song
Những con đường mới của báo chí: Những phương thức kiến tạo nguồn thu
Ngày xuất bản: 28/06/2022 12:00:00 SA
Lượt đọc: 8193

 Bên cạnh xu hướng chuyển đổi số như một giải pháp toàn diện hay mô hình dịch vụ công truyền thống giàu tính cấp thiết, thì vẫn còn nhiều giải pháp kiến tạo mới giúp các cơ quan báo chí có thêm nhiều nguồn động lực để tiếp tục nỗ lực và phát triển.

Báo chí làm dịch vụ công

Trong bối cảnh doanh thu quảng cáo giảm và đặc biệt sau tác động của đại dịch COVID-19, nhiều cơ quan báo chí đã phải vật lộn để tồn tại với ngân sách giảm và quy mô nhân viên bị thu hẹp. Tuy nhiên, vai trò của báo chí truyền thống vẫn vô cùng quan trọng trong thời đại khủng hoảng thông tin. Bởi vậy, việc báo chí hoạt động như một dịch vụ công là rất quan trọng, dù không mang lại lợi nhuận kinh tế, song lại rất cần thiết cho lợi ích chung của cộng đồng.

 

Báo chí thế giới đang không ngừng tìm kiếm những giải pháp và hướng đi mới để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Có rất nhiều mô hình báo chí đang hoạt động như một dịch vụ công, phi lợi nhuận để thể hiện giá trị cộng đồng. Ví như, tờ Daily Maverick ở Nam Phi cung cấp tư cách thành viên “trả những gì bạn có thể chi trả”, tờ El Diario ở Tây Ban Nha cho phép mọi người không phải trả gì cả. Ở Bồ Đào Nha, kinh phí xổ số nhà nước được sử dụng để tài trợ cho việc độc giả được đọc miễn phí 8 hãng tin.

Tạp chí Visao thì tặng một số đăng ký miễn phí được tài trợ cho những người lớn tuổi đang theo học đại học, hay tờ Público nhắm mục tiêu đến những người thất nghiệp. Chưa hết, tờ Correio da Manhã quyết định giúp đỡ những người lớn tuổi sống trong các nhà dưỡng lão. Rồi còn đó Politiken ở Đan Mạch đang tìm cách mở rộng các chương trình truy cập miễn phí cho học sinh vào các cơ sở giáo dục.

Một khi báo chí đã thực hiện được nhiệm vụ công ích quan trọng, đóng góp cho nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là những người chịu thiệt thòi, và được ghi nhận như một sản phẩm cộng đồng thì báo chí hoàn toàn có thể nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ. Thực tế, đang có rất nhiều giải pháp về nguồn tài trợ và chính sách đối với báo chí truyền thống.

Các hình thức hỗ trợ truyền thông phi lợi nhuận khác cũng ngày càng được coi là nguồn tài trợ quan trọng cho báo chí, đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn và khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Theo Candid, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động để theo dõi các khoản tài trợ và từ thiện, viện trợ cho các tổ chức truyền thông tin tức đã tăng lên từ 226 triệu USD vào năm 2016 lên tới 458 triệu USD vào năm 2019.

 

Mô hình phi lợi nhuận đang đặc biệt phát triển trong lĩnh vực báo chí điều tra và ở cấp địa phương, công nhận tin tức là một dịch vụ thiết yếu. Ví dụ về các tổ chức tin tức kỹ thuật số phi lợi nhuận là AmaBhungane ở Nam Phi hay ProPublica, MinnPost và Texas Tribune ở Mỹ.

Quan trọng hơn, để báo chí có thể trở thành một dịch vụ công thực sự thì cần các giải pháp từ các chính phủ và các tổ chức quốc tế về báo chí. Hiện, đang có rất nhiều dự án hỗ trợ cho báo chí công đến từ các kênh khác nhau, bao gồm hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và hỗ trợ song phương, cũng như thông qua các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới và các sáng kiến ​​toàn cầu gần đây.

Quỹ Quốc tế về Truyền thông Lợi ích Công chúng (IFPIM), do UNESCO quản lý, hỗ trợ các tổ chức hoạt động ở cấp địa phương, khu vực và quốc tế trong việc thực hiện hoặc nâng cấp các dự án nhằm tăng cường sự bảo vệ hợp pháp của các nhà báo hoặc tăng cường tự do truyền thông thông qua báo chí điều tra và tranh tụng.

Gây quỹ hỗ trợ và đóng góp cộng đồng

Trước việc có quá nhiều thách thức đe dọa đến khả năng tồn tại và phát triển, thậm chí còn thay đổi liên tục và ngày càng nặng nề, thì báo chí truyền thống cũng đang liên tục thay đổi các chiến lược để tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới và các nguồn thu mới. Sự đổi mới đã tạo ra những ý tưởng, kỹ thuật và mô hình hoạt động mới. Ví dụ: các công cụ xác minh lòng tin trực tuyến, như Journalism Trust Initiative, NewsGuard hay Ads for News, đã được thiết kế để báo hiệu cho các nền tảng internet và nhà quảng cáo về các hãng tin đáng tin cậy để họ nhận được các thuật toán ưu đãi.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí chính thống và uy tín đang ngày càng thu hút tài chính trực tiếp từ các khách hàng, thông qua các hoạt động như quyên góp, tài trợ… Ví như tờ The Guardian ở Anh và Daily Maverick ở Nam Phi, đang khuyến khích độc giả của mình quyên góp thông qua hình thức tiền mặt hoặc trở thành thành viên để giúp duy trì chất lượng và giá trị cần thiết của tờ báo. Với những bạn đọc của tờ The Guardian thì điều này rất dễ nhận thấy khi sau mỗi bài viết đều có những lời kêu gọi về việc đóng góp tự nguyện này và thực sự họ đã giành được rất nhiều thành công.

Báo chí huy động vốn cộng đồng cũng là một xu hướng trong vài năm gần đây và gây được sự chú ý của giới truyền thông. Nhiều dự án huy động vốn từ cộng đồng của báo chí đã được triển khai nhờ các nền tảng khá nổi tiếng như Kickstarter. Hay Tortoise là một nền tảng được thành lập bởi các chuyên gia tin tức kỳ cựu từ BBC và Dow Jones. Tortoise ra mắt vào năm 2019 nhờ huy động được 585.000 USD từ khoảng 2.500 người ủng hộ để tiếp tục sản xuất báo chí chuyên sâu.

 

Google Khám phá là một kết quả từ các sáng kiến giúp báo chí có thêm được nguồn thu và phát triển song song với các mạng xã hội.

Buộc các gã khổng lồ công nghệ chia sẻ lợi nhuận

Nhiều người cho rằng những gã khổng lồ công nghệ như Google và Meta nên có nghĩa vụ chuyển một phần lợi nhuận cho các tổ chức tin tức như một khoản bồi thường cho việc sử dụng nội dung để thu hút quảng cáo. Trong vài năm qua, đã có nhiều đề xuất về việc đánh thuế mạnh các nền tảng internet nhằm hỗ trợ cho lĩnh vực báo chí truyền thống.

Cụ thể, các công ty internet lớn như Meta/Facebook và Google đã buộc phải nhượng bộ trước áp lực từ các chính phủ và những người ủng hộ báo chí bằng cách đề xuất hợp tác với các tổ chức tin tức trong quan hệ đối tác, theo đó họ sẽ trực tiếp tài trợ cho các sáng kiến ​​báo chí.

Vào năm 2019, Facebook đã công bố kế hoạch đầu tư tổng cộng 300 triệu USD vào các dự án báo chí trong 3 năm, bao gồm một số dự án báo cáo địa phương phi lợi nhuận như Report for America, American Journalism Project và Local Media Consortium. Năm 2020, Facebook cũng đã cam kết thêm 100 triệu USD để hỗ trợ các tổ chức tin tức trên toàn thế giới đang phải đối mặt với tổn thất doanh thu do đại dịch, bao gồm 25 triệu USD tài trợ khẩn cấp cho tin tức địa phương thông qua Dự án Báo chí Facebook.

Google cũng đã trực tiếp tài trợ cho báo chí. Vào năm 2020, Google đã công bố Quỹ Cứu trợ Khẩn cấp Báo chí cung cấp hỗ trợ tài chính cho các tòa soạn địa phương trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi thảm họa kinh tế của đại dịch. Quỹ này, một phần của Sáng kiến ​​Tin tức Google trị giá 300 triệu USD, hứa sẽ giúp khoảng 5.300 tòa soạn báo địa phương vừa và nhỏ trên khắp thế giới với số tiền tài trợ từ 5.000 đến 30.000 USD.

Ngoài tài trợ trực tiếp, các nền tảng internet dưới áp lực của công chúng đang tham gia vào các thỏa thuận cấp phép với các tổ chức tin tức nhằm chia sẻ doanh thu. Vào năm 2019, Facebook đã công bố một kế hoạch cấp phép có tên Facebook News, hứa hẹn sẽ trả tiền cho các đối tác từ các hãng tin tức chính thống để xuất bản nội dung của họ. Facebook cho biết họ sẽ trả hàng triệu đô la trong nhiều năm để lựa chọn các đối tác truyền thông lớn, bao gồm The Wall Street Journal, New York Times và các hãng tin quan trọng ở một số quốc gia nhất định.

 

Chính sách thuế

Úc gần đây đã cấp giấy phép, thông qua luật vào năm 2021, buộc Google và Facebook phải trả tiền cho việc sử dụng nội dung của các cơ quan báo chí truyền thống. Nó được gọi là Quy tắc thương lượng bắt buộc của Truyền thông Tin tức và Nền tảng kỹ thuật số. Tên gọi của nó đã nói lên tất cả. Facebook ban đầu nói rằng họ chẳng nợ nần gì báo chí và chặn người Úc truy cập tin tức trên nền tảng của mình như một động thái chống lại việc trả tiền. Tuy nhiên, sau đó họ đã đảo ngược kế hoạch và đã công bố thỏa thuận cấp phép nội dung với tập đoàn News Corporation của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch ở Úc.

Google cũng đã thương lượng phương án thanh toán với các tổ chức tin tức của tỷ phú Murdoch trên toàn thế giới, một phần dựa trên tính năng Google News Showcase. Google cho biết sáng kiến ​​này là “khoản đầu tư 1 tỷ đô-la” vào tin tức. Vào cuối năm 2020, Google báo cáo rằng họ đã ký kết hợp tác cấp phép với khoảng 200 ấn phẩm ở Đức, Brazil, Argentina, Canada, Anh và Úc. Tại Anh, khoảng 120 ấn phẩm tin tức là một phần của thỏa thuận News Showcase, cùng với khoảng 450 đối tác tin tức trên toàn thế giới.

Google News Showcase là một tính năng trên Google Tin tức và Google Khám phá trên ứng dụng di động. Khi người dùng nhấp vào một đoạn tin tức trên ứng dụng, họ sẽ được đưa đến toàn bộ bài báo trên trang tin tức gốc. Tại Pháp, Google đã ký một thỏa thuận trả cho các nhà xuất bản Pháp khoảng 30 triệu euro hằng năm trong thời hạn 3 năm đầu tiên để cấp phép nội dung của họ cho Google’s News Showcase.

Một vấn đề quan trọng trong việc cấp phép bắt buộc là sự đoàn kết giữa các tòa soạn, tránh xảy ra tình trạng mỗi tờ báo chỉ quan tâm đến việc ký kết các giao dịch của riêng mình. Bởi vậy, tại Mỹ, một luật mới sẽ cho phép các tổ chức tin tức thành lập một nhóm để thương lượng với cả Google lẫn Facebook.

Ngoài ra, các sáng kiến ​​đánh thuế những gã khổng lồ công nghệ và internet cũng đang bắt đầu diễn ra ở châu Âu. Một số chính phủ, bao gồm cả Pháp và Anh, đã áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn hoạt động trong biên giới của họ.

 

Báo chí đang mang giá trị công.

Tại Ireland, Liên minh các nhà báo quốc gia đã kêu gọi đánh thuế 6% đối với các công cụ tìm kiếm và các công ty truyền thông xã hội để tài trợ cho ngành truyền thông. Tại Mỹ, nhóm lợi ích truyền thông Free Press cũng đã kêu gọi đánh thuế nhắm mục tiêu vào quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng, bao gồm Facebook và Google, sẽ huy động được 2 tỷ USD để tài trợ cho báo chí địa phương, phi lợi nhuận. Tại Brazil, Liên đoàn Nhà báo Quốc gia cũng đề xuất mức thuế mới đối với các nền tảng kỹ thuật số và thành lập Quỹ Hỗ trợ và Thúc đẩy Nghề báo và Nhà báo.

Những đề xuất nói trên được đưa ra theo sau lời kêu gọi của Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) về việc đánh thuế đối với các gã khổng lồ công nghệ - bao gồm Google, Amazon, Meta, Apple và Microsoft - để tài trợ cho Quỹ Hỗ trợ và Thúc đẩy Báo chí và Nhà báo.

Như vậy, dù đang gặp vô vàn khó khăn nhưng báo chí truyền thống vẫn đang thể hiện được nỗ lực trong việc tồn tại và phát triển. Và thực tế, đang ngày càng có những hướng đi mới, sáng kiến mới và hy vọng mới cho báo chí trong tương lai!

Theo Báo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải