song
Phá bỏ định kiến giới: Báo chí với vai trò tuyên truyền nâng cao nhận thức là rất quan trọng
Ngày xuất bản: 19/10/2023 12:00:00 SA
Lượt đọc: 4600

 Ngày 18/10, tại toà nhà Liên hợp quốc, nhóm G4 bao gồm Đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, New Zealand, Thuỵ Sĩ cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức buổi Toạ đàm "Giới và Báo chí".

Buổi toạ đàm được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, với mong muốn sẽ tạo ra một không gian để các nhà báo cùng các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm về giới trong các hoạt động báo chí. 

 

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Còn tồn tại nhiều định kiến giới

Phát biểu chào mừng, Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy nhận định, vấn đề bình đẳng giới là câu chuyện luôn nóng bỏng không chỉ tại Việt Nam mà với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Báo chí với sứ mệnh cao cả đã và đang khai thác thông tin cũng như kiến nghị những giải pháp quan trọng trong nhiều vấn đề liên quan đến bình đẳng giới.

"Khi đưa tin về một sự kiện chính trị chẳng hạn, chúng ta hay để ý đến vẻ bề ngoài của các chính trị gia nữ, xem là họ đi đôi giày màu gì; mặc quần áo như thế nào? Đối với phụ nữ, sẽ hay gặp phải khuôn mẫu giới khi đưa tin bài. Các khuôn mẫu giới như vậy bắt nguồn từ những tư tưởng trong xã hội về bất bình đẳng giới.

Và để ứng phó với tình trạng này cũng như những khuôn mẫu tương tự, chúng ta cần làm gì với tư cách một nhà báo? Tôi rất mong mỏi được nghe ý kiến qua những kinh nghiệm, trải nghiệm của những quý vị đang ngồi ở đây, kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa tin về bạo lực trên cơ sở giới, cách thức tránh những khuôn mẫu giới như thế nào?, bà Hilde Solbakken chia sẻ.

 

Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy phát biểu.

Là 1 trong 3 tờ báo giới đang hoạt động trên cả nước, Báo Phụ nữ Thủ đô là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội. Bà Trần Hoàng Lan - Trưởng Ban Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô cho biết, ngay từ khi thành lập, báo đã xác định tôn chỉ, mục đích hoạt động là diễn đàn về giới, bảo vệ, chăm lo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Bên cạnh những thuận lợi như báo luôn được tạo điều kiện trong đưa tin về giới, bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới. Song, là tờ báo giới, Phụ nữ Thủ đô cũng đang chịu định kiến về giới của xã hội.

Bà Trần Hoàng Lan đơn cử, nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức vẫn định kiến cho rằng báo phụ nữ chỉ quan tâm tới các vấn đề như: “con cá, lá rau”, “quan hệ mẹ chồng-nàng dâu”, “chuyện phòng the”, “tình cảm vợ chồng”...  "Định kiến giới đã cản trở phạm vi hoạt động, đề tài của phóng viên", bà Lan cho hay.

Theo bà Trần Hoàng Lan, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô khi đi viết bài về công tác cán bộ, trong đó có cán bộ nữ, đã bị chính quyền cấp quận hỏi: “Sao báo phụ nữ lại quan tâm tới vấn đề này?”. 

Khi viết bài về vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ở một xã miền núi, lãnh đạo UBND xã ngạc nhiên vì “Phóng viên nữ của báo giới lại tác nghiệp xa như vậy?”. Cho thấy, phóng viên nữ ở báo giới đã sẵn chịu định kiến chân yếu tay mềm, không xông xáo.

 

Bà Trần Hoàng Lan - Trưởng Ban Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô đề cập nhiều vấn đề còn tồn tại trong việc tác nghiệp của nhà báo nữ.

Bà Lan cho biết thêm, khi tác nghiệp những vụ việc liên quan trực tiếp đến giới như bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em: Nhiều nạn nhân từ chối tố cáo, hợp tác hoặc che giấu bằng chứng cho thủ phạm ( có thể là người thân trong gia đình) do rào cản tâm lý hoặc thiếu hiểu biết pháp luật. Phóng viên nữ tham gia nhiều vụ việc còn gặp nguy hiểm, đe dọa của thủ phạm bạo hành, xâm hại.

Trong khi đó, nhiều nam giới, do định kiến báo Phụ nữ chỉ đấu tranh cho phụ nữ nên không chia sẻ vấn đề mình gặp phải với báo Phụ nữ. Trong khi thực tế, Báo Phụ nữ Thủ đô vẫn phản ánh tiếng nói của cả nam giới  trong vấn đề bình đẳng giới. Báo Phụ nữ Thủ đô đã có bài viết đấu tranh, giúp cho nhiều trường hợp là nam giới bảo vệ quyền lợi về phân chia tài sản sau ly hôn, phản ánh định kiến khác áp đặt lên nam giới như nam giới phải là người trụ cột kiếm tiền.

"Do bị mặc định là tờ báo của riêng nữ giới nên tỷ lệ nam giới, chồng, con trai đọc báo phụ nữ cùng vợ hay mẹ còn thấp. Nhiều sự kiện được báo giới tổ chức có tỷ lệ nữ tham dự vẫn chiếm đa số, nam giới ít tham dự dẫn tới thực tế “phụ nữ nói cho phụ nữ nghe về vấn đề của phụ nữ”. Các bài viết trên báo giới chưa đạt được hiệu quả và phạm vi tuyên truyền tới nam giới trong khi đây là lực lượng quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới", bà Trần Hoàng Lan nêu vấn đề.

Cần có sức mạnh tổng hợp

Với những nỗ lực không ngừng trong nhiều năm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng, bất bình đẳng giới chính là nguyên nhân gốc rễ gây ra bạo lực gia đình, bạo lực giới.

 

Bà Vũ Hương Thủy - Phó Ban tin trong nước, TTXVN cho rằng, với mục tiêu nâng cao nhận thức của xã hội, công tác thông tin, truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, là một chủ đề cần phải được báo chí thường xuyên quan tâm triển khai.

Bình đẳng giới là một vấn đề được đặc biệt quan và là một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặt ra trong thời kỳ đổi mới. Để thực hiện được mục tiêu này, rất cần đến sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới là hết sức cần thiết.

Bà Vũ Hương Thủy - Phó Ban tin trong nước, TTXVN chia sẻ, với lợi thế các phòng tin chuyên đề và 63 cơ quan thường trú tại các địa phương, Ban Biên tập tin Trong nước đã thông tin đậm nét, kịp thời các hoạt động, giải pháp của các bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Mỗi năm, Ban biên tập tin trong nước đã phát hơn 1000 tin bài liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Tuy nhiên, bà Vũ Hương Thủy thẳng thắn nhìn nhận, công tác thông tin truyền thông về phòng, chống bạo lực giới vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, thông tin chưa thường xuyên, liên tục. Hình thức truyền thông chưa phong phú, đa dạng.

Nguyên nhân chủ yếu theo bà Thuỷ là do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan. Kiến thức, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn truyền thông về bạo lực giới của cán bộ, phóng viên còn thiếu. "Đặc biệt, kinh phí để xây dựng, triển khai các chương trình, tác phẩm truyền thông đa dạng, sâu sắc về phòng, chống mại dâm còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu", bà Thuỷ nói.

Để công tác tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới có hiệu quả trong thời gian tới, bà Vũ Hương Thủy cho rằng, các cơ quan, tổ chức và địa phương cần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tham gia vào quá trình xây dựng chính sách.

Các cơ quan báo chí cần được tiếp cận nhanh nhất những nguồn tin chính thức, chính thống liên quan vấn đề bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới. Bà Thuỷ nhấn mạnh: "Các cơ quan chủ động cung cấp thông tin, số liệu liên quan để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm lên án, đấu tranh chống các hành động bạo lực giới, tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới".

Có thể nói, bình đẳng giới là một trong các yếu tố để xác định một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tạo nên sự phát triển kinh tế và nâng cao nguồn nhân lực của đất nước. Việc xây dựng xã hội có bình đẳng giới, bảo đảm bình đẳng giới là lời kêu gọi không chỉ của riêng nữ giới nói riêng mà là của toàn xã hội, và bình đẳng giới trong cả nam và nữ từ đó góp phần xây dựng một thế giới phát triển bền vững.

Theo Nhà báo và Công luận

Du lịch Mù Cang Chải Ruộng Bậc Thang, Mù Cang Chải