song
Nhiễu loạn thông tin - mối nguy ngày càng lớn: “Tin rác AI”: Mối đe dọa với truyền thông?
Ngày xuất bản: 02/01/2025 12:00:00 SA
Lượt đọc: 875

 Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến chúng ta đối mặt với một hiện tượng mới, được các chuyên gia gọi là “AI slop”, hay “tin rác AI”. Dù mới xuất hiện, song hiện tượng này đã dấy lên một lời cảnh báo với giới truyền thông về sự suy giảm chất lượng thông tin.

“Tin rác AI” - Thông tin chất lượng thấp

Từ “slop” (rác) gợi lên hình ảnh những bữa ăn không ngon, vô giá trị, và điều này được so sánh với hàng đống thông tin vô nghĩa tràn ngập trên các nền tảng trực tuyến. Bởi vậy, “tin rác AI” là các sản phẩm thông tin chất lượng thấp, được tạo ra bởi các hệ thống AI, có thể dưới dạng văn bản, hình ảnh, video, hoặc thậm chí là trang web hoàn chỉnh. Khái niệm này không chỉ liên quan đến thông tin sai lệch, mà còn là những nội dung mơ hồ, lặp đi lặp lại, thiếu giá trị thực tế và chủ yếu được tạo ra để tối ưu hóa tìm kiếm hoặc thu hút người xem mà không mang lại bất kỳ giá trị nào.

Những hình ảnh, video, và memes được AI tạo ra để quảng cáo các sự kiện hoặc cá nhân nổi tiếng thường mang đậm tính chất gây nhiễu mà không hề chứa đựng thông tin có giá trị. Các trang web do AI tạo ra để tối ưu hóa SEO, chẳng hạn như các bài viết được sao chép và dán từ các phản hồi của chatbot, cũng góp phần gia tăng sự bùng nổ của thông tin không cần thiết trên internet.

 

“AI Slop” là văn bản mơ hồ, chứa đầy những từ chung chung không mang ý nghĩa thực sự. Ảnh: Alfredo Casasola

Vấn đề này không chỉ giới hạn trong các bài viết thông thường mà còn lan rộng đến các lĩnh vực khác như những sự kiện giả mạo được quảng bá trên các trang web AI, chẳng hạn như sự kiện “Willy Wonka” khét tiếng được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào đầu năm nay. Sự kiện thực sự đã diễn ra nhưng đã khiến nhiều người thất vọng vì không giống như quảng cáo mà AI tạo ra. Tương tự, hàng nghìn người đã đổ xô đến trung tâm thành phố Dublin (Ireland) để tham gia cuộc diễu hành Halloween được quảng bá trên một trang web do AI tạo ra, nhưng sau đó phát hiện thực chất chẳng có cuộc diễu hành nào cả. Những sự kiện này cho thấy AI không chỉ tạo ra những nội dung vô ích mà còn có thể làm sai lệch hoặc gây hoang mang cho người tiếp cận, nhất là khi các thông tin này được phát tán rộng rãi mà không được kiểm chứng.

Tác động đối với báo chí và truyền thông

Còn quá sớm để xác định tác động lâu dài của “AI slop” trong hệ sinh thái tin tức. Nhưng có một số bằng chứng cho thấy những sai sót do các trang web tin tức do AI tạo ra có thể gây ra tác hại thực tế trong ngắn hạn. Đầu năm nay, BNN Breaking có trụ sở tại Hồng Kông đã đăng bài báo về phiên tòa xét xử một phát thanh viên Ireland có hành vi sai trái về tình dục, nhưng lại đính kèm bức ảnh của một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Ireland tên là Dave Fanning, người không liên quan gì đến vụ án. Sai sót này là kết quả của việc sử dụng một chatbot AI để sản xuất và phát hành bài viết. Dave Fanning đang kiện hãng tin này vì tội phỉ báng.

 

Hàng nghìn người đổ xô đến trung tâm thành phố Dublin để xem cuộc diễu hành do “tin rác AI” bịa ra. Ảnh: Artur Martins/PA Wire

Không chỉ tin tức, “AI slop” cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến truyền thông nói chung, đặc biệt các nền tảng truyền thông xã hội. YouTube, Facebook và Instagram hiện nay đang thúc đẩy việc sử dụng AI để tạo ra các video và bài đăng, điều này có thể thay đổi cách thức mà chúng ta tiêu thụ thông tin. Tuy AI có thể giúp tạo ra các video ngắn mang tính hấp dẫn và dễ tiêu thụ, nhưng nếu không được giám sát chặt chẽ, những sản phẩm này có thể góp phần vào việc lan tỏa những nội dung kém chất lượng. Điều này không chỉ làm giảm giá trị của các sản phẩm mà còn làm lu mờ những nội dung thực sự mang tính chất quan trọng và chất lượng từ các nhà báo thực thụ.

AI cũng đang được sử dụng để tạo ra các trang web giả mạo, hoạt động như những cỗ máy SEO, thu hút lượt truy cập và quảng cáo. Chúng không chỉ gây lo ngại vì việc tạo ra nội dung kém chất lượng, mà còn có thể làm tổn hại đến uy tín của các tổ chức báo chí chính thống nếu họ sử dụng công cụ này để sản xuất nội dung. Việc các thông tin sai lệch hoặc thiếu xác thực tràn ngập trên các nền tảng trực tuyến có thể khiến người dùng khó phân biệt đâu là thông tin đáng tin cậy và đâu là thông tin giả mạo.

Theo Sandra Wachter, Giáo sư Công nghệ và Quy định tại Viện Internet Oxford thuộc Đại học Oxford, thông tin rác khác với thông tin sai lệch. Trong khi thông tin sai lệch thường “sai một cách thái quá” nhằm gây hiểu lầm, thì thông tin rác “sai một cách tinh tế” nhằm mục đích thuyết phục hoặc tỏ ra tự tin.

Điều này tương tự khái niệm “lừa đảo” của triết gia Harry G. Frankfurt, theo đó người nói không quan tâm đến việc họ có nói sự thật hay không vì mục tiêu của họ là thuyết phục. Bà Wachter cho biết: “Như Frankfurt đã nói, điều nguy hiểm nhất đối với một xã hội không phải là kẻ nói dối, mà là kẻ bịa chuyện”. 

Theo bà Wachter và các đồng nghiệp, hầu hết mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) không được thiết kế để nói sự thật mà chỉ để sao chép lời nói của con người.

“Những mô hình này được đào tạo để nghe giống con người, hấp dẫn, hữu ích, có lợi nhuận. Việc chúng có nói sự thật hay không không phải là vấn đề được quan tâm, nhưng chúng được trình bày như những người nói sự thật, và đó là điều khiến chúng trở nên nguy hiểm”, bà nói.

Các tác giả lập luận rằng điều này xung đột với lợi ích xã hội. Nếu cách thức hoạt động của LLM không thay đổi và chúng ta vẫn tiếp tục dựa vào chúng, chúng ta có thể phải chịu những tác hại “lâu dài, tập thể hoặc xã hội”.

Liệu có giải pháp hay không?

Các chuyên gia cho rằng cần phải có những biện pháp cụ thể để đối phó với việc AI tạo ra thông tin không chính xác hoặc kém chất lượng. Một trong những giải pháp là tăng cường sự giám sát của con người trong quá trình tạo ra nội dung AI, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến thông tin quan trọng như chính trị, y tế và khoa học.

Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề cốt yếu của AI là nó có thể tạo ra “lời nói bất chấp”, những đầu ra không chính xác nhưng vẫn có giọng điệu tự tin, làm cho người đọc khó nhận biết được đâu là thông tin sai lệch. Bởi vậy, các nhà phát triển AI cần thiết lập các hệ thống để đảm bảo rằng đầu ra của AI luôn được kiểm chứng về tính xác thực và trung thực.

Bên cạnh đó, các nền tảng trực tuyến cũng cần xây dựng cơ chế kiểm soát việc tạo ra và phân phối thông tin rác. Các công ty công nghệ lớn, như Meta (Facebook, Instagram), Google, hay YouTube, cần thiết lập các công cụ lọc và giám sát tốt hơn để phát hiện và loại bỏ các nội dung kém chất lượng hoặc không đáng tin cậy trước khi chúng có thể lan rộng.

Ngoài ra, dù có những biện pháp kiểm soát, một phần trách nhiệm vẫn nằm ở người dùng trên mạng. Người dùng cần phải cẩn trọng khi tiêu thụ thông tin trên các nền tảng trực tuyến. Họ nên phát triển khả năng phân tích và đánh giá thông tin, nhận thức được nguồn gốc và tính xác thực của các nội dung mình tiếp nhận. Việc phân biệt giữa thông tin thật sự có giá trị và thông tin rác sẽ là một kỹ năng cần thiết đối với mọi người trong thời đại của AI.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải