện, lịch sử Đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. 

Ban Tuyên giáo phối hợp, chỉ đạo Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị cấp huyện vận dụng linh hoạt trong việc đưa nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương vào chương trình chính khóa và lồng ghép vào nội dung các chương trình sơ cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trên địa bàn cấp huyện; để khắc phục  tình trạng giảng dạy nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn, các nhà trường và trung tâm chính trị đã tổ chức tham quan, tìm hiểu các "địa chỉ đỏ” phù hợp với bài giảng tạo được sự hấp dẫn, hứng thú cho học viên. 

Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung lịch sử Đảng bộ địa phương lồng ghép trong hệ thống giáo dục phổ thông để phát huy tác dụng của các công trình lịch sử Đảng, góp phần tu dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, vào sự nghiệp đổi mới của nước ta do Đảng lãnh đạo.

Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

Để thực hiện tốt công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp, tổ chức Đảng, địa phương, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống; tăng cường chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị nhằm bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.  Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tái bản có chỉnh sửa, bổ sung lịch sử, truyền thống đảng bộ địa phương và các ngành, đoàn thể. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. 

Phát huy giá trị của các tài liệu lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Kịp thời cập nhật thông tin các công trình nghiên cứu khoa học mới về lịch sử Đảng; chú trọng tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng. 

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương, đơn vị mình. Quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống từ tỉnh đến cơ sở. 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 - CT/TW và Hướng dẫn số 11-HD/TU. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 20- CT/TW.

Theo Báo Yên Bái

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải