song
Nhà báo với việc nâng cao tính thuyết phục của tin, ảnh báo chí
Ngày xuất bản: 17/05/2017 12:00:00 SA
Lượt đọc: 50285

 Trong thời đại công nghệ thông tin và kỹ thuật số hiện nay đang đặt ra không ít thách thức về sự cạnh tranh đối với báo chí truyền thống. Đã có những ý kiến cho rằng rồi đây người ta chỉ coi trọng xây dựng các tập đoàn đa phương tiện để sản xuất những chương trình có tính cạnh tranh cao, còn phương tiện phát hành, chuyển tải không nhất thiết phải in ấn hoặc phát sóng như hiện nay,  bởi qua Internet, mỗi người với chiếc điện thoại thông minh, máy tính hay ipad có thể lựa chọn xem chương trình tùy theo ý thích của mình ở mọi lúc, mọi nơi. Giờ nghỉ mỗi người sẽ ở phòng riêng hay một chỗ nào đó trong phòng khách để thả hồn theo những nội dung, thông tin mà mình yêu thích, đến lúc nào đó có thể không còn cảnh cả nhà ngồi xem chung một chiếc ti vi, một chương trình, càng ít  có người chung nhau đọc một tờ báo in. Thu nhập của người làm báo chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo thu được của từng tập đoàn đa phương tiện thu được theo sự truy cập nhiều hay ít của độc giả đối với tập đoàn của mình. Điều đó đòi hỏi sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tập đoàn, họ phải có nhiều nhà báo giỏi, chương trình hay để thu hút nhiều người xem. Nhưng nói gì thì nói, máy móc, phương tiện kỹ thuật cũng chỉ có thể thay đổi phương pháp tiếp cận thông tin chứ không thể thay thế được con người, và như vậy nhà báo vẫn là nhân tố quyết định việc nâng cao chất lượng chương trình, thu hút người xem, người đọc và tin vẫn là hạt nhân của nội dung truyền thông.

Báo chí Yên Bái đang được chú trọng đổi mới và phát triển trong những năm trở lại đây

Đã là phương tiện truyền thông thì trước hết là thông tin. Muốn thu hút được nhiều người đọc thì phải thông tin nhanh, kịp thời và hấp dẫn, có sức thuyết phục cao. Ngày nay nhiều thông tin trên mạng xã hội cũng có thật, thực tế là buổi tối trên mạng  có tin hỏa hoạn, tai nạn giao thông, vỡ đập bùn thải ở chỗ này, chỗ kia thì hôm sau trên phương tiện thông tin chính thống của nhà nước cũng đưa các thông tin đó. Nhưng trên mạng xã hội chỉ đưa tin báo đạo, nói có việc này, việc nọ, còn nguyên nhân, các biện pháp khắc phục…thì không. Cho nên khi phương tiện truyền thông của nhà nước đưa tin nói rõ nguyên nhân, các  giải pháp khắc phục hậu quả, ngăn ngừa tái xảy ra những vụ việc tương tự có ý nghĩa giáo dục, có định hướng nên vẫn được đông đảo người xem quan tâm. Như vậy khi viết tin, bài nên chăng chúng ta không chỉ thích những cái bề ngoài hay những con số. Đôi khi hình dáng bên ngoài hay những con số không có ý nghĩa gì cả. Điều quan trọng là cái gì làm ra những cái đó, là phải trả bằng giá nào mới ra được những cái đó? điều cơ bản nữa là cái đó phục vụ ai? ai được hưởng lợi? chính điều đó mới thu hút người đọc, người xem. Ví dụ: Khi khởi công xây dựng một doanh nghiệp thì cái người dân quan tâm là sản phẩm làm ra chất lượng ra sao? có tốt, rẻ hơn của các doanh nghiệp khác không? bao nhiêu người có cơ hội được vào làm việc? đóng góp cho ngân sách được bao nhiêu? Có ảnh hưởng gì đến môi trường không? v.v…Như vậy người đưa tin phải luôn đặt mình ở vị trí người dân,  vì người dân địa phương mình, đất nước mình chứ không vì mấy ông chủ đầu tư để đưa lên toàn hình ảnh những người khởi công tươi cười hớn hở cầm những chiếc xẻng cuốn giấy xanh đỏ xúc mấy xẻng cát tượng trưng là xong, mà cần phỏng vấn người dân đến dự xem họ nghĩ gì? muốn gì? như vậy tin mới có tình thuyết phục mà phải luôn nhớ công chúng mới là đối thượng phục vụ của báo chí chứ đừng để chúng ta biến thành công cụ của mấy ông chủ doanh nghiệp (dù chỉ là nhất thời). Bởi vậy tin, ảnh báo chí ngoài tính chính xác, nhanh nhạy kịp thời còn phải có tính giáo dục và tính quần chúng, phải luôn hướng ngòi bút về phía công chúng, vì công chúng phục vụ. Hiện nay nhiều cơ quan báo chí của ta còn được hưởng trợ cấp từ ngân sách, từ tiền thuế do nhân dân đóng nên việc đưa tin phải nhắm tới phục vụ đại đa số nhân dân vừa là đạo lý, vừa là trách nhiệm của người làm báo.

Hội báo Xuân Yên Bái

Để thông tin có chất lượng, đòi hỏi người làm báo phải học, đọc rất nhiều. Phải nắm đường lối, hiểu thực tiễn, có cảm xúc, cảm nhận sâu sắc cái mới nảy sinh, nhưng cũng có sự từng trải, đọc nhiều, hiểu quá khứ mới thấy hết cái hay, cái đẹp đang có hôm nay. Nếu chúng ta đưa tin huyện Mù Cang Chải làm được 1.000 ha lúa xuân, thu được gần 4.000 tấn thóc mà không biết cách đây chừng 20 năm nhà nước phải trợ cấp cứu đói cho huyện mỗi năm trên dưới 1.000 tấn thóc trong khi ruộng bỏ hoang suốt vụ đông xuân  thì chưa thấy hết được ý nghĩa hạt lúa xuân hôm nay. Còn nhớ vào hồi năm 1989, khi đó tôi là phó giám đốc Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn lên làm việc với huyện Mù Cang Chải để tách Đài truyền thanh ra khỏi Phòng Văn hóa thành đơn vị trực thuộc UBND huyện. Hôm sau chúng tôi có chương trình đi tiếp sang huyện Than Uyên làm việc thì tối hôm trước ông Giàng Sáy Sinh, Chủ tịch UBND huyện đích thân đến tận phòng khách mời anh em nán lại ăn cơm với huyện vào khoảng 10 giờ hôm sau rồi hãy đi. Lúc đó huyện không có chợ, muốn tiếp khách, anh chị em văn phòng phải vào các nhà (cũng chủ yếu gia đình cán bộ công nhân viên) để mua được một con gà về nấu canh bí đỏ, gọi là có tý tươi để chủ tịch huyện tiếp khách. Cho đến khi anh Hoàng Văn Lồng làm bí thư huyện ủy thì khi đi cơ sở, quà tặng dân quý nhất vẫn là mấy cái bát ăn cơm bởi không ít nhà vẫn phải dùng ống vầu, ống tre cắt ngắn làm bát ăn. Hiểu Mù Cang Chải cách  đây chưa lâu như thế mới thấy Mù Cang Chải hôm nay  suốt từ Púng Luông, Nậm Khắt lên trung tâm huyện chợ búa tấp nập  đông vui, rất đông đồng bào Mông cũng có nông sản đem bán, quán ăn, dịch vụ mọc lên san sát đáp ứng mọi nhu cầu cho người mua, rồi các chàng trai Mông đi xe máy vù vù từ bản xuống chợ và từ lâu không còn thấy ai mặc áo vá thì chắc chẳng nhà nào còn thiếu bát ăn cơm như 20 năm về trước. Là nhà báo, đứng trước một hiện thực mà hiểu quá khứ, biết rõ hiện tại, dự cảm được tương lai thì chắc sẽ có tin bài hay hơn. Tiếp xúc với một chủ trang trại, nếu biết được anh ta đã từng đi buôn gà, buôn sắn, làm phu hồ, đào đá quý, vào làm thuê tận miền nam, rồi sau cùng trở về nhận đất, trồng rừng, nuôi cá, nuôi lợn rừng, vịt trời v.v…để thành công ngay trên chính mảnh đất quê nhà thì ta sẽ thấy ý nghĩa  và đáng trân trọng  hơn nhiều thành quả lao động hôm nay của anh và  cũng cần nói với anh muốn giữ vững thành quả anh phải đi vào sản xuất bền vững, nói không với mọi thứ hóa chất đối với sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi để có sản phẩm sạch tiến tới một cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng công nghệ cao mới có thể cạnh tranh khi hội nhập khu vực và quốc tế.

Giá trị và tính hấp dẫn của báo chí ở tính phát hiện ra điển hình, thuyết phục bằng điển hình mắt thấy, tai nghe là hiệu quả nhất. Khi tôi học báo III, có lần đồng chí Tố Hữu đến giảng: “Mỗi điển hình mà chúng ta đưa ra bằng tin, bằng ảnh phải có ý nghĩa giáo dục. Điển hình nêu lên phải sâu và phải nuôi dưỡng duy trì nó liên tục trong dư luận. Nếu có một người dân hỏi:  Tôi phải sống, chiến đấu, lao động như thế nào? Thì không gì tốt hơn là giới thiệu cho họ những cái mẫu sinh động ấy trong cuộc sống. Chứ nêu mấy câu lý thuyết, đường lối, cao hơn thì nhắc lại mấy nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê Nin thì nói như Gots “Lý thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Ông còn nhấn  mạnh: “Tin tức là cơ sở của công tác tư tưởng, không có tin tức thì đừng làm công tác tư tưởng”. Tin xuất phát từ sự kiện, hiện tượng, điển hình,  những cái  đó không thiếu nhưng cái đang thiếu ở một số nhà báo là sự dấn thân, đam mê, thực chất là yêu nghề và luôn mong có những tác phẩm hay nhất theo khả năng mình có; cũng chính là chất lượng tin bài, ảnh. Cái gì cũng vậy, ít mà ngon còn hơn nhiều mà nhạt. Bây giờ các cơ quan báo chí thường khoán tin bài, trả nhuận bút cho những tin bài vượt, nhưng nếu muốn trở thành những nhà báo giỏi, có nhiều bài sống mãi trong lòng bạn đọc thì đừng nên chạy theo số lượng. Các tòa soạn, Ban biên tập cũng nên chăng thay cách khoán bằng số lượng tin bài bằng điểm để có thể một bài hay với số điểm cao cũng đủ chỉ tiêu nhiệm vụ  cho cả tháng chứ không nhất thiết phải đủ 3 hay 4 bài, phần “đất” hoặc chương trình nếu thiếu có thể thay bằng tin, bài, ảnh của cộng tác viên và các nguồn tin khác. Để nâng cao chất lượng tin, bài, ảnh, các nhà báo của chúng ta cũng nên khắc phục bệnh suy nghĩ theo đường mòn. Lúc tôi làm Tổng biên tập báo, anh An Hải Nam hay trêu anh Hữu Tê : “Phi lù cở bất thành Hoàng Hữu”. Chả là cứ ảnh chụp người  Mông của anh Tê thế nào cũng có cái lù cở, Khi thì cô gái Mông đeo sau lưng, khi thì khoác một bên, lúc lại xếp một loạt phía trước làm tiền cảnh. Xin lỗi anh Tê nhắc lại câu chuyên vui này để các bạn trẻ hôm nay suy nghĩ về những bức ảnh của mình. Rất nhiều ảnh mà chú thích không làm thỏa mãn người đọc, khiến độc giả thấy tác giả đạo diễn quá vụng. Phổ biến nhất là trước các đại hội hay tiếp xúc cử tri thường có ảnh lãnh đạo tỉnh với một vài đại biểu đứng xếp hàng trước phông giả vờ nói chuyện rồi chú thích là: Lãnh đạo tỉnh với các đại biểu trao đổi về việc này, việc nọ, người ta thấy ngay là không thật . Nếu trao đổi thật trong giờ giải lao thì ra sân thượng hay ngoài hành lang chứ không ai đứng trên bục hội nghị. Hay kiểu 5-6 người cầm chung tờ báo giả vờ đọc lại càng không thật vì chẳng ai lại đi đọc báo tập thể! Đã xa rồi cái thời một tờ báo ảnh về được nhiều người xúm vào cùng xem. Rồi ảnh bí thư, hay chủ tịch huyện thăm một xưởng gỗ bóc thì chú thích là: Lãnh đạo huyện kiểm tra sản xuất tại có sở nọ, cơ sở kia… nghe không ổn ! Người  đọc có thể hỏi tại sao lãnh đạo huyện lại đi kiểm tra doanh nghiệp? họ sản xuất thì họ phải tự lo kinh doanh cho hiệu quả, còn họ vi phạm pháp luật về lao động, thuế, môi trường… thì các ngành thanh tra chứ sao lãnh đạo phải kiểm tra? lãnh đạo chỉ nên thăm hỏi, tìm hiểu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (nếu có) và động viên họ sản xuất, thế thôi. Khi đến giảng cho chúng tôi nhà thơ Tố Hữu lúc đó là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nói: “Tin nhạt là một nửa sự lừa dối rồi, nhạt đến mức nào đó nữa thì thành ra sự lừa dối” và như có ai đó đã nói: Một nửa cái bánh mì thì vẫn là bánh mì, còn một nửa sự thật chưa chắc đã là sự thật !

Đồng chí Nguyên Minh Tuấn - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Chủ tịch Hội Nhà báo Yên Bái trao giải cho các tác giả đạt giải báo chí năm 2016

Để khắc phục những hạn chế, có được tin bài, ảnh báo chí có tính thuyết phục cao, tôi xin được  mượn phần kết bài giảng của cố nhà thơ Tố Hữu, tư lệnh ngành tư tưởng của Đảng ta những năm 70 của thế kỷ trước thay cho lời kết bài viết này, ông căn dặn: “Chất lượng của tin bài, ảnh báo chí là ở quan điểm anh nhìn nhận thế nào? Anh đứng trên quan điểm  nào mà nhìn? Có đứng trên quan điểm lịch sử, toàn diện, toàn cuộc không?... Tôi mong các đồng chí mỗi người tự đến với điều đó chứ không phải cái gì cũng đi hỏi thủ trưởng. Mình có cái bệnh “thủ trưởng”. Mấy chữ ấy đáng ghét nhất. Tôi không phản đối chế độ thủ trưởng, bởi vì cuộc sống phải có chế độ thủ trưởng, nếu không thì không có ai phụ trách. Nhưng mà nguy hiểm là thế này: Là lười! lười thì cái gì cũng hỏi thủ trưởng, để nếu có ai chê “Làm sao tin anh nhạt thế” thì nói “ Thủ trưởng đã thông qua rồi” !                                   

Nguyễn Thanh Vân

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải