Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2020):
Phát huy truyền thống vẻ vang xây dựng Hội ngày càng vững mạnh
Nguyễn Xuân Cảnh
Phó Chủ tịch TT Hội Nhà báo Yên Bái
Đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa - Thái Nguyên đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội, Nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng, Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Ngày 21/4/1950 đã trở thành mốc thời gian lịch sử của giới báo chí Việt Nam và những người làm báo cách mạng chính thức có một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của mình. Đó là Hội Nhà Báo Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí chúc mừng Hội Nhà báo tỉnh
Trước đó, từ đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khá sôi nổi, nhưng dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp, những người làm báo không có tổ chức nghề nghiệp. Sau Cách mạng tháng Tám, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí được thành lập. Ngày 27/12/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam. Công việc chuẩn bị để lập ra một hội nhà báo chính thức đang được đẩy mạnh thì chiến tranh xảy đến bởi Pháp quay trở lại xâm lược. Đội ngũ nhà báo Việt Nam đã đông đảo hơn, phần lớn đi tham gia kháng chiến và Đoàn Báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Báo chí Kháng chiến. Đến đầu năm 1950, do yêu cầu của việc nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cũng là yêu cầu nâng cao nghiệp vụ báo chí, Đoàn Báo chí Kháng chiến đã được chấn chỉnh lại thành Hội Những người viết báo Việt Nam. Ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (Đại hội lần I). Hội nghị đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với Nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch, Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Phó Chủ tịch, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký. Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó gia nhập Mặt trận Liên Việt. Các báo trở thành chi hội, những người làm báo ở cơ quan nào thì tham gia chi hội cơ quan ấy. Sinh hoạt chủ yếu của các chi hội là thảo luận những vấn đề nghiệp vụ, bồi dưỡng trình độ nghề nghiệp qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Tháng 7/1950, đại hội của Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội Những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội, đặt trụ sở chính tại số nhà 59 Lý Thái Tổ (gần đây mới chuyển về phố Dương Đình Nghệ). Ngày 16 -17/4/1959, diễn ra Đại hội lần II của Hội với 123 đại biểu thay mặt 700 hội viên tham dự, Đại hội bầu ra Ban Chấp hành gồm 25 nhà báo. Nhà báo Xuân Thủy được tái cử làm Chủ tịch Hội. Ngày 7-8/9/1962, diễn ra Đại hội lần III với 160 đại biểu thay mặt 757 hội viên tham dự, Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 29 nhà báo do Nhà báo Hoàng Tùng làm Chủ tịch Hội và đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày báo chí Tây Bắc
70 năm trưởng thành và phát triển, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức 10 kỳ đại hội, qua mỗi kỳ đại hội càng khẳng định vai trò, vị thế của Hội trước công cuộc đổi mới của đất nước và sự nghiệp đổi mới báo chí nước nhà. Hội Nhà Báo Việt Nam hiện nay luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội X, Chương trình hoạt động toàn khóa và Chương trình công tác hàng năm gắn với thực hiện hoạt động Hội, qua đó, kịp thời chỉ đạo sâu sát, quyết liệt phong trào của các cấp Hội với phương châm hướng mạnh về cơ sở. Số người làm báo gia nhập tổ chức Hội ngày càng tăng. Nếu như cuối năm 1950, Hội chỉ có 300 hội viên thì đến tháng 2/2020, Hội đã có 25.038 hội viên đang sinh hoạt tại 294 đơn vị cấp Hội gồm 63 HNB tỉnh, thành phố, 19 liên chi hội, 212 chi hội trực thuộc Trung ương. Bằng việc thực hiện 11 nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội X, hoạt động của các cấp Hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu; vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội ngày càng được nâng cao, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội; quy tụ, thu hút đông đảo các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước. Trong đó, nổi bật là tổ chức thành công Hội Báo toàn quốc năm 2016, 2017, 2018 và năm 2019; triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo các cấp; rà soát tổ chức Hội và chất lượng đội ngũ hội viên thông qua đổi thẻ giai đoạn 2016-2021; thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam; ra mắt Cổng thông tin điện tử. Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư về “Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”. Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam còn thành công xuất sắc trên cương vị Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ), nhiệm kỳ 2015-2017. Những kết quả đạt được trong những năm qua đã góp phần nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò, chức năng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam, góp phần vào thành tích chung của đất nước thời kỳ đổi mới.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch tỉnh Yên Bái gặp gỡ cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Yên Bái nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019)
Cùng với sự phát triển chung của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái cũng đã có sự phát triển không ngừng, ngày càng khẳng định vai trò, trách nhiệm là một tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp, đại diện cho những người làm báo trong tỉnh, tạo lập được chỗ đứng vững chắc trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong 35 năm hoạt động, Hội đã khẳng định và có nhiều dấu ấn trong hoạt động nghiệp vụ, Báo chí Yên Bái luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu báo chí các tỉnh miền núi phía Bắc. Thông qua các cuộc thi báo chí đã khẳng định được chất lượng hội viên và những người làm báo ngày càng được nâng cao và trưởng thành về nhiều mặt. Hội duy trì tốt Giải Báo chí hàng năm, mỗi mùa giải có từ 150 đến 200 tác phẩm tham dự. Từ năm 2001 đến nay, Giải Báo chí Yên Bái đã trở thành một giải có uy tín, được đông đảo các nhà báo chuyên và không chuyên trong tỉnh tham gia. Để khắc phục những hạn chế như chưa thu hút được nhiều cây bút thuộc các thành phần tham gia, giá trị giải thưởng thấp theo thời điểm, Hội đã tích cực tuyên truyền quy chế giải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở rộng các thành phần, đối tượng tham gia. 02 lần tham mưu và trình UBND tỉnh bổ sung nâng giá trị giải thưởng. Hiện nay giải thưởng Giải Báo chí tỉnh Yên Bái hàng năm đã cao gấp hơn ba lần so với những năm đầu thực hiện. Đã khuyến khích, động viên được nhiều tác giả tham dự giải hơn, chất lượng tác phẩm tốt hơn, nhiều tác giả đã đầu tư công phu cho tác phẩm của mình và đạt giải cao. Thông qua Giải Báo chí hàng năm của tỉnh và các cuộc thi do phối hợp với các ngành, Hội đã lựa chọn được những tác phẩm báo chí xuất sắc tham dự Giải Báo chí Quốc gia. Từ khi có Giải Báo chí Quốc gia (trước đây là Giải báo chí Toàn quốc) đến nay, Hội Nhà báo Yên Bái đã có hàng chục tác phẩm báo chí đạt giải như: 01 giải A thuộc loại hình phát thanh, 03 giải B thuộc truyền hình, 06 giải C và nhiều giải Khuyến khích thuộc các loại hình báo chí. Bên cạnh đó, các hội viên thuộc Chi Hội Nhà báo Đài Phát thanh - Truyền hình đã tích cực tham gia Liên hoan Phát thanh - Truyền hình toàn quốc, qua 38 mùa liên hoan đã giành được hàng trăm Huy chương các loại. Các hội viên ở các Chi hội nhà báo trực thuộc còn tích cực tham gia các cuộc thi do các bộ, ngành trung ương tổ chức và có nhiều tác phẩm đạt giải, có hội viên đã trên 80 tuổi đời vẫn nhiệt tình tham gia cuộc thi với tinh thần trách nhiệm và chất lượng tác phẩm tốt được Ban Tổ chức Cuộc thi viết về Xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) trao Giải tác giả có tuổi đời cao nhất tham gia cuộc thi.
Hội Nhà báo Yên Bái hàng năm tổ chức rất thành công Hội báo Xuân
Những năm qua, thực hiện mục tiêu đổi mới báo chí, Hội xác định rõ: “cần phải xây dựng cho được đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ”. Vì vậy, hàng năm Hội đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam và nhiều phóng viên nhà báo giỏi, có uy tín đang làm việc tại các cơ quan báo chí trung ương mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt hội viên nhà báo; tổ chức những chuyến giao lưu thâm nhập thực tế với Hội Nhà báo các tỉnh bạn để hội viên được chia sẻ, học hỏi phương thức làm báo của đồng nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Để kịp thời động viên các hội viên nhà báo có tác phẩm báo chí xuất sắc, Hội đã nghiêm túc thực hiện việc ký kết hợp đồng sáng tạo báo chí chất lượng cao theo Đề án Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo báo chí chất lượng cao của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam. Trong những năm qua, mỗi năm Hội nhà báo Yên Bái đã xét hỗ trợ từ 20 đến 30 tác phẩm báo chí xuất sắc cho hội viên. Các tác phẩm được xét hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch, có nội dung tốt đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của Hội Nhà báo Việt Nam...
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tặng hoa chúc mừng Hội Nhà báo Yên Bái nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Hiện nay, Yên Bái đang trên chặng đường phát triển, cần thu hút đầu tư. Do đó, báo chí phải thực sự trở thành cầu nối quan trọng góp phần đưa hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và thế giới. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, đam mê, nhiệt huyết nghề nghiệp, báo chí Yên Bái sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự nghiệp phát triển chung của tỉnh nhà.Trong thời gian tới, để xây dựng đội ngũ những người làm báo ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng, Hội sẽ tăng cường công tác giáo dục, thực hiện tốt Luật Báo Chí, các Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh từ cơ sở; Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo. Quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, của người làm báo. Đồng thời mỗi hội viên Hội nhà báo Việt Nam cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của người làm báo cách mạng, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, vì lợi của đất nước và nhân dân.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH KỶ NIỆM NGÀY BÁO CHÍ VIỆT NAM
N.X.C
CÁC TIN KHÁC